MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những quy định mới tác động đến hoạt động ngân hàng kể từ tháng 01/2022

10-12-2021 - 12:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Những quy định mới tác động đến hoạt động ngân hàng kể từ tháng 01/2022

Trong tháng 01/2022 nhiều văn bản pháp luật liên quan ngành ngân hàng sẽ có hiệu lực thi hành. Những quy định này sẽ tác động đáng kể đến hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam.

1. Quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2021 thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN. Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CN NHNNg) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trong lãnh thổ Việt Nam.

So với bản dự thảo đính kèm Công văn số 5745/NHNN-CSTT ngày 10/8/2021, Thông tư 16 đã loại bỏ nội dung yêu cầu TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo quan điểm của người viết, việc loại bỏ nội dung này là phù hợp.

Thứ nhất, các TCTD đã có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để chấm điểm doanh nghiệp, việc yêu cầu phải xây dựng thêm hệ thống xếp hạng tín nhiệm thì giá trị tăng thêm không quá khác biệt.

Thứ hai, xếp hạng tín dụng/tín nhiệm doanh nghiệp chỉ hỗ trợ TCTD đưa ra quyết định mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. TCTD phải thực hiện thêm các nghiệp vụ thẩm định khác để đưa ra quyết định đầu tư.

Thứ ba, để xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp "chuẩn chỉnh" theo Nghị định 88/2014/NĐ-CP khá tốn kém so với giá trị mang lại. Qua khảo sát của người viết, hiện có hai công ty hoạt động dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là FiinRatings và Sài Gòn Thịnh Phát. Do đó, việc yêu cầu các TCTD cũng phải xây dựng một hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là yêu cầu khá cao trong bối cảnh hiện tại.

Ngoài ra, Thông tư 16 bổ sung thêm nhiều nội dung mới nhằm kiểm soát hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của TCTD nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định TCTD không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành hoặc góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc trái phiếu được phát hành nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. CN NHNNg không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền.

Thông tư cũng bổ sung trách nhiệm của TCTD trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, định kỳ 06 tháng/lần (tối thiểu), TCTD đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt "tổ chức phát hành thẻ") được phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh (gọi tắt "phát hành thẻ" đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

Thông tư 17/2021/TT-NHNN (Thông tư 17) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư 17 cho phép tổ chức phát hành thẻ được phát hành thẻ đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Việc NHNN thiết lập hành lang pháp lý sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Người dân sẽ có thể tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới, mở ra các phương thức giao dịch hiện tại, giao dịch không tiếp xúc.

Khách hàng khi mở thẻ bằng phương thức điện tử sẽ được tổ chức phát hành thẻ cấp hạn mức giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.

Để quyết định hạn mức giao dịch của thẻ mở bằng phương thức điện tử cao hơn 100 triệu đồng/tháng và được thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế nếu TCTD thực hiện một trong các biện pháp sau: (i) sử dụng công nghệ kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân (ii) thực hiện cuộc gọi ghi hình (video call) để xác minh khách hàng, các dữ liệu hình ảnh, âm thanh phải được lưu trữ; (iii) gặp mặt trực tiếp để xác minh khách hàng.

Ngoài ra so với bản dự thảo, Thông tư 17 đã loại bỏ quy định thực hiện miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tại, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng (do Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản) dẫn đến không có khả năng trả nợ (gốc và/hoặc lãi) đúng hạn.

3. Quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các TCTD, CN NHNNg

Thông tư số 18/2021/TT-NHNN (Thông tư 18) có hiệu lực kể từ ngày 07/01/2022. Thông tư 18 mở ra hành lang pháp lý cho hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các TCTD, CN NHNNg. Dựa trên các quy định tại Thông tư 18 các TCTD, CN NHNNg sẽ nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, ban hành các quy định nội bộ có liên quan để thực hiện hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.

Thông tư quy định TCTD, CN NHNNg được thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng nếu Giấy phép hoạt động có nội dung tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.

Phương thức tái chiết khấu gồm mua có kỳ hạn công cụ chuyển nhượng và mua có bảo lưu quyền truy đòi công cụ chuyển nhượng. Đồng tiền chiết khấu bằng đồng Việt Nam hoặc loại ngoại tệ ghi trên công cụ chuyển nhượng tùy từng trường hợp cụ thể. Thời hạn tái chiết khấu dưới 12 tháng.

TCTD, CN NHNNg thỏa thuận giá tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giá mua lại công cụ chuyển nhượng, lãi suất tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, lãi suất áp dụng đối với khoản tiền tái chiết khấu quá hạn và các chi phí hợp pháp khác có liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.

4. Sửa đổi, bổ sung quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá

Thông tư số 19/2021/TT-NHNN (Thông tư 19) có hiệu lực kể từ ngày 08/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

Thông tư quy định bổ sung các trường hợp giao nhận tiền mặt theo bao, hộp, thùng nguyên niêm phong: (i) Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống theo lệnh điều chuyển giữa kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại; giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau; (ii) Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá 50.000 đồng theo lệnh điều chuyển giữa kho tiền Trung ương với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long và ngược lại; giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long với nhau; (iii) Giao nhận tiền mặt trong nội bộ kho tiền Trung ương; (iv) Giao nhận tiền mặt trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long khi thực hiện lệnh điều chuyển.

Ngoài ra, Thông tư 17 sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao nhận tiền mặt trong ngành ngân hàng (Điều 11); kiểm đếm tiền mặt giao nhận trong ngành ngân hàng (Điều 12); Quy định ủy quyền của các thành viên tham gia quản lý tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá và kho tiền (Điều 26); Trách nhiệm tổ chức vận chuyển (Điều 48).

5. Tổ chức tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng

Tuân thủ khoản 4 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2020, NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, CN NHNNg tại Việt Nam. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 cùng thời gian hiệu lực thi hành của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thông tư quy định TCTD, CN NHNNg phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép vào quy định về cấp tín dụng. Qua quan sát của người viết, một số TCTD như Nam A Bank, SHB, VPBank, TPBank, EVNFinance,… cơ bản đã có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội để triển khai các sản phẩm tín dụng xanh hoặc sử dụng nguồn vốn của các tổ chức quốc tế như IFC, GCPF.

TCTD được quyền từ chối cấp tín dụng đối với các khách hàng có dự án đầu tư, phương án kinh doanh gây tác động xấu đến môi trường, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. TCTD không được cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư, phương án kinh doanh thuộc đối tượng nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Thông tư cũng quy định TCTD, CN NHNg phải phân loại rủi ro môi trường đối với các khoản cấp tín dụng tương ứng mức độ rủi ro thấp, trung bình cao. Tương ứng với từng mức độ rủi ro, TCTD được phép bổ sung các điều kiện cấp tín dụng khi đưa ra quyết định cấp tín dụng. Đối với khoản cấp tín dụng có rủi ro về môi trường đã giải ngân, định kỳ TCTD phải thực hiện kiểm tra, đánh giá lại việc chấp hành các quy định về môi trường của khách hàng.

Như vậy, kể từ đầu năm 2022 hoạt động của ngành ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi trong hoạt động tín dụng, dịch vụ thanh toán, ngân quỹ. Những điều chỉnh trong quy định pháp luật tác động lên cả thị trường 1 và thị trường 2.

Lê Hồng Thái (Manager Credit Risk Management Team)

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên