MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những trường hợp nào Công an được phép kiểm tra CMND/CCCD?

Những trường hợp nào Công an được phép kiểm tra CMND/CCCD?

Chứng minh nhân dân (CMND) và Căn cước công dân (CCCD) là những giấy tờ tùy thân quan trọng có giá trị chứng minh lai lịch của người được cấp. Lực lượng công an sẽ yêu cầu kiểm tra loại giấy tờ này trong 4 trường hợp sau.

Kiểm tra lưu trú

Điều 25 Thông tư 55/2021/TT-BCA và khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định, công an cấp xã có quyền tiến hành kiểm tra cư trú định kì, định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

Những đối tượng và khu vực có thể bị kiểm tra cư trú bao gồm công dân, hộ gia đình, ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên, khu nhà ở của người lao động, nhà cho thuê, nhà cho mượn, cho ở nhờ của tổ chức, cá nhân, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch,…

Khi thực hiện kiểm tra cư trú, công an xã có quyền kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú, thu thập, cập nhật, khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

Lúc này, từng cá nhân, thành viên hộ gia đình bị kiểm tra cư trú phải xuất trình giấy tờ tùy thân là CMND hoặc thẻ CCCD còn hạn kèm sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Kiểm tra giấy tờ, tang vật đối với người phạm tội quả tang

Theo Khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008, khi bắt được cá nhân vi phạm pháp luật quả tang, lực lượng công an xã hoàn toàn có quyền kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người đó. Lúc này cá nhân vi phạm pháp luật phải có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của công an xã là xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD.

Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông có quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, bao gồm:

- Giấy phép lái xe

- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng

- Giấy đăng ký xe

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (áp dụng với ô tô, xe máy chuyên dùng)

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

- Các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi bị CSGT dừng xe để tuần tra kiểm soát, nếu được yêu cầu xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD thì người tham gia giao thông bắt buộc phải chấp hành.

Công an xử lý vi phạm hành chính

Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định, lực lượng công an có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong rất nhiều lĩnh vực. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng công an sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hoặc ra quyết định quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trong mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính và mẫu biên bản vi phạm hành chính được ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP luôn yêu cầu phải có các thông tin liên quan đến người vi phạm bao gồm: Tên, giới tính, quốc tịch, ngày sinh, nghề nghiệp, nơi ở hiện tại, số định danh cá nhân/CMND/CCCD/hộ chiếu.

Do đó, khi tiến hành lập biên bản vi phạm hoặc ra quyết định xử phạt hành chính, chiến sĩ công an sẽ yêu cầu người vi phạm xuất trình CMND hoặc CCCD. Lúc này, người vi phạm có nghĩa vụ phải chấp hành yêu cầu lực lượng chức năng.

Anh Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên