MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "ông lớn" lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao?

Những "ông lớn" lên sàn năm 2019 lại tập trung chủ yếu ở sàn HoSE - chủ yếu là các doanh nghiệp chuyển sàn.

Năm 2019 thị trường chứng khoán đón nhận thêm rất nhiều "ông lớn" lên sàn với hàng chục tỷ cổ phiếu. Và hãy xem, một năm qua các "ông lớn" này hiện như thế nào.

PV Power mở hàng đầu năm

Những ngày đầu năm mới 2019, Sở GDCK Tp Hồ Chí Minh đã quyết định chấp thuận cho Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – mã chứng khoán POW) được niêm yết toàn bộ hơn 2,34 tỷ cổ phiếu trên HoSE. Ngày giao dịch đầu tiên 14/1/2019. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.900 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư đã không còn xa lạ với mã cổ phiếu POW. Trước đó PV Power, sau phiên IPO đấu giá thành công hơn 468,3 triệu cổ phiếu, thu về xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, PVPower đã đưa hơn 467,8 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.900 đồng/cổ phiếu.

Sau 9 tháng giao dịch trên Upcom, cổ phiếu POW đạt đỉnh ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu ngay phiên giao dịch đầu tiên, sau đó giảm dần và có lúc giảm sâu đến vùng giá xấp xỉ 11.000 đồng/cổ phiếu. POW giao dịch phiên cuối trên Upcom vào 27/12/2018 với giá đóng cửa 16.000 đồng/cổ phiếu. Giá giao dịch phiên đầu trên HoSE thấp hơn cả giá đóng cửa phiên cuối trên Upcom.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu POW từ khi lên sàn.

Kế hoạch kinh doanh, năm 2019, PV Power phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất cả năm đạt 21,6 tỷ kWh, mục tiêu tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 32.769,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.275 tỷ đồng, nộp NSNN 1.304,5 tỷ đồng.

PVPower đã báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 26.238,7 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp 3,8 lần cùng kỳ, LNST đạt 2.491 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 184 tỷ đồng trong đó LNST thuộc về công ty mẹ đạt 2.223 tỷ đồng. Như vậy PV Power đã hoàn thành được 80% mục tiêu về doanh thu và vượt 9% mục tiêu về lợi nhuận.

Tính đến hết 30/9, tổng tài sản của PV Power vượt hơn 60.037 tỷ đồng trong đó tài sản cố định chiếm hơn 63%. Lượng tiền và tiền gửi cao gấp đôi thời điểm đầu năm lên hơn 7.000 tỷ đồng và công ty đang có hơn 3.050 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Vietnam Airlines cũng chuyển sàn niêm yết sang HoSE

Cũng chuyển sàn từ Upcom, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đưa 1,4 tỷ cổ phiếu niêm yết lên HoSE từ 7/5/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.600 đồng/cổ phiếu.

Sau khi lên sàn, cổ phiếu HVN có lúc đã giảm sâu xuống mức 32.300 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 10/9/2018) sau đó mới tăng nhẹ và hiện giao dịch ở mức 34.400 đồng/cổ phiếu.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu HVN trong 1 năm gần đây.

Dù giá cổ phiếu giảm, nhưng Vietnam Airlines công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2019 với con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tính riêng quý 3 doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 25.418 tỷ đồng, còn lãi ròng bất ngờ tăng mạnh gần gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 1.015 tỷ đồng, trong đó ghi nhận hơn 343 tỷ đồng lãi khác.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt 75.094 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.513 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.290 tỷ đồng, tăng 34%.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 3.

Điểm khó của ngành hàng không năm nay là sự xuất hiện của các tân binh, trong đó Bamboo Airways đã chính thức cất cánh gần một năm nay. Bên cạnh đó, thông tin về sự xuất hiện các hãng hàng không khác như Vinpearl Air, Thiên Minh Airlines cũng đang ngày càng cận kề khiến sức nóng trên bầu trời ngày một đè nặng xuống các hãng hàng không trong cuộc chiến dành thị phần.

Trước đó chính Vietnam Airlines cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ những ngày giữa tháng 10, trong đó kế hoạch doanh thu điều chỉnh giảm còn 104.593 tỷ đồng, tương ứng mức giảm khoảng 6,4%.

Thêm một cái tên đáng chú ý: Viglacera

Một cái tên chuyển sàn cũng gây khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nữa là Tổng công ty Viglacera (VGC). Viglacera đưa hơn 448 triệu cổ phiếu chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HoSE từ 29/5/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 19.900 đồng/cổ phiếu trong khi giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX là 20.300 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau khi chuyển sàn không lâu, ông Nguyễn văn Tuấn, sinh năm 1984, là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Gelex (GEX) đã được bầu là Chủ tịch HĐQT của Viglacera.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu VGC trong 1 năm gần đây.

Nhắc đến Viglacera phải nhắc đến giai đoạn trước khi chuyển sàn, và trước khi người của Gelex được đưa vào nắm quyền. Nhìn lại hồi đầu năm, ngày 29/3/2019 Bộ Xây Dựng đưa 80,58 triệu cổ phần Viglacera ra bán đấu giá. Tuy nhiên chỉ 3 nhà đầu tư đăng ký mua 69 triệu cổ phiếu, trong đó Gelex là nhà đầu tư đặt mua khối lượng cao nhất lên đến 37 triệu cổ phiếu. Trước phiên đấu giá này, nhóm Gelex cũng đã nhanh tay mua lại số cổ phần VGC từ nhóm Dragon capital.

Tính chung lại, trước thời điểm Viglacera chuyển sàn, nhóm Gelex đã nâng tổng lượng sở hữu cổ phiếu VGC lên gần 112 triệu cổ phiếu tương ứng 24,95% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.

Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 7.392 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 769 tỷ đồng, hoàn thành gần 81% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 612 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đề án kế hoạch 2019, Viglacera còn nhắc đến việc thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty về 0% theo đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 5.

Trên thị trường, cổ phiếu VGC lại đang đà giảm sâu, hiện đang về vùng đáy kể từ khi chuyển sàn niêm yết sang HoSE. Hiện VGC đang giao dịch quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu.

Điện Gia Lai cũng chuyển sàn

Cũng chuyển sàn sang HoSE từ Upcom, gần 204 triệu cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE vào ngày 11/9/2019 với giá chào sàn 27.490 đồng/cổ phiếu.

Trước đó gần 3 năm, tháng 3/2017 Điện Gia Lai đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với cơ cấu cổ đông cô đặc khi 5 cổ đông lớn sở hữu đến 91% vốn điều lệ. Sau hơn 2 năm, cơ cấu cổ đông Điện Gia Lai đã biến động nhiều trước khi chuyển sàn sang HoSE với 4 cổ đông lớn sở hữu 70,54% vốn điều lệ.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 6.

Diễn biến giá cổ phiếu GEG trong 1 năm gần đây.

Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 của Điện Gia Lai bất ngờ tăng vọt gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên 805 tỷ đồng, và đã vượt 21% kế hoạch năm.Lợi nhuận sau thuế đạt gần 217 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và vượt 53% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 186 tỷ đồng.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 7.

Kosy chuyển từ HNX sang HoSE

Sau hơn năm rưỡi niêm yết trên HNX, doanh nghiệp ngành bất động sản - CTCP Kosy (mã chứng khoán KOS) cũng đã đưa toàn bộ gần 104 triệu cổ phiếu chuyển sàn sang niêm yết trên HoSE từ 15/7/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23.200 đồng/cổ phiếu trong khi giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX là 26.300 đồng/cổ phiếu.

Ngay trước khi chuyển sàn, Kosy cũng có biến động về mặt nhân sự. Hai Phó TGĐ mới được bổ nhiệm ngày 8/7/2019 là ông Nguyễn Đức Doanh, phụ tránh Thủy điện và ông Nguyễn Tiến Hoàn phụ trách Khu vực Phía Nam.

Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 dù tăng gần gấp đôi so với năm trước đó, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 27%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí giá vốn tăng cao.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu KOS trong 1 năm gần đây.

Idico chuyển từ Upcom sang HNX

Những ngày cuối năm 2019 sàn HNX đón thêm192 triệu cổ phiếu IDC của Tổng công ty Idico lên niêm yết. Ngày giao dịch đầu tiên 10/12/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 18.500 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế Idico có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng tương ứng 300 triệu cổ phần, tuy nhiên số cổ phần đăng ký niêm yết 192 triệu cổ phần là số cổ phần bán trong phiên IPO hồi tháng 10/2017, số cổ phần bán ưu đãi cho nhân viên công ty và số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược Tập đoàn SSG và Bitexco. Số còn lại 108 triệu cổ phiếu vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước mà đại diện là Bộ xây dựng.

Đáng chú ý, ngoài số cổ phần chào bán trong phiên IPO, thì phần lớn số cổ phần còn lại vẫn trong diện bị hạn chế giao dịch trong thời gian dài 10 năm. Một số ít là từ 3 đến 8 năm kể từ thời điểm cuối năm 2017.

Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3.553 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 424 tỷ đồng, tăng 21,6% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2018.

Tân binh của Upcom - Vietbank

Sàn Upcom năm nay không đón nhiều 'đại gia' như năm ngoái. Tân binh được xem là "ông lớn" nhất năm là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB). Đây cũng là tân binh gây khá nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Ngày 30/7/2019 hơn 419 triệu cổ phiếu VBB đã giao dịch phiên đầu tiên trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay khi lên sàn VBB đã có 2 phiên tăng trần, xác lập đỉnh mới ở mức giá 20.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó là chuỗi phiên giảm giá, về dưới mốc 14.000 đồng/cổ phiếu trước khi tăng nhẹ lên 15.300 đồng/ cổ phiếu như hiện nay.

Những ông lớn lên sàn trong năm 2019 giờ ra sao? - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu VBB từ khi lên sàn.

Vietbank là ngân hàng nông thôn được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm các nhóm có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và Công ty Diệu Hiền.

Đến nay, vốn điều lệ của ngân hàng là 4.190 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng thay đổi. Hiện nhóm bầu Kiên đã thoái lượng lớn cổ phần, trong khi đó, nhóm cổ đông liên quan đến Hoa Lâm vẫn hiện diện tại Vietbank, bao gồm Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Dương Nhất Nguyên…

Thêm một "đứa con" họ Masan lên sàn

Những ngày cuối năm 2019 cái tên Masan MeatLife lên sàn đã khiến không ít nhà đầu tư quan tâm. "Đứa con" của dòng họ Masan đưa hơn 324 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 80.000 đồng. Với mức giá chào sàn này, Masan MeatLife (MML) được định giá khoảng 26.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, Masan MeatLife tiền thân là Công ty TNHH MTV Hoa Kim Ngân với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, thành lập tháng 10/2011. Gần 4 năm sau đó, công ty bất ngờ tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, bắt đầu chuỗi quá trình thâu tóm mà đích đến đầu tiên là CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (ANCO), Công ty Shika - một công ty có các công ty con đang sở hữu 40% cổ phần tại CTCP Việt Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (proconco). Đến tháng 3/2015 công ty mua cổ phần vốn góp trong Công ty TNHH Kenji – một công ty đang sở hữu 13,06% cổ phần Proconco, nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Proconco lên 53,06%.

Sau quá trình thâu tóm, công đến cuối tháng 7/2015 công ty mới chính thức trở thành công ty con của Tập đoàn Masan, và vừa tăng vốn điều lệ lên 3.243 tỷ đồng hồi tháng 8/2019. Về cơ cấu cổ đông, ngay trước khi lên sàn Masan MeatLife có 3 cổ đông lớn, trong đó công ty mẹ, Tập đoàn Masan, sở hữu 79,32% vốn và Công ty TNHH Tầm nhìn Masan sở hữu 7,95% vốn. Cổ đông lớn còn lại là VN Consumer Meat II Pte. Ltd sở hữu 7,14% vốn điều lệ.

Những tưởng Masan MeatLife lên sàn trong bối cảnh thời điểm cuối năm, giá thịt lợn, hàng tiêu dùng tăng cao, cộng thêm vào đó là thông tin chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+... được chuyển giao cho Masan thì giá cổ phiếu MML sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, trên thực tế MML đã giảm điểm 2 phiên liên tiếp sau khi lên sàn, xuống 65.100 đồng/cổ phiếu trước khi phục hồi nhẹ và hiện giao dịch quanh mức 65.900 đồng/cổ phiếu, mất đi 17,6% giá trị sau hơn 2 tuần lên sàn.

Khép lại năm 2019

Năm 2019 được xem là năm có khá nhiều thăng trầm trên thị trường chứng khoán. Do vậy, thông tin những "ông lớn" lên sàn hay chuyển sàn cũng là một "điểm nhấn" cho thị trường. Dù không có doanh nghiệp nào đủ sức khuấy đảo thị trường như năm trước đó, nhưng nhìn chung việc các doanh nghiệp chuyển hướng, chuyển sàn cũng cho thấy một định hướng mới của các doanh nghiệp.

Năm 2019 đã khép lại, thị trường chứng khoán lại chờ đón năm 2020 với nhiều kỳ vọng mới, mà theo công bố báo cáo đánh giá tích cực với triển vọng TTCK Việth nam của quỹ VinaCapital thì dự kiến Vn_Index sẽ tăng trưởng khoảng 10-15% trong năm 2020 – đây là những dự báo tích cực cho một khởi đầu năm mới.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên