Nới chính sách visa: ‘Mở rộng cửa để người ta dễ đến nhà mình’
Mục tiêu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt ra trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026, đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (Ảnh: VGP).
Muốn tạo lợi thế du lịch quốc tế, một chuyên gia về du lịch cho rằng, việc đầu tiên phải linh hoạt trong chính sách visa, "mở rộng cửa để người ta dễ đến nhà mình". Thực tế nhiều du khách quốc tế muốn tới Việt Nam nhưng vẫn còn ngần ngại trong vấn đề này.
- 25-02-2023Hàng không muốn bỏ trần vé máy bay
- 25-02-2023Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai không có kế hoạch cắt giảm lao động
- 25-02-2023Doanh nghiệp gặp khó trăm bề, cứu cách nào (bài cuối): Đi tìm công cụ trợ lực
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ tăng hơn 30%.
Có thể thấy, du lịch nội địa đang phục hồi mạnh mẽ khi không còn rào cản Covid-19. Trong khi đó, hút khách quốc tế sẽ là một chặng đường dài để lấy lại “phong độ” như trước dịch.
Chia sẻ với Tiền Phong , lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch chuyên phục vụ khách Âu - Mỹ cho biết, để thực hiện mục tiêu 8 triệu khách quốc tế, chỉ cần Chính phủ miễn visa và miễn dài ngày, còn lại doanh nghiệp sẽ “tự lo” được.
Hiện thủ tục vẫn phải chờ đợi, chưa kể nhiều trường hợp kết quả chậm hơn thời hạn. Một bất cập khác là vấn đề thời gian. Bởi khách Tây Âu thường đi du lịch nhiều tuần trong khi Việt Nam chỉ miễn visa cho một số nước Tây Âu 15 ngày.
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - người rất nhiều lần lên tiếng về rào cản visa - nhấn mạnh: Muốn tạo lợi thế du lịch quốc tế, việc đầu tiên phải “mở rộng cửa để người ta dễ đến nhà mình”.
Trên trang cá nhân, ông Nam nói chia sẻ nhiều người (kể cả một số người làm du lịch) cho rằng Việt Nam có lợi thế ẩm thực trong việc phát triển du lịch quốc tế, rằng ẩm thực Việt ngon bậc nhất thế giới. Thậm chí từng có đề xuất quảng bá ẩm thực Việt thật mạnh trên CNN để thu hút du khách quốc tế. Đó là sự ngộ nhận. Ngon là ngon với cái miệng của ta, đâu phải với cái miệng của người ta?
Bởi người Tàu sang Việt Nam vẫn chủ yếu ăn đồ Tàu. Người Nhật vẫn chủ yếu ăn đồ Nhật. Người Hàn chủ yếu ăn đồ Hàn. Người Tây vẫn chủ yếu ăn đồ Tây. Chẳng có gì lạ cả, vì chính người Việt ra nước ngoài cũng chăm chăm tìm xem quán Việt ở đâu để đến ăn.
“Ẩm thực của một nước chưa bao giờ và không bao giờ trở thành lợi thế du lịch quốc tế. Đầu tiên phải là chuyện visa. Chính xác hơn là chuyện bỏ visa cho càng nhiều nước càng tốt!”, ông Nam thẳng thắn nêu quan điểm. Ông dẫn chứng, Singapore - nơi rất thông thoáng về visa - chỉ hơn 5 triệu dân mà mỗi năm đón du khách quốc tế còn nhiều hơn cả nước Việt Nam.
Trong báo cáo phát hành vừa qua, nhóm chuyên gia HSBC cũng cho rằng, nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc – thị trường du lịch lớn của Việt Nam - sẽ đạt 50-80% so với mức trước đại dịch (3 - 4,5 triệu du khách) là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam.
Bàn về những rào cản, PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - cho hay, trước COVID-19, Việt Nam hút khách du lịch bằng một nửa Thái Lan. Còn sau khi cố gắng đuổi kịp Thái Lan, năm 2022, Việt Nam được 2,6 triệu khách trong khi Thái Lan đón hơn 10 triệu khách.
“2023 chúng ta đặt mục tiêu đón 8 triệu khách, bằng 1/3 Thái Lan. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ lùi còn bằng 1/4 Thái Lan. Tình hình du lịch rất bi đát. Du lịch quốc tế Việt Nam thế này thì hàng không cũng khó khăn. Hơn 70% khách quốc tế là khách đi du lịch”, ông Thiên nói.
Vị chuyên gia chỉ rõ, visa là nút cản lớn trong du lịch của Việt Nam, nếu chúng ta không có thay đổi thì rất khó cạnh tranh với du lịch quốc tế. Theo ông, đã có kiến nghị lên Chính phủ là Việt Nam mở visa bằng Thái Lan, dù chưa thể một lúc bằng Indonesia hay Singapore.
Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng, miễn visa là một điều kiện tốt để thu hút khách du lịch quốc tế đến một đất nước nhưng đó “không phải là tất cả”. Việt Nam cần có chiến lược hay phương pháp cụ thể để tiếp thị, quảng bá đến các thị trường mục tiêu, đó là giải pháp quan trọng. Và điều quan trọng hơn cả, vẫn là tạo ra sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của họ.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong năm 2023, sự trở lại của thị trường Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội lớn cho các điểm đến Đông Nam Á. Song việc khách Trung Quốc chọn điểm đến nào sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: sự sẵn sàng và giá vé máy bay, chính sách visa và quy định COVID-19.
Tiền Phong