Nói không với tiết kiệm thì cuộc sống sẽ thế nào? Câu chuyện của 2 bạn trẻ này sẽ cho chúng ta câu trả lời
“Đợi đến lúc cần tiền mới tiết kiệm thì đã là quá muộn”.
- 28-01-202442 tuổi, quyết định bỏ việc vì thấy nhân viên mới được thăng chức vượt cấp, tôi hối hận vì 1 phút bốc đồng, giờ phải sống bằng tiền tiết kiệm
- 27-01-2024Tôi nhận thấy những người giỏi tiết kiệm tiền đều có 10 thói quen này khi chi tiêu
- 26-01-202430 tuổi nhưng bị nợ lương, hết sạch tiền tiết kiệm vì rơi vào lừa đảo: Cô gái phân vân có nên về quê ăn Tết hay không?
Cảm giác được cầm trong tay món đồ mình thích có sung sướng, hạnh phúc không? Câu trả lời chắc chắn là có. Nếu so sánh cảm giác này với trạng thái "vì đã đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm nên chẳng còn tiền mua sắm linh tinh nữa", có lẽ nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ chọn phương án "thích là mua" vì rõ ràng, nó mang lại cảm giác thoải mái tức thời, vui hơn hẳn việc cứ phải chắt bóp, kiểm soát chi tiêu từng đồng một.
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi cái giá của việc không tiết kiệm là gì hay chưa? Câu chuyện của 2 bạn trẻ dưới đây sẽ phần nào giúp bạn tìm được đáp án cho câu hỏi này.
Thùy Linh (27 tuổi): Tự tin "chốt sổ" năm cũ bằng đơn xin nghỉ việc, vì có đủ tiền để sống trong 6 tháng mà không cần đi làm
"Không cái dại nào bằng nghỉ việc sát Tết" là lời chúng bạn đã cố gắng nhồi vào đầu Thùy Linh trước khi cô nộp đơn xin nghỉ việc vào ngày 31/12 vừa qua. Tuy nhiên, Thùy Linh không nghe và cũng không có đủ động lực để cố làm việc thêm 2 tháng nữa, chỉ để nhận vài đồng thưởng Tết.
Người không rõ nội tình câu chuyện có thể cảm thấy quyết định của Thùy Linh có phần hơi bồng bột, nhưng cô bạn 27 tuổi này lại nghĩ khác.
"Nếu môi trường làm việc lành mạnh, sếp không đì, đồng nghiệp không nói xấu lẫn nhau thì mình cũng chẳng dại gì mà xin nghỉ việc ngay sát Tết. Từ khi bộ phận thay đổi tới 80% nhân sự, đồng nghiệp cũ của mình đã nghỉ gần hết vì trưởng nhóm mới đì đẹt để kéo người của họ về, chỉ còn mình và 1 người nữa là thuộc nhóm cũ. Suốt từ lúc ấy cho đến lúc mình nộp đơn xin nghỉ là gần 6 tháng, ngày nào đi làm cũng như đi đày nhưng mình vẫn phải cố chịu" .
Sở dĩ, Thùy Linh phải bấm bụng chịu cảnh "đi làm như đi đày" gần nửa năm trời vì cô bạn này hiểu rằng nếu nghỉ việc ngay, tiền tiết kiệm không có nhiều mà chưa xin được việc mới thì cũng không ổn.
"Mỗi tháng, cả tiền thuê nhà lẫn tiền ăn uống, đi lại và mua sắm của mình hết khoảng 9 triệu. Lúc bắt đầu chán nản môi trường làm việc, mình mới có khoảng 22 triệu tiền tiết kiệm thôi, không đủ để sống trong 6 tháng nếu không may thất nghiệp, nên dù chán, mình vẫn không dám nghỉ. Đến khi tài khoản tiết kiệm có 54 triệu là mình nghỉ ngay" - Thùy Linh khẳng định.
Giờ này, nhìn lại quyết định ấy của mình, Thùy Linh cho biết bản thân vẫn có chút hối hận.
"Mình hối hận vì đã không tiết kiệm hết sức có thể từ trước, nên mới phải chịu cảnh đi làm mà cứ như đi hành hạ tinh thần suốt nửa năm. Bây giờ nghĩ lại những tháng ngày còn làm ở công ty cũ mà mình vẫn sởn da gà" - Thùy Linh kể lại và khoe rằng trộm vía, cô cũng đã tìm được công việc mới sau 20 ngày nghỉ công ty cũ.
Phương Như (26 tuổi): Phải rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để trả tiền viện phí vì tài khoản lúc đó còn chưa đủ 1 triệu
Cách đây hơn 1 năm, Phương Như bị vỡ xương hàm vì tai nạn xe máy. Chuyện không may này vừa là cú shock tinh thần, vừa là bài học về thói quen tiết kiệm - điều mà trước đó, cô bạn này luôn dửng dưng mặc kệ, chẳng mấy quan tâm.
"Mình vẫn nhớ ngày mình bị tai nạn là 28/10/2022. Lúc được bê vào viện, mình vẫn tỉnh vì gãy xương hàm mà, đau đến mức không ngất đi được cho đỡ đau luôn ấy. Cấp cứu giảm đau được khoảng 1 tiếng thì bố mẹ mình từ quê ra, ký giấy phẫu thuật và nộp viện phí cho mình. Đến lúc mình tỉnh lại, mình mới nhắn tin cho em gái và mới biết là tiền phẫu thuật của mình hết 30 triệu, bố mẹ phải đi vay họ hàng mới có đủ.
Lúc đó, mình còn không có bảo hiểm nên cũng chẳng có hy vọng gì về việc được hoàn tiền viện phí" - Phương Như chia sẻ và cho biết thêm lúc đó, tài khoản của cô còn chưa có nổi 1 triệu vì mùng 5 hàng tháng mới là ngày Phương Như được nhận lương.
"Nghe em gái nói thế xong mình bật khóc vì vừa giận mình, vừa thương bố mẹ. Thú thật là lương của mình không quá cao nhưng cũng không thấp, mình cũng không phải nuôi em hay nuôi bố mẹ, vậy mà 30 triệu cũng không có nổi dù đã đi làm hơn 5 năm" - Phương Như bộc bạch.
Sau đó, để đỡ cảm giác áy náy với bố mẹ, Phương Như quyết định nhờ bạn thân đi rút 30 triệu tiền mặt từ thẻ tín dụng để gửi trả bố mẹ.
Tạm kết
Dù không quen biết nhưng cả Thùy Linh và Phương Như đều có quan điểm giống nhau khi nhắc tới chuyện tiết kiệm. Sau khi trải qua biến cố và những tháng ngày sống mệt chỉ vì không có tiền tiết kiệm, hai cô bạn này khẳng định: "Đợi đến lúc cần tiền mới tiết kiệm thì đã là quá muộn" .
Hiện tại, Thùy Linh đã tiết kiệm ở mức tối đa có thể thay vì tiết kiệm một cách nửa vời như xưa: "Vì chưa có gia đình, chưa có áp lực phải chăm sóc cho con cái nên hiện tại, mỗi tháng mình tiết kiệm tới 50% thu nhập. Trước đây, con số ấy chỉ là 5-10% thôi. Sau nửa năm đi làm mà không cười nổi ngày nào, mình nhận ra phải có tiền tiết kiệm, mình mới tự tin sống tốt, sống vui được" .
Còn Phương Như, sau vụ tai nạn có phần nghiêm trọng ấy, việc đầu tiên mà cô bạn này làm là thắt chặt chi tiêu để trả hết nợ thẻ tín dụng và sau đó là mua 1 gói bảo hiểm phòng thân.
"Mình mất 6 tháng để trả hết 30 triệu rút ra từ thẻ tín dụng và mất thêm 6 tháng nữa để tiết kiệm đủ 18 triệu để ký hợp đồng bảo hiểm vào đầu tháng 2 tới đây" - Phương Như chia sẻ.
Sau khi nghe câu chuyện của 2 cô bạn này, bạn đã hiểu cái giá của việc nói không với tiết kiệm là gì rồi chứ? Nó không chỉ đơn thuần là bản thân chúng ta phải chịu khổ, không được sống tự do, thoải mái, mà đôi khi, nó còn làm cả bố mẹ và người thân của chúng ta khổ theo. Như vậy, có đáng không?
phunumoi.net.vn