Nỗ lực "Anh ngữ hóa" ở Rakuten: Sếp tổng "thiết quân luật" buộc nhân viên phải dùng tiếng Anh, TOEIC trung bình toàn tập đoàn lên tới 802/990
Gã khổng lồ Thương mại điện tử Rakuten đã làm được điều mà nền giáo dục xuất chúng của Nhật Bản “bó tay”: Huấn luyện người Nhật nói Tiếng Anh một cách “có thể hiểu được”.
- 08-01-2018Chống “xâm lăng văn hóa”, Iran cấm dậy tiếng Anh ở trường tiểu học
- 23-08-2017Nhìn từ cuộc đời Lý Quang Diệu để thấy "Nói tiếng Anh chuẩn" đã thay đổi vận mệnh của cả một đất nước Singapore như thế nào
- 23-06-2017Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra cách 'hô biến' Singapore thành cường quốc, phổ cập tiếng Anh toàn dân chỉ trong vòng 30 năm
- 06-05-2017Chủ tịch EU: Tiếng Anh đang bị thất sủng ở châu Âu vì Brexit
- 31-08-2016Tạp chí danh tiếng Forbes hết lời ca ngợi ứng dụng học tiếng Anh của cô gái người Việt
Rakuten và cuộc chiến với Anh Ngữ
Cách đây không lâu, tập đoàn công nghệ này đã tự hào công bố mức điểm TOEIC (Test of English for International Communication) trung bình của toàn nhân viên đã tăng lên tới 802 trên tổng 990 điểm. Đây là một bước tiến vượt bậc khi vào năm 2010, trung bình nhân viên chỉ đạt được mức điểm trung bình 526/990. Theo như trung tâm sáng lập nên kỳ thi này, với mức điểm trên 800, các thí sinh đã có thể sử dụng Tiếng Anh một cách thành thạo và chuyên nghiệp.
Tuy điểm số không phải là tất cả nhưng nó đã chứng minh được những thành công ban đầu trong kế hoạch "toàn cầu hóa" của CEO Mikitani. Vị giám đốc này đã đưa ra một "thiết quân luật" bắt buộc mọi nhân viên phải sử dụng Tiếng Anh thay cho tiếng mẹ đẻ khi làm việc.
Tất cả cuộc họp, file thuyết trình, chứng từ, emails… trong công ty đều bắt buộc phải sử dụng Tiếng Anh, ngay cả khi cuộc giao tiếp đó là giữa hai người Nhật với nhau. Rakuten vượt ra khỏi khuôn khổ của các tập đoàn lớn khác ở Nhật khi chấp nhận thay đổi các quy định khắt khe của Châu Á để biến Anh Văn thành ngôn ngữ mặc định của công ty.
Và đối với tốc độ và áp lực toàn cầu hóa hiện nay, Rakuten buộc lòng phải mở rộng và cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Alibaba với "thầy giáo Anh ngữ" Jack Ma và cả Amazon – một thế lực toàn cầu. Anh Văn từ đó trở thành một "vũ khí" bắt buộc, vì nếu không có khả năng trả lời email, hội họp hoặc thuyết trình bằng Tiếng Anh hiệu quả, Rakuten không thể nào thành công trên toàn thế giới được.
Asakai: Họp toàn cầu mỗi tuần một lần
Cuộc họp Asakai được diễn ra với sự góp mặt của tất cả nhân viên trong công ty, cho dù là có mặt trực tiếp hoặc tham gia trực tuyến. Một buổi họp thường bắt đầu bằng CEO Hiroshi "Mickey" Mikitani chia sẻ thẳng thắn với toàn thể nhân viên về tầm nhìn và các hướng đi sắp tới, đồng thời đích thân CEO này cũng sẽ chúc mừng và động viên các phòng ban hoặc bộ phận cụ thể trong tập đoàn về những thành tích mà họ đạt được.
Asakai từng được tổ chức vào mỗi sáng thứ Hai để đảm bảo tất cả nhân viên đều cùng nhìn về một hướng vào đầu tuần. Từ tháng 4 năm 2010, tất cả nội dung họp đều được trình bày bằng tiếng Anh để đi theo xu hướng "Anh Ngữ hóa". Và vào năm 2011, Asakai được chuyển sang sáng thứ Ba để cho phép tất cả nhân viên trên toàn thế giới của Rakuten có thể tham gia.
Mục tiêu cao nhất của Asakai là tạo dựng được sự tập trung và hướng tất cả mọi nhân viên trong công ty về cùng mục tiêu chung. Mọi người còn được hiểu rõ hơn về tốc độ và định hướng phát triển của từng nhóm riêng trong tập đoàn, tầm quan trọng của họ và ý nghĩa của từng nhân viên trong thành công chung của công ty.
Ngoài ra tập đoàn này còn công bố giải Rakuten Awards cho các nhân viên góp công lớn trong mỗi lần họp để tất cả đồng nghiệp trên thế giới có thể chúc mừng và học hỏi từ họ.
Việc họp và chia sẻ thông tin trên toàn thế giới này còn giúp Rakuten có thể nhân rộng các quy trình và thành tích hiệu quả nhất cho mọi người. Mỗi nhân viên đều có trách nhiệm riêng phù hợp với quá trình hoạt động của tập đoàn.
Dọn dẹp bàn làm việc mỗi tuần
Tất cả mọi nhân viên Rakuten, ngay cả CEO, đều phải dọn dẹp khu vực làm việc của mình mỗi tuần. Việc này nhằm tạo cho họ cảm giác được "thanh tẩy" cả tinh thần lẫn công việc và từ đó gắn kết hơn với công ty.
Tại Rakuten, làm việc nhóm rất được tôn trọng, tất cả mọi nhân viên đều phải sẵn sàng hỗ trợ và thay thế đồng nghiệp của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả chứ không chỉ cứ khăng khăng làm việc của riêng mình.
Với cảm giác được tôn trọng và là một phần của sự phát triển công ty sẽ là một động lực rất lớn lao, hành động cả công ty cùng nhau dọn bàn sẽ củng cố ý nghĩ cả công ty đều chung một nhóm.
Ngôi nhà thứ hai
Rakuten quyết tâm thay đổi văn hóa làm việc của mình từ "ngôi nhà" của các nhân viên. Tọa lạc tại Tokyo, tòa nhà Rakuten được thiết kế để cung cấp cho người dùng một cảm giác thoải mái và nhiều năng lượng, đồng thời góp phần nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp của mọi người.
Tại đây, tất cả bàn làm việc đều không có ngăn chia cách, cộng với rất nhiều không gian chung để họp một cách công khai. Tất cả phòng họp kín đều được trang bị hệ thống gọi điện trực tuyến tối tân nhất, nhằm đảm bảo sự kết nối của tất cả nhân viên Rakuten trên toàn thế giới.
Ngoài ra, để thật sự trở thành một ngôi nhà thứ 2, văn phòng Rakuten luôn cung cấp bữa ăn sáng, trưa và tối hoàn toàn miễn phí cho nhân viên, kết hợp với một phòng gym chất lượng cao và một trung tâm kiểm tra sức khỏe, các nhân viên luôn có cảm giác được công ty hỗ trợ tối đa để làm việc và phát triển.
Và kết quả
Hiện mô hình Thương mại điện tử của Rakuten đang thống lĩnh trên thị trường Nhật Bản và Rakuten luôn nằm trong danh sách các sàn có doanh thu lớn nhất trên thế giới. Không dừng lại tại đó, Rakuten còn sở hữu Ngân hàng điện tử lớn nhất và công ty tín dụng lớn thứ ba trên khắp lãnh thổ Nhật.
Đứng đầu trên cả Thương mại điện tử, tài chính, nội dung giải trí trực tuyến và dịch vụ thông tin cho hơn 1 tỷ khách hàng trên khắp thế giới. Rakuten hiện đang hoạt động tại hơn 29 quốc gia và đã trở thành một đối trọng lớn của Amazon ở phương Đông nhờ vào văn hóa đặc biệt của mình.