MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những tác động “không ngờ” sau phiên đấu giá đất vàng Thủ Thiêm

06-03-2022 - 16:55 PM | Bất động sản

Những tác động “không ngờ” sau phiên đấu giá đất vàng Thủ Thiêm

Giá đất quá cao mới được xác lập sẽ rất có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất tại KĐT mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả khu trung tâm Tp.HCM. Nhưng rất bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, hoặc mới “tạm nộp” tiền sử dụng đất sẽ lâm vào cảnh “ngồi trên đống lửa”…

Nhiều quan ngại về việc đấu giá đất Thủ Thiêm tác động bất lợi đến thị trường BĐS vẫn được đưa ra, mặc dù đã có một số ông lớn rút khỏi cuộc chơi.

Bởi không thể phủ nhận, sau cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm vào tháng 12/2021 đến nay, thị trường BĐS gần như chưa hết tâm chấn về giá. Nhiều nhận định cho rằng, giá đất trúng đấu giá đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại, có thể không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã chỉ ra nhưng tác động khó lường từ thông tin đấu giá này.

Thứ nhất, đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các phường lân cận và khu trung tâm Tp.HCM: Giá đất quá cao mới được xác lập sẽ rất có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng rất bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, hoặc mới "tạm nộp" tiền sử dụng đất sẽ lâm vào cảnh "ngồi trên đống lửa", nhất là đối với chủ đầu tư đã ký Hợp đồng huy động vốn trước của khách hàng, vì nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường dựa trên các mức giá "khủng" mới xác lập thì tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất nhiều và chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại.

Giá đất quá cao được xác lập sẽ có thể tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1 có lợi cho các dự án "siêu sang", tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ "siêu sang" tại quận 1 trên dưới 500 triệu đồng/m2  hiện nay trở thành "bình thường".

Những tác động “không ngờ” sau phiên đấu giá đất vàng Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Thứ hai, đã có thông tin về một số chủ đầu tư "té nước theo mưa", "dừng" bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để "găm" hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá và trên thực tế giá nhà đất trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây.

Thứ ba, tuy nhiên, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, lại có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn.

Thứ tư, quan ngại về việc một số doanh nghiệp có thể "lợi dụng" giá trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, đánh "vống" giá trị tài sản nhà đất để được vay thêm, "rút ruột" ngân hàng, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính.

Ví dụ: Lô đất 1 ha tại khu vực này đang thế chấp ngân hàng đã được định giá 1.000 tỷ đồng và đã được vay 650 tỷ đồng (bằng 65% giá trị tài sản thế chấp). Nếu lô đất này "được" định giá lại tăng 8 lần (8.000 tỷ đồng) so với giá trị ban đầu mà nếu được vay thêm 4.550 tỷ đồng (bằng 65% giá trị tài sản thế chấp "mới"). thì có thể tạo ra "bong bóng" tài sản, vì cũng chỉ là lô đất đó nhưng được "đánh vống" giá trị, dẫn đến chủ sở hữu lô đất được vay "tiền thật" của ngân hàng và trong trường hợp thị trường quay trở lại giá trị thực (giá thấp hơn) thì ngân hàng có thể bị "rủi ro" do tài sản thế chấp có giá trị thấp hơn dư nợ vay.

Thứ năm, giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau" gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển "nhà ở thương mại giá phù hợp" tại Tp.HCM.  Hiện nay, Tp.HCM gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá dưới 30 triệu đồng/m 2 sàn căn hộ. 

Thứ sáu, giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể "gây khó" cho việc đấu giá các lô đất còn lại của Thủ Thiêm và các lô đất khác trên địa bàn thành phố và "gây khó" cho cán bộ công chức tham gia trực tiếp công tác xác định tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3ha đủ điều kiện đấu giá, trong đó có 06 lô đất tại khu 2C thuộc khu chức năng số 1 bao gồm 02 lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và lô 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, thành phố còn đang chuẩn bị cho phép bán đấu giá 3.790 căn hộ nhà chung cư, có nguồn gốc là nhà tái định cư từ Lô R1 đến R5 tại phường Bình An, liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện nay, cũng có vài chục dự án nhà ở thương mại của các doanh nghiệp đang chờ thực hiện thủ tục tính "tiền sử dụng đất".

Nhưng công tác xác định "giá đất cụ thể" để tính "giá khởi điểm đấu giá" hoặc để tính "tiền sử dụng đất" thì giá đất trúng đấu giá lại là một trong các căn cứ tham chiếu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013: "việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất…" và quy định tại khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013

Do vậy, giá đất trúng đấu giá quá cao vừa qua có thể làm cho cán bộ công chức "ngán ngại", sợ trách nhiệm, có thể làm cản trở việc tính "giá khởi điểm đấu giá" hoặc làm chậm thêm việc tính "tiền sử dụng đất" dự án bất động sản, nhà ở thương mại.

Thứ bảy, giá đất trúng đấu giá 04 lô đất Thủ Thiêm quá cao làm giảm tính "hấp dẫn" của thị trường bất động sản Tp.HCM, nay bị "mang tiếng" là nơi có giá đất đắt đỏ, gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất là các "sếu đầu đàn" để thực hiện mục tiêu xây dựng "Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực" tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm:

Đẳng cấp vượt trội của Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước hết là "vị trí vàng", là "Phố Đông" bên bờ Đông sông Sài Gòn với mục tiêu quy hoạch trở thành Khu Trung tâm mới của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có mục tiêu trở thành "Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực" mà để thực hiện được thì phải thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài "sếu đầu đàn" từ các nước công nghiệp phát triển hiện đại trên thế giới.

Do vậy, giá đất trúng đấu giá quá cao có thể là "rào cản" cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài "sếu đầu đàn" để thực hiện mục tiêu này.

Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, đây là cuộc đấu giá các lô đất có giá trị lớn nhất cho đến thời điểm hiện nay với giá trúng đấu giá lên đến 37.346 tỷ đồng gấp 7,09 lần giá khởi điểm đấu giá, mà nếu các nhà đầu tư nộp đủ số tiền trúng đấu giá thì sẽ bổ sung thêm nguồn thu 37.346 tỷ đồng cho ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để hoàn trả lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư mà thành phố đã thực hiện trước đây. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thấu đáo các hệ luỵ để tránh những tác động tiêu cực như vừa nêu trên.

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1767/CĐ-CP  đã chỉ đạo rất kịp thời vấn đề này. Theo công điện này, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.

https://cafef.vn/nhung-tac-dong-khong-ngo-sau-phien-dau-gia-dat-vang-thu-thiem-20220306164007708.chn

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên