Nỗi khổ giờ mới thấm của người giàu khi bỏ tiền tỷ để sở hữu căn nhà thứ hai
Sau trào lưu sở hữu căn nhà thứ hai tại vùng ven làm nơi nghỉ dưỡng, nhiều chủ nhà cảm thấy mệt mỏi vì vừa tốn công lại tốn tiền. Theo đó, thời gian qua không ít chủ nhà phải rao bán nhưng đều phải chấp nhận giảm giá sâu.
- 12-05-2023Nhà ở xã hội “bất ngờ” tăng giá gấp đôi, cá biệt có trường hợp tăng gấp 4 lần dù đã sử dụng gần chục năm
- 11-05-2023Chiết khấu mạnh tay, tại sao nhiều người vẫn ngại "xuống tiền" mua đất nền lúc này?
- 11-05-2023TP.HCM: Xuất hiện nhiều giao dịch “bán hòa vốn, cắt giảm lợi nhuận” ở phân khúc biệt thự, nhà phố
Cách đây khoảng 3 năm, trào lưu “bỏ phố về quê” nổ ra rầm rộ. Theo đó, nhiều nhà giàu tại Hà Nội đua nhau về các vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì,... hoặc các huyện tại Hòa Bình tậu hàng nghìn m2 đất làm nhà vườn phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần.
Tuy nhiên, đến khi đưa vào sử dụng nhiều người nhận ra có nhiều thứ “khổ” hơn là hưởng thụ. Lúc này, những chủ sở hữu lại cảm thấy chán nản nhưng giữ không được, bán không xong.
Đầu tư 6 tỷ đồng cho căn nhà và vườn cây tại Ba Vì (Hà Nội) nhưng chỉ chưa đầy 3 năm sau, anh Nguyễn Tuấn Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải ngậm ngùi rao bán. “Lúc chưa sở hữu, tôi nghĩ tới viễn cảnh cuối tuần cả gia đình sẽ về ngôi nhà thứ 2 nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần cho những ngày làm việc tiếp theo. Nhưng đến nay với chỉ hơn 2 năm, chi phí thuê người chăm sóc căn nhà tốn hơn cả tiền đi thuê nghỉ dưỡng ở nơi khác. Chưa kể, đi mãi một chỗ cảm thấy không gian trở nên nhàm chán”, anh Thành nói.
Theo anh Thành, mỗi tháng gia đình anh phải chi 8 triệu đồng để thuê người trông coi, quét dọn và chăm sóc cây cối. Trong khi đó, thay vì hàng tuần về lại ngôi nhà thứ 2 như trước, từ Tết Nguyên đán tới nay gia đình anh mới chỉ về một lần duy nhất nhưng cũng mất hơn 30 triệu tiền chi phí cho căn nhà.
“Nếu không thuê người, mỗi tuần về cả nhà lại phải tập trung quét dọn, chăm sóc cây cối, tôi cảm thấy khổ không giống đi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nếu rao bán trong thời điểm này người mua chỉ trả khoảng 4 tỷ đồng, tôi lỗ nặng”, anh Thành nói.
Đồng cảnh ngộ với anh Thành, cuối năm 2020, khi bạn bè xung quanh ai đổ xô để sở hữu một ngôi nhà thứ 2 ở Hòa Bình, chị Phương Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) mạnh dạn mua một lô đất rộng 1.500m2 ven hồ tại Hoà Bình với mức giá 3,5 tỷ đồng và chi thêm 1,5 tỷ đồng tiền xây dựng. Chị Nhung kỳ vọng, cuối tuần cùng gia đình và bạn bè tới ngắm hồ, nướng BBQ, còn những ngày khác sẽ cho sinh viên thuê trải nghiệm.
“Ban đầu, môi giới cũng tư vấn ngày nào tôi không ở có thể cho các nhóm thuê lại. Khoản tiền này có thể bù đắp chi phí phục vụ căn nhà thứ hai của tôi. Thời gian đầu, gia đình tôi tuần nào cũng về đây để nghỉ ngơi, sau dần bận rộn công việc, hơn nữa cũng cảm thấy nhàm chán nên ít về. Còn cho thuê lại đồ đạc hỏng hóc rất nhiều, tôi phải bỏ tiền ra để sửa chữa liên tục. Thêm nữa, tiền thuê người dọn dẹp, trông nom mỗi tháng cũng tốn thêm 9 triệu đồng”, chị Nhung nói.
Theo chị Nhung, do căn nhà thứ 2 của chị gần núi nên rất lắm côn trùng, mùa mưa bão cây cối gãy rất nguy hiểm. Đồng thời, trời về tối chỉ có lác đác ánh điện từ xa do xung quanh dân cư thưa nên gia đình chị có phần thấy “sợ”.
“Với những lý do trên cùng với chi phí để duy trì căn nhà gần chục triệu đồng mỗi tháng tôi thấy đắt hơn rất nhiều so với tự đặt homestay ở vùng ven nghỉ dưỡng. Theo đó, tôi bàn với chồng chấp nhận bán lỗ căn nhà đi”, chị Nhung nói.
Tuy nhiên, sau 2 tháng rao bán, căn nhà của chị Nhung chỉ có vài người tới xem, song bị ép giá rất sâu xuống còn 2,3 tỷ đồng. “Bán đi thì nhà tôi lỗ nặng, để lại mà không thuê người dọn dẹp khách tới mua thấy hoang vu bừa bộn họ lại tiếp tục ép giá thêm và căn nhà cũng xuống cấp rất nhanh. Bây giờ tôi thấy giữ không được bán cũng không xong”, chị Nhung than thở.
Thực tế, thời gian qua rất nhiều nhà giàu tại Hà Nội chi hàng tỷ đến chục tỷ đồng để sở hữu căn nhà thứ hai. Họ mong muốn đây sẽ là không gian để nghỉ ngơi cuối cùng, đồng thời là món đầu tư thêm. Tuy nhiên, sau này các chủ sở hữu cảm thấy mệt mỏi hơn vì phải chăm lo thêm một căn nhà nữa. Trong khi đó, nếu để cho thuê lại cần có đội ngũ chuyên nghiệp quản lý. Đó là lý do khiến họ “cả thèm chóng chán”.
Bên cạnh đó, hiện nay thị trường bất động sản chung đã chững lại, hầu hết các phân khúc đều bị giảm giá. Do vậy, nhiều chủ nhà rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bán rẻ thì tiếc nhưng giữ lại không sử dụng mất thêm chi phí.
Nhịp sống thị trường