MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội

21-08-2022 - 16:53 PM | Sống

Phải trải qua nhiều công đoạn như xé giấy, dán chồng lên nhau, vẽ thủ công từng màu nên mỗi ngày, vợ chồng ông Hòa - bà Lan chỉ làm được vài chiếc mặt nạ giấy. Thu nhập chỉ khoảng 200.000 đồng.


Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Gia đình của bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) và ông Nguyễn Văn Hòa (67 tuổi) là những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi tại phố Hàng Than, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Lan cho biết mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi được yêu thích của trẻ em Hà thành. Từ khi mặt nạ giấy của Trung Quốc tràn vào thị trường, sản phẩm truyền thống không còn được ưa chuộng nữa. Hàng hóa ế ẩm làm mọi người cũng nản, dần bỏ nghề. Chỉ có nhà bà là vẫn cố gắng vượt qua.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Làm mặt nạ giấy bồi là nghề gia truyền của gia đình bà Lan. Vì thế, từ thủa nhỏ bà đã theo bố học cách tô màu, bồi keo, dán giấy, làm những chiếc mặt nạ đầy màu sắc. Sau này, bà thấy đây là duyên nghiệp của mình nên quyết tâm giữ gìn và theo nghề đến cùng.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Theo lời ông Hòa thì làm một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Trước tiên ông phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp sau được dán chồng lên lớp trước bằng một loại hồ nấu từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một sản phẩm.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Mặt nạ giấy bồi được phủ bằng lớp sơn tổng hợp. Cách pha màu cũng đòi hỏi sự chính xác cao mới tạo được màu tươi và đẹp. Mỗi lần chỉ được tô một màu. Nếu mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được bền.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 6.

Sau khi hoàn thiện công đoạn thô, mặt nạ phải được phơi nắng tự nhiên; không được dùng máy sấy nhằm tránh làm biến dạng, cong vênh.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 7.

Chia sẻ về kỉ niệm xúc động nhất trong suốt quãng thời gian làm nghề, bà Lan nói: “Tôi nhớ mãi một bạn sinh viên đến nhà mua một chiếc mặt nạ. Nhưng bạn ấy đưa cho tôi 500.000 đồng. Khi tôi trả lại tiền thừa thì bạn ấy nói: Cháu xin lấy một chiếc mặt nạ làm kỉ niệm. Phần còn lại cháu biếu cô, mong cô luôn mạnh khoẻ để giữ gìn văn hoá truyền thống.” Số tiền dù không lớn nhưng lúc đó tôi cực kì xúc động và luôn thấy hạnh phúc khi làm nghề”.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 8.

Trước nỗi lo sẽ bị thất truyền, bà Lan bộc bạch: “Ngày trước cũng có một nhóm người đến đây xin học nghề. Nhưng họ chỉ quan tâm đến số lượng hơn chất lượng. Vì vậy hai vợ chồng tôi không đồng ý dạy”. Bà nói thêm: “Nghề này kén người lắm. Nếu không kiên trì, nắm bắt được cái cốt, cái hồn trong từng sản phẩm thì sớm muộn cũng sẽ nản và bỏ thôi. Tôi sẽ chỉ nhận dạy cho những người thật sự tâm huyết với nghề, thật sự yêu nghề. Chỉ có như thế, nghề làm mặt nạ giấy bồi mới có thể gìn giữ được lâu dài".

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 9.

Hiện nay dù đã qua thời hưng thịnh nhưng nhiều người trẻ vẫn tìm đến nhà ông bà để mua mặt nạ mỗi dịp lễ tết. “Nhiều trường học, khu vui chơi cũng đặt hàng chúng tôi để giáo dục cho thế hệ trẻ về những nét truyền thống của người Việt mình”, ông Hoà nói. Chị Nguyễn Hà (sinh năm 1994), khách đến mua mặt nạ cho biết: “Khi nhìn vào những sản phẩm truyền thống, mình cảm giác nó toát lên hồn dân tộc. Hơn nữa một sẩn phẩm như thế này đòi hỏi rất nhiều công sức và trí tuệ từ các nghệ nhân nên mình cảm thấy rất trân trọng”.

Những người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 10.

Mỗi mùa Trung thu, vợ chồng ông Hòa sản xuất được hơn 2.000 chiếc mặt nạ các loại. Giá mặt nạ dao động từ 30.000 đến 45.000 đồng/chiếc, tùy vào từng loại, kích cỡ, màu sắc. Mỗi ngày vợ chồng bà chỉ làm được vài chiếc. Cũng chính vì vậy nguồn thu nhập từ làm mặt nạ không cao. Tình yêu với nghề là động lực to lớn để vợ chồng bà quyết tâm gìn giữ dù đã ở tuổi nghỉ ngơi. Tuy nhiên bà Lan cho biết: “Hiện nay, nhiều chiếc mặt nạ làm nhái với chất lượng kém, giá rẻ tràn ngập chợ buôn. Buồn hơn là sản phẩm nhái nhưng lại bán ra với thương hiệu mặt nạ ông Hòa, bà Lan ở phố Hàng Than”.

Theo Phúc Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên