Nỗi ám ảnh của người Sài Gòn những ngày cận Tết: "Rừng" xe đông nghẹt trên nhiều tuyến đường trung tâm từ trưa đến tối
Những ngày gần Tết, mọi người đều cố gắng hoàn thành nốt công việc cuối năm, ai cũng tất bật và hối hả, người giao hàng, người mua sắm... khiến khắp các tuyến đường trung tâm Sài Gòn kẹt xe vào nhiều thời điểm trong ngày.
Những ngày qua, vào khoảng đầu giờ chiều, các tuyến đường như Cộng Hoà, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) liên tục xảy ra ùn ứ, đôi lúc kẹt xe nghiêm trọng.
Đặc biệt tuyến đường Cộng Hòa hướng về sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong trình trạng quá tải, phương tiện lúc nào cũng nhích từng chút khi di chuyển.
Nhiều người vận chuyển hàng hoá, xe tải, xe khách,... chen nhau di chuyển nên tình trạng kẹt xe càng khủng khiếp hơn. Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất luôn ken đặc phương tiện vào những ngày này.
Nỗi ám ảnh của người Sài Gòn những ngày cận Tết: "Rừng" xe đông nghẹt trên nhiều tuyến đường trung tâm từ trưa đến tối
Trong khi đó, cửa ngõ về bến xe Miền Đông những ngày cận Tết cũng không khá hơn khi hàng nghìn phương tiện liên tục nối đuôi nhau, di chuyển rất khó khăn.
Nhiều xe bắt đầu được tăng cường về bến đón khách về quê ăn Tết vào nhiều thời điểm trong ngày. Còn hàng hóa cũng được vận chuyển tấp nập hơn. Đến giờ cao điểm cuối ngày thì kẹt xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (hướng về bến xe Miền Đông) càng khủng khiếp hơn.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) từ ngã tư Hàng Xanh đến bến xe Miền Đông vào những ngày qua luôn trong tình trạng ùn ứ.
Ô tô con, xe khách, xe máy chen nhau di chuyển khiến tuyến đường về bến xe Miền Đông những ngày gần Tết trở nên gian nan.
Đường Cộng Hòa (từ cầu Hoàng Hoa Thám đến Út Tịch) về sân bay Tân Sơn Nhất thì di chuyển khó khăn từ trưa đến chiều tối.
Người đi xe máy mệt mỏi vì hít khói xe buýt khi đang nhích từng chút trên đường Cộng Hoà.
Đường ùn tắc nên người dân tranh thủ kiểm tra tin nhắn điện thoại.
Không chỉ có ở cửa ngõ ra bến xe, sân bay mà thậm chí tại các tuyến đường trung tâm Sài Gòn như 3/2, Lê Hồng Phong (quận 10), Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), Nguyễn Trãi, Nguyễn Thái Học,... (quận 1) cũng rơi vào tình trạng ùn ứ cục bộ từ trưa đến chiều tối.
Nắng nóng, khói bụi cùng với kẹt xe khiến nhiều người nhăn nhó, mệt mỏi khi vừa phải "chạy đua" với công việc những ngày cận Tết, vừa phải tìm cách "thoát" đám đông xe cộ bủa vây.
Anh Lê An (quận 1) than thở: "Những ngày qua ra đường như cực hình vậy, người người đi lại khiến đường nào cũng kẹt. Đi giao hàng Tết luôn mất hàng giờ dù quãng đường không bao xa".
Còn anh Huy An (quận 12) cho hay, mỗi lần đi từ quận 12 về trung tâm thành phố luôn mất khoảng 2 tiếng mới đến nơi vì đường nào cũng kẹt. "Thông thoáng xíu lại kẹt, hết chỗ này đến chỗ kia ùn ứ. Ngày thường thì kẹt vào giờ cao điểm, còn thời điểm giáp Tết thì kẹt nhiều thời điểm trong ngày", anh An mệt mỏi nói.
Cũng trên ứng dụng Thông tin giao thông TP. HCM cũng thường xuyên cảnh báo tình hình lượng xe lưu thông đông đúc trên các tuyến đường những ngày qua.
Xe máy chen vào làn ô tô trên đường Cộng Hòa để luồn lách di chuyển nhanh hơn.
Đường 3/2 (quận 10) ken đặc phương tiện ở cả hai chiều vào những ngày giáp Tết.
Người dân hối hả chở hàng kịp giao trước Tết nhưng khá vất vả vì dính kẹt xe ngay ngã tư Lê Hồng Phong - 3/2 (quận 10).
Trẻ em đi xe máy mệt mỏi, người đi xe buýt cũng sốt ruột vì kẹt xe.
Đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) dù không phải giờ cao điểm nhưng ai ra đường cũng phải chịu cảnh nhích từng chút một.
Do đường Nguyễn Đình Chiểu kẹt liên tục nên người đi xe máy phải leo vỉa hè để di chuyển nhanh hơn.
Đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), ai di chuyển qua đoạn này cũng rất khó chịu vì kẹt xe kéo dài từ đoạn Nguyễn Thị Minh Khai đến vòng xoay Phù Đổng.
Đường Nguyễn Thái Học (quận 1) cũng chật kín phương tiện.
Đường Nguyễn Trãi (quận 1) - nơi tập trung nhiều shop quần áo thời trang cũng đông đúc ô tô xe máy vào ngày gần Tết.
Đường Hai Bà Trưng liên tục bị ùn tắc vào mỗi buổi chiều do ô tô đỗ lòng đường, xe khách, xe du lịch di chuyển đông.
Đến khi đường phố lên đèn, nhiều tuyến đường Sài Gòn vẫn không ngớt xe, nhất là ở những "phố mua sắm" như Quang Trung, Nguyễn Trãi, CMT8...
Trí Thức trẻ