MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo của ngành sản xuất nhôm trong nước trước mối nguy từ nhôm định hình nhập khẩu từ Trung Quốc

21-11-2018 - 11:00 AM | Doanh nghiệp giới thiệu

Nhôm định hình Trung Quốc được xuất khẩu ồ ạt với mức giá rẻ buộc các nước phải đưa ra các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp để bảo vệ sản xuất nhôm trong nước. Trước bối cảnh này, ngành sản xuất nhôm Việt Nam cũng chịu sức ép không nhỏ.

Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu nhôm

Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan tính đến tháng 10/2018 Việt Nam đã nhập khẩu 53,394 tỷ USD hàng hóa từ nước này, chiếm 27,41% so với tổng giá trị nhập khẩu, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thị trường nhôm định hình nhập khẩu đã có nhiều biến động. Theo một số đánh giá, thị phần nhôm Trung Quốc đang tăng đột biến, chỉ trong năm 2018 đã tăng từ 10% lên 30%. Trái ngược với con số này, các nước được đánh giá cao về chất lượng nhôm định hình như Đức, Úc, Đài Loan... chỉ chiếm 2% thị phần.

Theo Hiệp hội Nhôm thế giới, Trung Quốc là nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Đầu năm 2018, nước này đang dư cung với mức tồn kho lên đến 16 triệu tấn. Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống Kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ trong 4 tháng đầu năm nước này đã sản xuất 10,89 triệu tấn nhôm. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhôm trong thời gian tới, tác động lớn đến thị trường nhôm thế giới, trong đó Việt Nam chịu sức ép không nhỏ.

Các nước thực hiện biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước

Trước bối cảnh này, nhiều quốc gia đã có động thái can thiệp để hạn chế sức ảnh hưởng của nhôm nhập khẩu Trung Quốc và bảo vệ nhôm sản xuất trong nước. Đáng chú ý là Hoa Kỳ, nước này liên tục thực hiện các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm định hình từ Trung Quốc.

Ngày 08/03/2018, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 vì lý do an ninh quốc gia. Đầu tháng 11/2018 Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ tăng mức thuế áp dụng cho sản phẩm hợp kim nhôm Trung Quốc với mức dao động từ 96,3% đến 176,2%.

Bên cạnh Hoa Kỳ, các quốc gia khác như Australia, Colombia, Paraguay, Canada... cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự để đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước.

Ứng phó với cuộc chiến thương mại, phía Trung Quốc được cho là liên tục phá giá đồng nhân dân tệ. Từ thời điểm 2017 đến nay đồng nhân dân tệ đã giảm 5,98% tạo điều kiện để nhôm nhập khẩu Trung Quốc vẫn sở hữu mức giá rẻ dù bị áp thuế cao. Chưa hết, vào tháng 9/2018 nước này đã tăng tỷ lệ hoàn thuế với hàng hóa xuất khẩu. Các sản phẩm nhôm đã được tăng mức hoàn thuế từ 9 - 13%, nhằm kích thích các doanh nghiệp ngoại nhập khẩu nhôm từ nước này.

Nỗi lo của ngành sản xuất nhôm trong nước

Quay lại với thị trường nhôm Việt Nam, để bắt kịp sức tăng trưởng của thị trường bất động sản, trong 2 năm gần đây ngành sản xuất nhôm trong nước liên tục được đẩy mạnh, hiện đã đủ năng lực để đáp ứng cho tổng cầu. Tuy nhiên, trước sức ép từ nhôm nhập khẩu Trung Quốc có mức giá cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp buộc phải sản xuất dưới mức công suất thiết kế tới 30 - 40%.

Trong khi sản phẩm nhôm trong nước phải chịu kiểm định nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất và kiểm tra xuất xưởng thì sản phẩm nhôm Trung Quốc không chịu bất cứ kiểm định nào. Điều này đã tạo điều kiện cho các sản phẩm nhôm giá rẻ kém chất lượng xâm nhập thị trường. Không ít nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận mà ưu tiên nhập khẩu sản phẩm nhôm này thay vì sản phẩm nhôm chất lượng trong nước. Để duy trì, các doanh nghiệp Việt phải hạ giá thành sản phẩm khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Trước hiện trạng nhôm Trung Quốc tăng xuất khẩu, hạ giá thành và tăng mức hoàn thuế, liệu các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam sẽ được bảo vệ như doanh nghiệp của các nước Hoa Kỳ, Canada, Australia, Colombia…?

Giải pháp đề ra là cần giảm nhập khẩu, siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát, chống bán phá giá đối với nhôm định hình từ Trung Quốc, đồng thời, đẩy mạnh sản xuất và phân phối nhôm trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất nhôm cũng cần tăng ý thức tự vệ, bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu quy trình sản xuất để hạ giá thành, thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên