MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

08-11-2016 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Các chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ đã quyên góp được hàng triệu USD để giúp các ứng viên thắng cử. Vậy toàn bộ số tiền này đi đâu?

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử năm nay, các ứng viên đã mạnh tay chi những số tiền lớn. Chỉ trong 7 ngày (11/10 - 18/10), chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đã đổ gần 12,5 triệu USD vào quảng cáo trên truyền hình nhằm giúp ứng viên Đảng Dân chủ giành được "tấm vé" vào Nhà Trắng. Trong cùng thời gian này, đối thủ của bà thuộc Đảng Cộng hòa, Donald Trump, tương tự đã đẩy mạnh "cuộc chơi” của mình bằng cách chi 11,7 triệu USD vào hoạt động quảng bá trên các đài truyền hình.

Giáo sư giảng dạy bộ môn kinh tế chính trị thuộc trường đại học Stanford, David Brady, cho biết: "Nếu bạn sống ở một bang cạnh tranh gay gắt như Florida, Ohio hay Pennsylvania, bạn không thể đi quá vài phút mà không nhìn hay nghe thấy quảng cáo”.

Cuộc chạy đua vẫn diễn ra vào những phút chót, song một số ngành như ngành truyền thông quảng cáo hay tư vấn chính trị dường như đã là những bên thắng lớn trong mùa bầu cử năm nay. Các ngành này có lợi không chỉ nhờ các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống mà còn từ các cuộc thi thố bởi các ứng cử viên chi những số tiền khổng lồ vào quảng cáo. Để đảm bảo thông điệp của mình đến được với các cử tri mục tiêu của mình, các ứng viên lệ thuộc các cơ quan truyền thông vốn triển khai vô số các chuyên gia tư vấn, các nhà sách lược, phân tích, và thăm dò ý kiến.

Cơ quan truyền thông dẫn đầu danh sách hưởng lợi

Theo Giáo sư Adam Sheingate thuộc trường đại học Johns Hopkins, trong ngành tư vấn chính trị có khoảng từ 100 đến 200 công ty hoạt động. Ông Sheingate ước tính rằng có khoảng hàng ngàn nhà tư vấn được huy động. Các công ty, một số trong đó là chi nhánh của các tập đoàn toàn cầu lớn, nhận hầu hết số tiền được chi trong mùa bầu cử.

Trong phạm vi ngành này, truyền thông lợi lộc nhiều nhất. Nhà khoa học chính trị này chia sẻ: "Các chuyên gia tư vấn truyền thông nhận được một hợp đồng lớn để thực hiện công việc thiết kế và đặt quảng cáo. Họ kiếm tiền bằng cách thu phí và lĩnh tiền hoa hồng”.

GMMB, công ty truyền thông phụ trách quảng cáo cho bà Clinton và các đảng viên Đảng Dân chủ khác, là đơn vị thu lợi nhiều nhất. Khi ngày bầu cử đến gần, nhóm chính trị của công ty tại trụ sở chính tại thủ đô Washington đang chạy đua với thời gian. Theo các số liệu của Hội đồng Bầu cử Liên bang, cho đến nay, công ty này đã nhận được trên 121 triệu USD. Bốn năm trước, khi công ty này hợp tác với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama, công ty này đã nhận được trên 411 triệu USD.

Giáo sư Sheingate cho biết, vì theo cơ chế thị trường nên các mức phí sẽ do hai bên thoả thuận và phí hoa hồng được tính căn cứ vào phí phát sóng của đài truyền hình địa phương hay truyền hình cáp.

Trong hàng thập kỷ qua, thông thường các nhà tư vấn thu phí hoa hồng 15% của các đài truyền hình về các hợp đồng quảng cáo ký kết. Gần đây, thông lệ này đã thay đổi và dường như không có mức phí hoa hồng chuẩn mực nào được đặt ra. Các báo cáo công khai chỉ cho thấy tổng số tiền mà một chiến dịch vận động tranh cử chuyển cho một công ty và mục đích chuyển tuyền.

Quảng cáo là phần lớn nhất của hoạt động vận động tranh cử, song các ứng viên còn chi những khoản tiền lớn vào thăm dò ý kiến và nghiên cứu khảo sát. Hoạt động gây vốn cũng đòi hỏi những nguồn tiền lớn giống như các dịch vụ tư vấn bởi các chiến dịch vận động tranh cử cần phải bảo đảm việc tuân thủ quy chế liên bang.

Tư vấn số hiện này là một trong những ngành đang "nóng” nhất. Các công ty chuyên về các công cụ số sử dụng cho mục đích vận động tranh cử như email, quảng cáo trên Internet, quyên vốn hay phân tích dữ liệu nhằm vào các nhóm cử tri đối tượng tiềm năng. Ông Jeff Hauser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho hay số tiền chi vào những hoạt động này theo dự đoán lần đầu tiên trong mùa bầu cử năm nay vượt mức 1 tỉ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2008 khi ông Barack Obama thắng cử.

Mặc dù các phương tiện công nghệ số có thể lên ngôi, song các chiến dịch vận động tranh cử cũng không từ bỏ các phương pháp truyền thống. Ví dụ, các công ty in ấn tiếp tục có lợi bởi chiến dịch tranh cử. Các cử tri trên toàn nước Mỹ nhận được nhiều tài liệu in sẵn trong hòm thư. Thậm chí tại các bang như California, địa bàn của Đảng Dân chủ, người dân liên tục nhận được các tờ rơi và sách tuyên truyền trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử.

Tiền còn được chi vào hoạt động thương mại. Riêng trong tháng 8, chiến dịch của ông Trump đã chi trên 2 triệu USD cho hai công ty Cali-Fame tại California và Ace Specialties ở Louisiana. Hai công ty này cung cấp các vật dụng tuyền truyền như áo phông, cốc, sticker (miếng dán) và mũ có in khẩu hiệu "Make Amerika Great Again” (Đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại).

Ít có tác động đến kinh tế Mỹ

Theo ước tính ban đầu, tổng số tiền chi vào cuộc bầu cử năm nay tại Mỹ lên tới 5 tỉ USD song những số liệu được công bố gần đầy cho thấy có sự giảm sút so với bốn năm trước.

Tuy nhiên, số tiền chi này chưa đủ lớn để có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Jeff Milyo, chuyên gia kinh tế kiêm giáo sư thuộc trường đại học Missouri ở Columbia, nhận định rằng: "Đây là mối lợi béo bở đối với các nhà tư vấn chính trị, các tổ chức thăm dò ý kiến, đài truyền hình và phát thanh địa phương song chưa đủ lớn để gây ra sự xáo trộn lớn về phương diện kinh tế”.

Xuân Hương

DW

Trở lên trên