MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ninh Vân Bay có chuyển được mình?

07-10-2019 - 16:48 PM | Doanh nghiệp

Ninh Vân Bay đã giải quyết xong bài toán nợ nần trong năm 2018.Nguồn thu của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào công ty con Du lịch Hồng Hải – chủ đầu tư Six Senses Ninh Vân Bay.Cổ đông ngoại của Ninh Vân Bay đang muốn thoái vốn, còn cổ đông nội bộ muốn gom khối lượng lớn.Công ty dự định tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2019 vào tháng 11.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Ninh Vân Bay, HoSE: NVT) diễn ra vào tháng 4, có đến 6/14 nội dung không được cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành chỉ đạt 49,26%. Đó là các báo cáo của HĐQT và ban tổng giám đốc về kết quả hoạt động năm 2018, phương hướng hoạt động năm 2019; báo cáo tài chính kiểm toán (mẹ, hợp nhất) năm 2017, 2018 cùng quy chế quản trị công ty.

Do vậy, Ninh Vân Bay tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần thứ nhất năm 2019 vào tháng 11 để bàn lại những vấn đề trên. Đồng thời, đại hội tới cũng sẽ miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. Cơ cấu cổ đông trong kỳ đại hội tới sẽ khác rất nhiều cơ cấu cổ đông kỳ đại hội trước nên nhà đầu tư có quyền kỳ vọng về một sự đồng thuận.

Cổ đông ngoại thoái, người nội bộ gom

Đầu năm 2019, cơ cấu cổ đông của Ninh Vân Bay có 2 tổ chức nước ngoài lớn nắm 43,27% vốn là ReCapital Investments Pte. Ltd  (35,87%) và Belton Investments Ltd (7,4%). Hiện, cả 2 tổ chức này đều muốn giảm tỷ lệ sở hữu.

Recapital Investments đầu tư vào Ninh Vân Bay từ năm 2009 khi mua 30 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ với giá 7.500 đồng/cp, ứng với giá trị 225 tỷ đồng. Đơn vị này đang rao bán 21,72 triệu cổ phiếu NVT trong tổng số 32,46 triệu cổ phiếu nắm giữ. Sau giao dịch, Recapital Investments giảm sở hữu xuống 10,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,9% vốn.

Trong khi đó, Belton Investments Ltd đã bán gần 300.000 cổ phiếu NVT giảm sở hữu từ 7,4% về 7,07% vốn.

Ngược lại, nhân sự cấp cao của công ty lại có động thái gom khối lượng lớn cổ phiếu NVT. Tổng giám đốc Hoàng Anh Dũng đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch được thực hiện thành công, ông Dũng sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,05% (51.420 cổ phiếu) lên 27,68% (25 triệu cổ phiếu).

Ngoài ra, cá nhân Phạm Quốc Khánh đã mua 21,72 triệu cổ phiếu để nắm giữ 24% vốn, chính thức trở thành cổ đông lớn từ 17/9. Giao dịch của ông Khánh được thực hiện ngay sau thông báo đăng ký bán của Recapital Investments với khối lượng hoàn toàn trùng khớp, trong khi cổ phiếu NVT kém thanh khoản nên rất có khả năng bên bán chính cổ đông ngoại.

Khi mà giao dịch mua bán của các cổ đông lớn, người nội bộ chưa được công bố kết quả thì Ninh Vân Bay đã có loạt quyết định nhân sự quan trọng.

HĐQT quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thành Thái Lĩnh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay bà Ngô Thị Thanh Hải kể từ 28/9 sau hơn 2 tháng tại vị. Bà Hải giữ chức vụ khác là Phó tổng giám đốc công ty.

Ông Lĩnh sinh năm 1982, từng làm Phó tổng giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú (HNX: TPP) và hiện là thành viên Ban kiểm soát CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (UPCoM: NS3). Ông Lĩnh trở thành viên HĐQT Ninh Vân Bay từ tháng 4 năm nay.

Đồng thời, HĐQT cũng tiến hành miễn nhiệm chức vụ Giám đốc quản lý và vận hành dự án đối với bà Lê Thị Thu Hà, miễn nhiệm chức vụ Giám đốc chiến lược và kinh doanh với ông Lê Xuân Hải, miễn nhiệm Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thúy Liên. Người được bầu thay thế Kế toán trưởng là ông Đào Minh Tuấn.

Giải quyết xong bài toán nợ nần

Ninh Vân Bay khởi đầu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, mua bán vật liệu xây dựng… nhưng từ năm 2009, công ty đã tiến hành tái cấu trúc công ty thông qua sáp nhập, hợp nhất 2 thành viên là Công ty Hai Dung (nắm 90% vốn) và Công ty du lịch Hồng Hải (nắm 51% vốn) để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Công ty góp vốn tại nhiều dự án với tham vọng hình thành chuỗi nghỉ dưỡng cao cấp trên cả 2 miền. Tuy nhiên, vấp phải giai đoạn thị trường bất động sản suy yếu, khó huy động vốn triển khai dự án nên từ năm 2011, Ninh Vân Bay bắt đầu kinh doanh thua lỗ và phải cơ cấu lại hoạt động. Trong 10 năm chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản nghỉ dưỡng (2009-2018), với 4 năm báo lỗ nhưng tổng lỗ là 753 tỷ đồng trong khi tổng lãi 6 năm còn lại chỉ 44 tỷ đồng.

Ninh Vân Bay có chuyển được mình? - Ảnh 1.

Năm 2017, Ninh Vân Bay lỗ kỷ lục

Vào cuối năm 2016, công ty có hơn 230 tỷ nợ trái phiếu đến hạn. Để trả nợ, công ty đã bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Hai Dung (chủ đầu tư dự án Six Senses Sài Gòn River) cùng toàn bộ các khoản tiền cho vay, tiền lãi vay và lợi ích khác tại đây với giá 200 tỷ đồng, gây ra khoản lỗ 225 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng bán toàn bộ công nợ tại dự án Emeralda Resort Ninh Bình do Du lịch Tân Phú làm chủ đầu tư với giá phí 60 tỷ đồng và ghi nhận 246 tỷ đồng lỗ chuyển nhượng công nợ phải thu về. Đây là 2 nguyên nhân chính tạo nên khoản lỗ kỷ lục 479 tỷ đồng trong năm 2017.

Công ty cho biết về cơ bản đã tái cấu trúc tài chính và giải quyết xong các khoản nợ trong hạn, quá hạn. Theo BCTC bán niên 2019, tổng vay nợ của Ninh Vân Bay chỉ còn hơn 26 tỷ đồng so với 300 tỷ vào năm 2016. Theo đó, chi phí lãi vay giảm từ hơn 30 tỷ về 2,2 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế của công ty là 687 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 383 tỷ đồng, trong khi vốn góp là 905 tỷ đồng.

Sau tái cấu trúc, tổng tài sản của công ty giảm từ 1.300 tỷ đồng giai đoạn 2016-2017 về 554 tỷ đồng. Hoạt động chính của công ty dồn vào công ty con nắm 51% vốn là Công ty Du lịch Hồng Hải – chủ đầu tư Six Senses Ninh Vân Bay (Nha Trang, Khánh Hòa). Ninh Vân Bay đầu tư 304 tỷ đồng (55% tổng tài sản) để sở hữu 4,59 triệu cổ phiếu Du lịch Hồng Hải.

Ninh Vân Bay còn đầu tư 64 tỷ đồng vào một đơn vị liên kết là Công ty du lịch sinh thái Cồn Bắp nhưng do không có đủ khả năng cung cấp vốn nên quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp với giá 78 tỷ đồng, tính đến 30/6 đã nhận cọc 40 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư 12,24% vào Du lịch Tân Phú – chủ đầu tư dự án Emeralda Resort Ninh Bình được vận hành từ tháng 5/2013.

Ban lãnh đạo công ty cho biết chiến lược hiện nay là khai thác thị trường sẵn có để cạnh tranh, từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và chưa có kế hoạch đầu tư mới. Nửa đầu năm, Công ty ghi nhận 151 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 7 tỷ so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 27,8 tỷ đồng, tăng 28%. Phần lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 8,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước do Six Senses Ninh Vân Bay kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên