MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei Asian Review: Chuyển dịch thô bạo các chuỗi sản xuất có thể khiến thế giới phải trả giá đắt

Đa phương hóa chuỗi cung ứng được cho là để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng sẽ khiến chi phí tăng, đảo lộn các bộ tiêu chuẩn công nghệ và nhiều hệ lụy khác.

Những ngày qua, có thông tin rằng Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp đa dạng hóa năng lực sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Điều này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong toàn cầu hóa sản xuất những năm tới.

Hơn ba thập kỷ qua, các thị trường lớn mở cửa, giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhưng giờ đây, sự cởi mở đó đã kết thúc. Một thế giới với các quốc gia tăng cường bảo hộ đang dần hình thành. Các công ty điều hành chuỗi cung ứng sản xuất sẽ phải để tâm đến yếu tố chính trị quốc tế ở mức độ lớn hơn nhiều so với trước đây.

Trong tình hình bất ổn hiện nay, các công ty đa quốc gia cho rằng chuỗi cung ứng sẽ cần phải trở nên đa dạng về địa lý, để không bị phụ thuộc quá lớn vào quốc gia hay khu vực nào, đặc biệt là Trung Quốc - cái gai trong mắt ông Trump. 

Nikkei Asian Review: Chuyển dịch thô bạo các chuỗi sản xuất có thể khiến thế giới phải trả giá đắt - Ảnh 1.

Trong trật tự chuỗi cung ứng mới, các công ty sẽ phải phân phối hoạt động sản xuất trên các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn như một cơ sở sản xuất riêng biệt để phục vụ Mỹ, một cơ sở khác để phục vụ Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Hàng hóa xuất sang châu Âu vẫn có thể được sản xuất ở Trung Quốc, miễn là châu Âu còn đứng ngoài cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Các nhà sản xuất sẽ tìm kiếm lao động giá rẻ. Đó là điều trước hết và quan trọng nhất. Họ cũng sẽ hy vọng có thể phát triển một chuỗi cung ứng mới với điều kiện tương tự như ở Trung Quốc. Ban đầu điều này sẽ có lợi cho Việt Nam và Malaysia, với lao động giá rẻ sẵn có và môi trường chính trị tương đối ổn định. 

Indonesia và Philippines cũng có thể hưởng lợi. Indonesia, mặc dù bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thì đổi lại có nguồn lao động rất dồi dào. Philippines có lợi thế đáng kể về khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của người dân.

Ấn Độ cũng có thể có tên trong danh sách chiến thắng nhờ dân số trẻ, đông đảo, nhưng sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và những thách thức liên quan đến đào tạo, triển khai lực lượng lao động sẽ khiến Ấn Độ khó mà có thể so được Trung Quốc. 

Một quốc gia hưởng lợi khác của việc đa phương hóa chuỗi cung ứng sẽ là Mexico. Chi phí lao động của Mexico tương đối thấp, và gần với Hoa Kỳ. Mexico cũng có các mối quan hệ thương mại mở với nhiều quốc gia khác, khiến họ trở thành một cái tên lớn trong ngành công nghiệp ô tô, điện tử và cả hàng không vũ trụ. Mexico sẽ được tích hợp tốt vào chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ sản xuất phức tạp hơn. 

Đài Loan sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt phức tạp. Các công ty Đài Loan: Foxconn (Hon Hai Precision Industry), Quanta Computer, Inventec,... là những công ty tiên phong trong việc thành lập các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì hoạt động R&D tại Đài Loan.

Nikkei Asian Review: Chuyển dịch thô bạo các chuỗi sản xuất có thể khiến thế giới phải trả giá đắt - Ảnh 2.

Đài Bắc đã phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong sản xuất kể từ giữa những năm 1990 và được khuyến khích đa dạng hóa sang các quốc gia Đông Nam Á, bắt đầu từ Indonesia, Thái Lan và Malaysia. 

Các công ty Đài Loan gần đây đã đẩy mạnh sang Campuchia, Lào và Myanmar trong ngành dệt may, giày dép, phụ tùng ô tô và các hàng hóa sản xuất khác. Các công ty điện tử lớn của Đài Loan đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc di dời vì cái bóng quá lớn của Trung Quốc. Nền kinh tế nhỏ bé chỉ với 23 triệu dân này sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ lực lượng lao động khổng lồ mà các công ty của họ được hưởng ở Trung Quốc. 

Việc tái cơ cấu về mặt địa lý, có thể để lại những hệ lụy tất yếu đối với sản xuất toàn cầu. Đầu tiên, phân nhỏ hoạt động sản xuất đồng nghĩa với giảm hiệu quả quy mô và dĩ nhiên, chi phí bị đẩy cao hơn.

Tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cũng sẽ là một thách thức lớn. Ngày nay, Trung Quốc là nguồn duy nhất hoặc nguồn chi phối nhiều linh kiện điện tử, bao gồm pin và đầu nối mạch linh hoạt. phải mất nhiều năm, có thể là đến hàng thập kỷ để thiết lập nguồn cung mới. Sẽ không dễ dàng gì khi di chuyển công việc lắp ráp của bạn ra khỏi Trung Quốc trong khi vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu tho từ họ. 

Điểm đáng lo ngại thứ hai là sự thiếu thống nhất về mặt tiêu chuẩn. Ví dụ như thiết bị viễn thông, thị trường Hoa Kỳ đã thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu nhờ vào quy mô và sự thống trị của họ trong lĩnh vực này. Nhưng giờ đây, Hoa Kỳ không còn là thị trường lớn nhất trên thế giới cho những sản phẩm như ô tô, điện thoại thông minh, pin hoặc thiết bị mạng. 

Nikkei Asian Review: Chuyển dịch thô bạo các chuỗi sản xuất có thể khiến thế giới phải trả giá đắt - Ảnh 3.

Một khi chúng ta "phân mảnh" các chuỗi sản xuất, các tiêu chuẩn cũng khó có thể được duy trì. Khi đó, "mảnh" nào lớn nhất sẽ có quyền năng thiết lập bộ tiêu chuẩn mới. Sức mạnh của Huawei về 5G đã cho thấy những động thái chống lại Huawei và ZTE của ông Trump thực sự có thể có kết quả ngược với những gì ngài Tổng thống đang mong đợi. Chẳng những không thể cản trở các doanh nghiệp này, ông Trump mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh rất lớn: khả năng thiết lập các tiêu chuẩn trên toàn thế giới.

Cuối cùng, thật khó để các công ty không phụ thuộc vào Trung Quốc nếu muốn thực hiện các cải cách về công nghệ. Nhiều công ty phụ thuộc rất sâu các nhà cung cấp ở Trung Quốc trong việc tạo ra các nguyên mẫu, hoặc sản xuất dụng cụ như khuôn để ép phun nhựa. Hệ sinh thái Thâm Quyến đã trở thành điểm dừng chân nổi tiếng cho các công ty khởi nghiệp, không chỉ của Trung Quốc mà là của thế giới. Điều này không dễ để thay đổi. 

Hoạt động thương mại được tiến hành trên một sân chơi với một bộ quy tắc, cũng giống như bóng đá. Trong 30 năm qua, các quốc gia đã sống trong một môi trường thương mại tương đối lành tính - các quy tắc ổn định và có thể dự đoán được. Điều đó thúc đẩy đầu tư dài hạn vào các nhà máy và các cơ sở khác, ngay cả ở những địa điểm xa xôi và nghèo khó. 

Tuy nhiên, các quy tắc không còn ổn định và ngày càng khó lường. Thuế quan và các rào cản thương mại mới đang xuất hiện. Chương tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa sẽ rất khác. Đối với một nhà sản xuất, sự bất ổn sẽ khiến họ tốn kém hơn rất nhiều. 

Hoàng An

Nikkei Asian Review

Trở lên trên