Nỗi lo ‘gà đẻ trứng vàng’ vào tay đại gia ngoại
Hôm qua 17-12, công ty có liên quan đến tỉ phú Thái Lan đã chính thức tung tiền đăng ký mua cổ phần của hãng Bia Sài Gòn.
- 09-12-2017Đại gia ngoại tấn công món ăn đường phố Việt
- 06-10-2017Đại gia ngoại nhảy vào, giá xăng dầu cạnh tranh hơn
- 17-06-2017Giải mã nguyên nhân loạt đại gia ngoại “mở hầu bao” chiếm thị phần địa ốc Việt
Sự kiện một doanh nghiệp của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đăng ký mua cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang tạo ra cơn sốt trên thị trường những ngày qua. Từ sự kiện này, nhiều người lo ngại những thương hiệu Việt nổi tiếng hay còn gọi nôm na là những “con gà đẻ trứng vàng” như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk… có thể sẽ biến mất .
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (ảnh), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, người có thâm niên cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ. Ông Phú cũng là người đầu tiên mở siêu thị tại Hà Nội.
Đại gia Thái “bao sân” từ sản xuất đến phân phối
. Phóng viên: Những ngày qua, thị trường xôn xao trước thông tin Công ty Vietnam Beverage của tỉ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi muốn mua cổ phần Sabeco . Ông bình luận gì về sự kiện này?
+ Ông Vũ Vinh Phú: Các nhà đầu tư Thái Lan có thế mạnh riêng, đó là công nghệ, vốn, sản xuất và cách tiếp cận thị trường Việt Nam (VN) trong khi thị trường Thái Lan đã có sự bão hòa. Quan trọng hơn nếu thương vụ gần 5 tỉ USD này thành công sẽ khẳng định vị thế của các ông chủ người Thái Lan trên đất VN và sẽ làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp (DN) VN bị người Thái thâu tóm.
Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh khó cưỡng lại được việc sáp nhập, mua bán DN. Đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng câu chuyện của người Thái trên đất Việt cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại chính chúng ta trong con đường hội nhập.
. Nhiều người lo ngại khi các nhà đầu tư ngoại liên tục đổ tiền thâu tóm thì đa phần DN nội nổi tiếng sẽ rơi vào tay họ và mất dần thương hiệu Việt?
+ Hội nhập đã mang lại cơ hội cho bán lẻ VN có điều kiện tiếp cận với các mô hình kinh doanh hiện đại của các tập đoàn lớn trên thế giới. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi về cung cách phục vụ chuyên nghiệp và quỹ hàng hóa của các nước xâm nhập vào thị trường VN, quyền lựa chọn các nhà cung cấp cho mình, cho gia đình thuộc về các “thượng đế”.
Thực tế cho thấy nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào VN bằng nhiều con đường khác nhau như đầu tư trực tiếp, liên doanh, mua bán sáp nhập,… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại sử dụng nhiều chiêu thức như sử dụng nhiều pháp nhân do một nhà đầu tư núp bóng để mua cổ phần; liên kết để tạo lợi thế chi phối hay như nhà đầu tư nước ngoài “đội lốt” DN nội để chiếm cổ phần cao hơn quy định. Từ đó nhằm mục đích thâu tóm các DN nội có giá trị vốn lớn như nước giải khát, bia, sữa…
. Ông có thể nói cụ thể hơn về vụ đại gia Thái thâu tóm Bia Sài Gòn?
+ Câu chuyện Vietnam Beverage muốn mua Sabeco là rõ nhất. Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại VN và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd - công ty bia do Tập đoàn ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại Hong Kong.
Nhiếu ý kiến lo ngại thương hiệu Bia Sài Gòn sẽ biến mất sau khi rơi vào tay đại gia nước ngoài. Ảnh: HTD
Đối chiếu với các quy định hiện hành, Vietnam Beverage có vốn của nước ngoài nắm giữ 49% thì không thuộc đối tượng áp dụng của quy định tỉ lệ sở hữu nước ngoài. Điều này có nghĩa là thông qua Vietnam Beverage họ có quyền kiểm soát, chi phối DN nội rồi.
Cũng cần nói thêm, trong 700 điểm siêu thị tại VN có đến 100 điểm của nhà đầu tư ngoại, trong 100 điểm đó thì nhà đầu tư Thái Lan chiếm 60%. Những tên tuổi phải nhắc đến đó là Metro, Big C, Nguyễn Kim, Phú Thái, CP... Nói cách khác, nhà đầu tư Thái Lan chiếm trọn từ sản xuất đến phân phối.
Khi DN nội rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ do họ nắm giữ. Bài học thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate mua lại vẫn còn đó.
“Đại gia trong hẻm” đặt mua
Chiều 17-12, Bộ Công Thương đã chính thức công bố kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần tại Sabeco. Theo đó, tính đến 16 giờ cùng ngày, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco gồm hai nhà đầu tư.
Trong đó, một cá nhân đăng ký mua 20.000 cổ phần, số tiền đặt cọc là 640 triệu đồng; một tổ chức trong nước đặt cọc là 484 triệu USD, thông qua bảo lãnh.
Tổ chức đăng ký đặt cọc chính là Công ty TNHH Vietnam Beverage. Vietnam Beverage thành lập tháng 10-2017, có trụ sở tại Hà Nội, được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd - công ty bia do Tập đoàn ThaiBev sở hữu 100%.
Theo kế hoạch bán vốn nhà nước tại Sabeco, Nhà nước sẽ bán 53,59% vốn điều lệ của DN này với giá chào bán khởi điểm 320.000/cổ phiếu. Với mức giá tối thiểu này, nhà chức trách dự tính sẽ thu về gần 5 tỉ USD, tương đương khoảng 110.000 tỉ đồng.
Nhìn nhận lại chính mình
. Tại sao nhà đầu tư ngoại nói chung, nhất là nhà đầu tư Thái Lan, thường chọn cách thức mua lại các thương hiệu mạnh tại VN?
+ DN ngoại muốn mở siêu thị cần phải trải qua nhiều thủ tục đăng ký và phức tạp nên họ đã chọn con đường sáp nhập, thôn tính. Đó là cách nhanh nhất chiếm lĩnh thị trường.
Thực ra, chính sách pháp luật còn tạo ra nhiều kẽ hở để DN ngoại lách luật. Chẳng hạn yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT, được thiết kế như một công cụ cho phép VN kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của một nhà bán lẻ nước ngoài tại VN và giới hạn số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể). Đây được xem là một trong những điều kiện để thực hiện cấp phép siêu thị, đại siêu thị… nước ngoài tại VN nhưng cho đến nay hiệu quả của ENT rất thấp.
Đặc biệt, theo tôi, cái đáng trách là DN Việt chậm lớn, không có chiến lược. Trong khi mất bán lẻ nghĩa là mất sản xuất và khi đó các nhà đầu tư ngoại có quyền quyết định giá bán, tạo sức ép lên DN nội. Nói một cách thẳng thắn chính DN Việt có khi tự hại nhau, thiếu liên kết, chậm đổi mới về nhiều mặt, tự “hiến dâng” cho DN ngoại.
. Vậy phải làm gì để các DN trong nước mạnh lên, có chỗ đứng trên sân nhà?
+ Nhà nước cần nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của hệ thống phân phối nội địa, nếu mất hệ thống phân phối, tức là mất cả nền sản xuất quốc gia. Từ nhận thức đúng đến hành động cần đầu tư hợp lý và hiệu quả, cơ sở hạ tầng cho thương mại; giảm các chi phí sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
VN chưa có nhiều tập đoàn phân phối mạnh, có đủ sức mạnh để dẫn dắt thị trường nội địa. Bản thân các DN nội phải có sự liên kết giữa sản xuất và phân phối một cách bền vững để cả hai cùng thắng. Đó là con đường cạnh tranh khôn ngoan và hiệu quả nhất cho các DN.
. Xin cám ơn ông.
Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc DN ngoại thâu tóm Sabeco rất có thể sẽ làm lũng đoạn thị trường, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, cho rằng thị trường bia VN hiện nay đã có nhiều DN hàng đầu thế giới tham gia như Heineken, Carslberg, AB Inbev… đang cạnh tranh quyết liệt. Đồng thời, VN đã ban hành Luật Cạnh tranh với các quy định về cạnh tranh và chống độc quyền sẽ đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch.
Ông Hoài cho biết thêm trong quyết định của Bộ Công Thương cũng đã có quy định chi tiết để thực hiện như: Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán bảy ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.
“Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật Cạnh tranh. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ việc vượt các thị phần kết hợp trên thị trường bia của nhà đầu tư và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng” - ông Hoài cho biết.
Sẽ không xóa thương hiệu Việt?
Nhiều ý kiến lo ngại khi các nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường thì đa phần DN nội nổi tiếng sẽ rơi vào tay họ và mất dần thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng giá trị thương hiệu chiếm tỉ trọng lớn trong giá trị DN.
“Vì vậy, không có nhà đầu tư nào khi mua DN sẽ xóa thương hiệu mà họ phải có trách nhiệm phát triển DN để sinh lời trên cơ sở thương hiệu đã mua. Nhà nước đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ VN theo quy định của pháp luật VN và các cam kết quốc tế” - đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Pháp luật TPHCM