MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Gần và rẻ, cà phê Việt Nam đang "tấn công" mạnh mẽ thị trường Nhật Bản

Số liệu hết tháng 11/2018 cho thấy Việt Nam đã cung cấp 25% sản phẩm cà phê nhập khẩu vào Nhật Bản, so với 27% từ Brazil. So với cùng kỳ, Nhật Bản đã nhập khẩu cà phê Arabica của Brazil ít hơn 7%.

Nikkei Asian Review nhận định Việt Nam đang hiện diện nhiều hơn tại thị trường cà phê Nhật, vốn được đánh giá là sôi động. "Nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới đang tận dụng sự gần gũi về địa lý và giá rẻ để cạnh tranh với Brazil", tờ này viết.

Theo đó, trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã cung cấp 25% sản phẩm cà phê vào thị trường Nhật, so với 27% từ Brazil – bị giảm 7% so với cùng kỳ.

Hầu hết các hạt cà phê Việt Nam xuất sang là Robusta, thường được gọi là cà phê vối, có vị đắng đậm với hàm lượng cafein cao. Đây cũng là loại cà phê xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vốn dễ trồng, chống lại bệnh tật, sâu tốt.

Ngược lại, cà phê giống Arabica của Brazil (còn có tên là cà phê chè) có vị chua nhẹ, chát dịu và ngọt cuống lưỡi, khó trồng và đắt tiền hơn. Robusta theo đó được đánh giá là thích hợp trong ngành công nghiệp chế biến với sản phẩm là cà phê uống liền, nhờ mức giá thấp và hương vị mạnh mẽ.

Ông Toyohide Nishino, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại cà phê Nhật Bản cho biết người tiêu dùng nước này đang rất ưa thích cà phê Robusta vì sự thơm ngon và vừa túi tiền.

Trong năm 2017, Nhật Bản đã nhập khẩu 88.000 tấn cà phê chưa rang từ Việt Nam, tăng gấp 10 lần so với một thập kỷ trước và tăng 15% so với cùng kỳ, tức đạt 94.000 tấn trong giai đoạn 2018.

Cà phê Robusta hiện đang được giao dịch ở mức 0,68 USD/pound (1 pound = 0,454kg), thấp hơn 30% so với Arabica với mức giá 1,03 USD/pound. Mặt khác, giá Robusta đang trong xu hướng giảm kể từ năm 2018 do kỳ vọng sản xuất toàn cầu cao hơn.

Tại Nhật, Robusta được sử dụng để sản xuất cà phê hoà tan, bán trong các gói đơn, phổ biến cho các hộ gia đình có 1 hoặc 2 thành viên – là nhóm người tiêu dùng đang phát triển. Robusta cũng tìm được thị trường tại các nhà chế biến cung cấp cà phê nhỏ lẻ khi họ trộn cùng Arabica để giảm giá. Robusta cũng được tìm thấy ở các cửa hàng cà phê với nhãn hiệu riêng, giá cả bình dân.

Bên cạnh lợi thế về giá cả và hương vị, Robusta của Việt Nam cũng có lợi thế nhờ vào sự gần gũi về địa lý. Việc vận chuyển từ Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác trong khu vực Đông Nam Á sang Nhật chỉ bằng một nửa thời gian của Arabica đến từ Mỹ Latin. Nhưng so với các nước trong cùng khu vực, nguồn cung của Việt Nam ổn định hơn.

Theo Nikkei, một yếu tố khác phía sau sự trỗi dậy của Robusta là biến đổi khí hậu. Như đã nói ở trên, Robusta dễ trồng và sinh trưởng tốt hơn Arabica, vốn chỉ thích hợp với các vùng đất có độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển. Một số nghiên cứu dự đoán rằng 1/2 vành đai cà phê nơi Arabica chất lượng cao được trồng, có thể sẽ không cung cấp được sản lượng tốt vào năm 2050.

Robusta không có khả năng thay thế hoàn toàn Arabica, theo Key Coffee, phát ngôn viên của một nhà rang xay lớn của Nhật Bản. Nhưng nhiều người trong ngành đã nhìn thấy nhu cầu gia tăng đối với hỗn hợp Arabica – Robusta.

Dẫn lời Shiro Ozawa, cố vấn của công ty cà phê Wataru và Co, có trụ sở tại Tokyo, Nikkei cho biết dù nhu cầu cà phê Arabica của Nhật vẫn ổn định nhưng Việt Nam sẽ là người được hưởng lợi từ thị trường này, vốn đang ngày càng phân cực giữa các phân khúc.

Hiện Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị phần bằng cách gia tăng sản lượng hạt trên mỗi cây. Trong năm 2018, sản lượng cà phê Việt Nam đã tăng 4% so với cùng kỳ, đạt sản lượng 30,4 triệu bao 60kg.

Hà Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên