Những vụ án liên quan đến ngành dầu khí: Cùng một 'kịch bản'?
Tại một số vụ án liên quan ngành dầu khí, cơ quan tố tụng nhận thấy có nhiều điểm chung. Ðó là việc chỉ đạo lập dự án với số vốn lớn rồi giao PVC (công ty do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu) thi công dù không có năng lực, kinh nghiệm.
- 12-01-2018Ngành Dầu khí phải đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế
- 05-01-2018IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn vào ngày 17/1 dự kiến thu về 160 triệu USD, hoàn chỉnh chuỗi giá trị ngành dầu khí trên sàn chứng khoán
- 14-04-2016Tình cảnh thê lương của ngành dầu khí: Giá trị xuất khẩu dầu thô thua cả xuất khẩu rau quả
Ðang làm rõ những vụ án liên quan
Ngày 19/9, VKSND Tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Theo tài liệu hội nghị, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (THQCT&KSĐT) án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) có tham luận tổng quan về vụ án ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) xảy ra tại các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Vũng Áng - Quảng Trạch.
Theo Vụ 5, đây là vụ án gây thiệt hại trên 100 tỷ đồng, song đến nay vẫn để lại hệ lụy rất lớn vì dự án kéo dài gây thiệt hại 500.000 USD/tháng do chậm tiến độ.
Ngoài vụ án trên, cơ quan chức năng đang làm rõ các vụ án liên quan đến nhà máy Pvtex Đình Vũ đang ngừng hoạt động - thua lỗ với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng; vụ Ethanol Phú Thọ - gây thiệt hại rất lớn gần 2.000 tỷ đồng và đã ngừng thi công từ năm 2011. Ngoài ra, còn các vụ việc đang xem xét xử lý là các dự án Ethanol Dung Quất với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, Ethanol Bình Phước vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; việc thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng ở PVC; giai đoạn 2 các vụ án Pvtex Đình Vũ, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo tham luận của Vụ 5, khi nghiên cứu các vụ án trên phát hiện điểm chung là ông Đinh La Thăng chỉ đạo cho lập dự án đầu tư với số vốn rất lớn rồi giao cho PVC do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch HĐQT thầu thi công; nhà thầu PVC rất hạn chế về năng lực, kinh nghiệm nhưng được giao làm tổng thầu; cho PVC tạm ứng vốn trái quy định và PVC sử dụng vốn không đúng mục đích.
Các dự án này còn giống nhau ở giai đoạn lập, phê duyệt dự án nhanh nhưng thực hiện trì trệ, kéo dài; các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư như Nhiệt điện Thái Bình 2 từ 31.505 tỷ đồng lên 41.799 tỷ đồng; Ethanol Phú Thọ từ 1.317 tỷ đồng lên 2.484 tỷ đồng; Ethanol Dung Quất 1.493 tỷ đồng lên 2.225 tỷ đồng. Tiếp đến, các dự án đều chậm tiến độ như Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm 4 năm; PVTEX Hải Phòng chậm 726 ngày; Ethanol Phú Thọ dừng từ năm 2011 đến nay.
Thất thoát nhiều, thu hồi ít
Vụ THQCT&KSĐT án kinh tế (Vụ 3) có tham luận về công tác của hệ thống các VKSND khi xử lý các vụ án về tội phạm kinh tế, chức vụ phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng. Theo tham luận, hiện nước ta có 129 tổ chức tín dụng và những năm gần đây, nhiều vụ phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia… Tội phạm trong lĩnh vực này đã thành nguy cơ phá vỡ chính sách phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước...
Các cơ quan tố tụng đã khám phá, xử lý hàng trăm vụ án trong lĩnh vực ngân hàng nhưng tội phạm tiếp tục có xu hướng gia tăng, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Ví dụ, vụ Nguyễn Đức Kiên gây thiệt hại trên 718 tỷ đồng; vụ Hà Văn Thắm gây thiệt hại 2.236 tỷ đồng; vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.986 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn gây thiệt hại hơn 12.006 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh gây thiệt hại 15.251 tỷ đồng...
Vẫn theo VKSND Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2013 -2017, cơ quan này đã thụ lý 45 vụ án kinh tế liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, tổng số tiền thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là 49.640 tỷ đồng. Tuy vậy, công tác thu hồi tài sản hết sức khiêm tốn.
Theo Vụ 3, do đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn, có chuyên môn nghiệp vụ nên thường dùng nhiều cách thức khác nhau để che giấu hành vi phạm tội cũng như nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền… nên rất khó phát hiện, thu hồi. Số liệu thống kê toàn quốc tổng cho thấy, số tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thu hồi được chỉ khoảng 19% so với thiệt hại.
Số liệu thống kê toàn quốc tổng cho thấy, số tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thu hồi được chỉ khoảng 19% so với thiệt hại.
Theo tài liệu hội nghị, cơ quan chức năng đang làm rõ các vụ án liên quan đến nhà máy Pvtex Ðình Vũ đang ngừng hoạt động - thua lỗ với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng; vụ Ethanol Phú Thọ - gây thiệt hại rất lớn gần 2.000 tỷ đồng và đã ngừng thi công từ năm 2011. Ngoài ra, còn các vụ việc đang xem xét xử lý là các dự án Ethanol Dung Quất với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, Ethanol Bình Phước vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; việc thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng ở PVC; giai đoạn 2 các vụ án Pvtex Ðình Vũ, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tiền phong