MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo gia tăng nợ xấu ngân hàng

18-06-2020 - 19:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 1/2020 khá tốt và hầu hết các ngân hàng tiếp tục đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay, song nỗi lo nợ xấu đã hiện hữu.

Quý 1/2020 có sự phân hóa kết quả lợi nhuận rõ rệt giữa 2 khối NHTM có vốn Nhà nước và NHTM tư nhân.

Giấu bớt lợi nhuận

Nhóm big four (Vietcombank, Agribank, BIDV và Agribank) đều báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do chủ yếu là tăng trích lập dự phòng mạnh, tăng chia sẻ khó khăn với các thành phần trong nền kinh tế. Nhóm này chiếm khoảng 1/2 thị phần tín dụng của toàn nền kinh tế và do đó, các chương trình hỗ trợ đăng ký theo gói hay theo quy mô dư nợ của các tổ chức này cũng chiếm phần lớn trị giá của gói 300.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối NHTM tư nhân hầu hết tiếp tục báo tăng trưởng tốt về lợi nhuận. Có những tổ chức lãi gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, xóa sạch nợ như VietCapital Bank, VietBank, hay tăng trưởng lợi nhuận đi cùng tăng trích lập dự phòng (TLDP) như Techcombank đã tăng TLDP tới 4,6 lần, TPBank 109%, VPBank 26,1% (riêng ngân hàng mẹ trên 50%), MB Bank (117%)…. Ngoài ra cũng có 1 số TCTD đã báo cáo suy giảm lợi nhuận quý 1 so với cùng kỳ năm trước như PG Bank (giảm 22,1%), Nam Á Bank (53%), Kienlongbank (giảm 23% đi cùng tăng TLDP lên 37 lần)…

Một nguồn tin cho biết nhiều TCTD trong quý 1 thậm chí còn phải cân nhắc hạch toán sao để "thoát kẹt" giữ việc công bố lợi nhuận đảm bảo hài lòng cổ đông và "giữ giá" cổ phiếu, nhưng cũng không báo lãi quá cao đi ngược bối cảnh khó khăn chung của thị trường. Việc hạch toán một phần chi phí lương của nhân viên trong cả 3 quý cuối năm vào quý 1 của ACB, đã khiến chi phí hoạt động hơn hơn 32% và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế thấp xuống có thể là một lựa chọn. SSI Reseach tính toán ACB sẽ tăng lãi thêm 26%, nếu không tính chi phí nhân viên 3 quý cuối năm và lãi từ bán trái phiếu Chính phủ.

Nợ xấu sẽ ra sao?

Hạch toán chi phí nhân viên được cho là một thủ thuật kế toán làm tăng chi phí hoạt động trong quy định cho phép để giấu/giảm bớt lợi nhuận. Mặc khác, đây lại là bệ đỡ, nguồn bù đắp để giúp ngân hàng chia đều lợi nhuận cho các quý khi cần thiết.

Nhưng kể cả khi có lợi nhuận bị "giấu bớt", mà một phần thu nhập đến từ ghi nhận tăng trưởng nhu cầu của thị trường trong dịp Tết, những bất lợi của ngân hàng đến nay đã bắt đầu càng rõ ràng hơn. Cùng với tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp, cơ quan điều hành thị trường đánh giá khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ, tương đương 23% toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động ngân hàng. Trong đó, dư nợ của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng chiếm tỷ trọng lớn như công nghiệp chế biến - chế tạo; khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ôtô phụ tùng...

Cùng với đó, khó khăn của các doanh nghiệp SME – khối chiếm 97% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng đang hiện hữu và có nguy cơ làm tăng nợ xấu của các ngân hàng.

Điều tra của VCCI về tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp chỉ ra 85% các doanh nghiệp đã bị thu hẹp thị trường, khiến 60% doanh nghiệp gặp các vấn đề về dòng tiền. Điều này đẩy các doanh nghiệp đứng trước "bờ vực" kinh doanh và thời điểm cầm cự tính theo từng tháng. 50% doanh nghiệp cho biết còn khả năng duy trì kinh doanh trong vòng 6 tháng. Thậm chí, 30% doanh nghiệp chỉ có thể trụ lại trong khoảng 3 tháng nữa. Số liệu được công bố trước khi Việt Nam tích cực thiết lập trạng thái bình thường mới, nhưng theo quan sát của giới chuyên môn, đến hiện tại vẫn chưa ghi nhận sự "chuyển động ngược", tích cực thực sự của khối này.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên