Những nhà lãnh đạo thế giới muốn “quay lưng” với đồng USD
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã từng kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế để phá vỡ thế “độc quyền thái quá” của Mỹ.
- 06-06-2018“Khó có gì cản được đồng USD tăng giá”
- 21-05-2018Đồng USD - "Con dao hai lưỡi" của Mỹ trong chiến tranh thương mại
- 05-05-2018Tỷ giá đồng USD đạt mức cao nhất từ đầu năm
Iran và Iraq là những nước mới nhất trong danh sách những quốc gia tìm cách “xa lánh” đồng USD, thay vào đó lựa chọn sử dụng đồng euro hay đồng nội tệ của chính mình để giao dịch thương mại. Trung Quốc - Nhật Bản và Trung Quốc - Nga cũng đã chuyển đổi sang sử dụng tiền tệ của mình trong giao dịch song phương với nhau.
Nhiều nước trên thế giới đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ảnh minh họa: Reuters
Hầu hết các giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện bằng đồng USD và hơn 60% dự trữ ngoại tệ là bằng đồng USD. Bất chấp điều này, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã từng nói về sự nguy hiểm khi đồng USD thống trị hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/9 tuyên bố, Ankara đang chuẩn bị cho việc tiến hành các giao dịch thương mại thông qua tiền tệ quốc gia với Trung Quốc, Nga và Ukraine.
“Chúng ta cần dần dần chấm dứt sự thống trị của đồng USD bằng cách sử dụng đồng nội tệ của chính chúng ta. Mỹ đã hành xử như những con sói hoang. Đừng tin vào họ. Sử dụng đồng USD chỉ hủy hoại chính chúng ta. Chúng ta sẽ không từ bỏ. Chúng ta sẽ chiến thắng”. ông nói tại một diễn đàn kinh doanh ở Kyrgyzstan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga từ lâu đã nói về vấn đề của đồng USD. Nga đã giảm dự trữ đồng USD trong những tháng gần đây và Ngân hàng trung ương Nga đã tăng cường dự trữ vàng và đồng NDT.
“Cả thế giới có thể thấy sự độc quyền của đồng USD là rất bấp bênh và nguy hiểm đối với nhiều nước. Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đang được đa dạng hóa và Nga sẽ tiếp tục theo hướng đó”, Tổng thống Putin nói hồi tháng 5.
Trong một tuyên bố hồi tháng 7/2018, Tổng thống Putin nói rằng, Nga không có kế hoạch loại bỏ đồng USD, nhưng việc Mỹ sử dụng tiền tệ của mình vì mục đích chính trị đang hủy hoại chính đồng tiền này.
“Các đối tác Mỹ đang đặt ra sự hạn chế, trong đó có cả những hạn chế về giao dịch bằng đồng USD, tôi tin rằng đây là một sai lầm chiến lược lớn. Làm như vậy tức là họ đang làm xói mòn niềm tin vào đồng USD như một tiền tệ dự trữ”, ông Putin nói.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
Tổng thống Venezuela hy vọng có thể “giải phóng” đất nước khỏi đồng USD bằng cách chuyển sang các tiền tệ khác. “Venezuela sẽ áp dụng hệ thống mới trong thanh toán quốc tế và sẽ tạo ra một rổ tiền tệ để có thể giải phóng chính mình khỏi đồng USD”, ông Maduro nói.
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng từng nói về sự thống trị của đồng USD trên Twitter hồi tháng 8. “Việc sử dụng đồng USD như một chuẩn mực của tiền tệ trên các thị trường toàn cầu và hệ thống ngân hàng thế giới là sức mạnh chủ chốt của đế chế Mỹ. Mọi thứ cần phải thay đổi, trật tự hiện nay cần phải được sắp xếp lại”.
“#chínhphủMỹ bằng cách kiểm soát đồng USD đã áp đặt niềm tin và cách sống của mình lên các nước khác. #SựđộctàicủađồngUSD”.
Trong khi đó, ông Safar-Ali Karamati, Phó Giám đốc Công ty dầu mỏ quốc gia Iran hồi tháng 2/2018 nói rằng, “ưu tiên hàng đầu là nhận tiền mặt và thanh toán các giao dịch mua bán dầu mỏ bằng đồng Euro”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa
Trong một diễn đàn kinh doanh châu Phi hồi tháng 3, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng, bây giờ là lúc châu Phi nên chấm dứt sự phụ thuộc vào ngoại tệ. “Chúng ta cần rũ bỏ sự phụ thuộc vào ngoại tệ. Đã đến lúc chúng ta tạo ra một tiền tệ của châu Phi. Trọng tâm của chúng ta không nên tập trung vào từng nước riêng lẻ mà phải là cả lục địa như một khối thống nhất để cùng nhau mở ra những cơ hội và khả năng lớn”.
Tổng thống Pháp Charles de Gaulle
Tổng thống Pháp Charles de Gaulle trước đây đã từng cảnh báo về sự hạn chế của đồng USD như tiền tệ của thế giới. Phát biểu trong một buổi họp báo ngày 2/4/1965, ông nói rằng, việc đồng USD trở thành một “trung gian thương mại quốc tế công bằng” là điều bất khả thi và thực tế nó chỉ là một “công cụ dự trữ đáng tin cậy cho một nước”.
Tổng thống Pháp Charles de Gaulle khi đó còn đề cập tới khái niệm “đặc quyền thái quá” để nói về lợi thế của Mỹ khi tiền tệ của họ đóng vai trò như tiền tệ quốc tế. Khái niệm này do một Bộ trưởng Tài chính của Pháp đặt ra.
VOV