MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những thăng trầm của kinh tế Việt Nam năm 2018

Kinh tế Việt Nam năm 2018 chịu cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.

Với tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo đạt đỉnh 3,1%, 2018 là năm đầy hứa hẹn về kinh tế với Việt Nam. Điều này phần nào đã thành hiện thực. Tăng trưởng GDP thực tế trong quý I là 7,4%, thúc đẩy bởi xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp tăng mạnh. Lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên các điều kiện trên thế giới ngày càng đáng lo ngại và bất ổn tăng theo thời gian, đặc biệt là sự chững lại của kinh tế Trung Quốc cùng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Về ngắn hạn, việc các chuỗi cung ứng cân nhắc rời khỏi Trung Quốc có lợi cho Việt Nam, tạo động lực để lĩnh vực tư nhân trong nước đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ bên ngoài. Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới và là bên cung ứng chính của Apple, được cho là muốn mở nhà máy tại Việt Nam. Nhiều nhà cung ứng khác có thể có quyết định tương tự.

Tác động dài hạn bất ổn hơn nhiều. Các cường quốc lớn đang dần rời khỏi hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên cơ sở các quy tắc, vốn có lợi cho những nền kinh tế nhỏ mở cửa như Việt Nam.

Bất chấp những thách thức trên, kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy “sự dẻo dai”. Tăng trưởng GDP ước tính khoảng 6,8%, lạm phát 4%, tài khoản vãng lai dự báo thặng dư 2,2% GDP. Lương thực tế tăng trưởng 3,2% trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp giữ ở 2,2%.

Những thăng trầm của kinh tế Việt Nam năm 2018 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

VND đã mất giá 2,7% so với USD và hạn chế giảm hơn nữa bởi tỷ lệ nợ công tương đối cao (khoảng 45% GDP), phần lớn là bằng USD. Hệ quả, tỷ giá hối đoái thực tế tại Việt Nam tăng khoảng 2,5%. Việt Nam cần tập trung vào hạ thấp chi phí thương mại để duy trì sức cạnh tranh trong trung hạn.

Tăng trưởng tín dụng trong nửa sau năm 2018 chững lại còn khoảng 17%, thấp hơn so với mức 19,5% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tín dụng trên GDP vẫn cao, trên 130%.

Tăng trưởng nợ công đang được kiểm soát bằng cách phối hợp bán tài sản công và thắt chặt chính sách tài khóa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần duy trì đầu tư ổn định vào hạ tầng và năng lượng. Để làm được, chính phủ cần tham gia vào lĩnh vực tư nhân trong nước, khuyến khích phát triển thông qua cải cách cấu trúc.

Việt Nam dường như đang tụt lại trong cải cách so với những nước khác và đã hạ một bậc trong khảo sát về môi trường kinh doanh của World Bank năm nay, từ 68 xuống 69 trong tổng số 190 nước.

Một diễn biến thương mại hứa hẹn trong năm 2018 là Việt Nam thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 11. Đây là bước đi quan trọng với Việt Nam bởi CPTPP sẽ giúp giảm đáng kể các rào cản thuế và phi thuế quan (NTM) cho những nước thành viên.

Theo phân tích từ World Bank, gánh nặng thuế đè lên các nhà xuất khẩu Việt Nam tới thị trường trong CPTPP sẽ giảm từ 1,7% còn 0,2%, NTM giảm 3,6% xét về thuế trên đơn giá hàng. Đến năm 2030, GDP có thể tăng trưởng thêm 1,1% nhờ CPTPP. Các lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo và da, dệt may, một số mặt hàng sản xuất, dịch vụ.

Nguyên tắc xuất xứ của CPTPP sẽ khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn, từ đó hỗ trợ ngược lại những ngành công nghiệp Việt Nam có hiệu quả chưa cao bởi các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Để thu được lợi ích này, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh và cải tổ các SOE kém hiệu quả. Hải quan cũng cần giảm chi phí thông quan và di chuyển hàng hóa.

Sau năm 2017 tăng trưởng mạnh, kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục giữ vững đà này. Dự trữ ngoại hối được đảm bảo thông qua xuất khẩu ổn định và dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tài chính công được đảm bảo nhờ tăng tốc tư nhân hóa các SOE, cải cách thuế và các hệ thống chi tiêu.

Những thách thức và rủi ro đang gia tăng và chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách bao gồm về tài chính, hành chính công và hệ thống giáo dục. Nếu không, Việt Nam sẽ khó đáp ứng những nhu cầu về mặt hạ tầng, năng lượng và kỹ năng cần thiết để giữ cho đất nước ở trên con đường tăng trưởng nhanh trước khi dân số già đi trong hai thập kỷ tới.

Theo Như Tâm

Người đồng hành

Trở lên trên