Những thị trường từng "sốt ảo" khiến nhà đầu tư dè chừng
Với nhà đầu tư thông thái, những thị trường "sốt ảo" sẽ không phải là điểm đến an toàn và lý tưởng cho đồng vốn kinh doanh.
Thực tế, 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều cơn sốt cục bộ tại các địa phương với mức giá tăng chóng mặt.
Điển hình là Bắc Ninh, một trong những địa phương sớm đón cơn sốt đất nền. Giá bất động sản Bắc Ninh từng tăng chóng mặt sau khi thông tin thành phố này lên thành phố trực thuộc Trung ương. Trước đó, mức giá đất Bắc Ninh tăng trung bình từ 50-70% giai đoạn 2017-2018, cá biệt có nơi tăng đến 300%. Nhiều khu vực ghi nhận mức giá tăng gấp 2, gấp 3 lần.
Mới đây nhất, tại huyện Từ Sơn, nhiều dự án đất nền được môi giới rao bán rầm rộ, quảng cáo tăng giá chóng mặt. Một số dự án tăng 20 - 30% so với thời điểm trước Tết. Có nhiều dự án dành cho giới nhà giàu có giá hàng trăm triệu đồng một mét vuông như nhà biệt thự, liền kề, shophouse… Giá đất nền Từ Sơn hiện dao động từ 25-40 triệu đồng/m2.
Bắc Giang cũng là một trong những thị trường ghi nhân cơn sốt đất diễn ra mạnh mẽ trong năm 2020- đầu năm 2021. Tại huyện như Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, có thời điểm, mức giá đất đẩy lên đến 50 triệu đồng/m2. Một số khu vực tại Bắc Giang từng ghi nhận mức giá 15 triệu đồng thì ít tháng sau Tết Nguyên đán, mức giá đẩy lên 25-30 triệu đồng/m2. Tình trạng giao dịch bằng tiền cọc đất dự án cũng diễn ra khá phổ biến ở Bắc Giang.
Nhà đầu tư cẩn trọng với thị trường từng sốt ảo.
Ngoài Bắc Ninh, Bắc Giang, thị trường bất động sản Hòa Bình ghi nhận nhiều điểm sốt nóng, đặc biệt điểm gần các dự án nghỉ dưỡng trong khoảng thời gian từ năm 2017-2020.
Một số mảnh đất 80 – 90m2 có mức giá 13 – 14 triệu/m2 từ năm 2018 thì năm 2020 đã lên 30-40 triệu đồng/m2. Một số dự án đất nền nằm ở vị trí trung tâm, sát các khu dịch vụ giải trí ghi nhận mức giá tăng gấp 3 lần so với thời điểm mở bán 2 năm trước.
Ông Nguyễn Khánh (môi giới tại Hòa Bình) cho biết, một căn biệt thự nằm 2018-2019 chỉ bán với mức giá 1,2 tỷ bao gồm chi phí xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2020, mức giá căn biệt thự này lên tới 2-2,5 tỷ đồng/căn, gấp đôi so với giá hơn 1 năm trước.
Nhận định về sức hấp dẫn của các thị trường từng xảy ra cơn sốt đất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình ông Nguyễn Minh (nhà đầu tư đến từ Hà Nội) cho rằng: "Khi thị trường xảy ra cơn sốt ảo, mức giá đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Đặc biệt, ở những thị trường sốt ảo, đội ngũ môi giới và nhà đầu tư đang ôm lượng hàng lớn, đủ để họ tạo ra chiêu trò nâng giá, và tạo sóng. Đây là thị trường không minh bạch và an toàn với nhà đầu tư khác tỉnh".
Ông Minh cũng cho biết thêm, những nhà đầu tư luôn thích thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng trưởng. "Họ không muốn bỏ trứng vào giỏ hàng mà chứa đầy rủi ro nên nơi đâu có sốt đất ảo, nhà đầu tư luôn dè chừng, cẩn trọng".
Còn theo ông Lưu Ngọc Long, Chủ tịch Trường An Real, sốt đất là tình trạng khi giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn so với nhu cầu sử dụng thực tế. Điều này xảy ra khi người dân mua bán đất dựa trên tâm lý đám đông trong khi không có hoặc rất ít nhu cầu sử dụng thực tế.
Ông Long thẳng thắn chỉ ra rằng, một số địa phương có trình trạng sốt đất, giá được đẩy lên cao vào một số thời điểm dẫn tới tình trạng sốt ảo. Thị trường này ghi nhận chủ yếu các nhà đầu tư giao dịch với nhau mà không có nhu cầu sử dụng thực tế. Nhiều nhà đầu tư muốn vào thị trường cũng khó mua được sản phẩm vì giá đã quá cao. Đến một thời điểm nào đó, người mua ban đầu không bán được cho ai, và người có nhu cầu sử dụng lại không mua được. Hệ lụy của tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản.
Ông Long cảnh báo, những thị trường sốt đất ảo buộc nhà đầu tư phải cẩn trọng, dè chừng khi bỏ vốn. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tỉnh táo và lựa chọn thị trường có tốc độ tăng trưởng ổn định, dựa trên giá trị thực của thị trường.