MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “trái ngọt” ngân hàng 5 tháng đầu năm 2017

23-05-2017 - 13:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Gần nửa chặng đường của năm 2017, nhìn lại ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận …

Moody’s nâng tín nhiệm 8 ngân hàng thương mại

Có thể thấy, trong những tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn như tác động từ thị trường tài chính thế giới khi Mỹ tăng lãi suất USD hai lần trong vòng 3 tháng, sự kiện Brexit..., nhưng với sự định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN đã thực thi các giải pháp chủ động và phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số, ổn định lãi suất và tỷ giá, củng cố lòng tin vào VND, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao nhất từ trước tới nay qua đó góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh...

Những điểm sáng của điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói trên càng thêm thuyết phục khi tháng 4 vừa qua, tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín trên thế giới – Moody’s nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam và xếp hạng 8 ngân hàng thương mại từ ổn định lên tích cực.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, Moody’s nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam và xếp hạng 8 ngân hàng thương mại từ ổn định lên tích cực, qua đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện hệ số tín nhiệm để tiếp cận thuận lợi nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường tài chính quốc tế.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, việc nâng hạng tín nhiệm đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. Đối với chính sách tiền tệ và trong nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng. Đến lượt mình, chính niềm tin thị trường hỗ trợ cho việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, các NHTM được nâng hạng có thêm điều kiện huy động vốn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý hơn, với mức lãi suất thấp hơn.

Đảm bảo hài hòa lợi ích người gửi tiền, TCTD và khách hàng vay

Trong bối cảnh từ năm 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng do kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Chính phủ về giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, NHNN và hệ thống các TCTD đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu ổn định được mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất cho vay từ năm 2016 đến nay được giữ ổn định, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và cân đối vĩ mô, thị trường tiền tệ và diễn biến lạm phát. Đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với SXKD, lĩnh vực ưu tiên, qua đó tiếp tục hỗ trợ SXKD của doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng tích cực, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay

Tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh

Về hoạt động tín dụng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ.

Nhờ đó, hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%. Năm 2017, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm; đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.

Cơ chế tỷ giá mới tiếp tục giảm thiểu tác động từ thị trường thế giới

Những tháng đầu năm 2017, điều hành tỷ giá gặp nhiều khó khăn do các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ và các chính sách mới của Donald Trump mới đắc cử, Fed tăng lãi suất. Trong nước, cung-cầu ngoại tệ kém thuận lợi, nhập siêu lớn, xu hướng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế kéo theo các yếu tố đầu cơ, kỳ vọng gia tăng. Tuy nhiên, với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực.

Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp cho các doanh nghiệp có một môi trường ổn định, chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay; đạt được mục tiêu bước đầu trong việc chống đôla hóa đã định, thậm chí mục tiêu đó có thể lượng hóa , và tấm đệm tỷ giá đã giúp giảm bớt các tác động từ thị trường thế giới.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đặc biệt là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.

Để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, theo Thống đốc NHNN, NHNN cũng đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; trong đó, một trong các giải pháp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Về thủ tục vay vốn, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, ngành ngân hàng luôn quan tâm cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong tiếp cận vốn ngân hàng. Thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Tái cơ cấu hệ thống các TCTD đạt được những kết quả nhất định

Quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật: Thứ nhất, đảm bảo sự an toàn, tránh được nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng; Thứ hai, xử lý thành công các TCTD yếu kém trong điều kiện khó khăn về nguồn lực; Thứ ba, nhiều kết quả tích cực trong cơ cấu lại toàn diện các loại hình TCTD, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững các định chế này trong thời gian tới; Thứ tư, nợ xấu đã được xử lý cơ bản với các biện pháp sáng tạo và hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, chi ngân sách nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;Thứ năm, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã hỗ trợ tích cực cho việc thực thi chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; môi trường kinh doanh ngân hàng được lành mạnh hơn; kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phát triển mạnh mẽ

Đến nay, khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán ngày càng được hoàn thiện theo đúng định hướng của Đảng và Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế; các phương tiện và dịch vụ thanh toán phát triển đa dạng, nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông đã được nghiên cứu, ứng dụng, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế; các ngân hàng không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ cho TTKDTM theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, đạt mức tiên tiến của thế giới; nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp về TTKDTM có sự chuyển biến mới; tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần; thanh toán qua POS tăng trưởng nhanh...

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, hiện nay, trong nền kinh tế, hầu hết các giao dịch thanh toán đã thực hiện TTKDTM, các ngân hàng thương mại đã chủ động, tích cực tiếp cận các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mở tài khoản và tiếp cận các dịch vụ thanh toán. Đến nay, hầu hết các giao dịch thanh toán của các doanh nghiệp, tổ chức lớn đã thực hiện TTKDTM. Hiện có 36,5 triệu người dân có tài khoản thanh toán tại ngân hàng so với mức 69,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên (chiếm gần 53%).

Đặc biệt, việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán đã được NHNN chỉ đạo sát sao, cũng như sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, các tổ chức thẻ quốc tế, công ty chuyển mạch thẻ, các tổ chức trung gian thanh toán và các bên có liên quan. Thống đốc NHNN đã ban hành các Thông tư, Chỉ thị để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.

Đến nay, hệ thống thanh toán tại Việt Nam được vận hành an toàn, hiệu quả và khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ thanh toán tại Việt Nam. Thống kê của các tổ chức thẻ quốc tế cho thấy, tình trạng giả mạo, gian lận trong thanh toán thẻ ở Việt Nam ở mức thấp hơn trung bình của thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Với những kết quả khả quan nêu trên, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng rõ ràng hệ thông ngân hàng Việt Nam đã và đang hình thành được những nền tảng nhất định, tạo đà để từng ngân hàng và định chế tài chính nói riêng cũng như toàn hệ thống nói chung bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới. Cũng tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng một lần nữa khẳng định: “Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin, nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn; đồng thời, nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”.

Phương Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên