Nỗi lòng của "bác sĩ 91" đi chống dịch từ Đà Nẵng, Bắc Giang đến TP.HCM: "2 cái sinh nhật của con qua rồi, tôi đều thất hứa với nó..."
Hai năm bùng phát dịch Covid-19 là 2 năm gần như vắng nhà biền biệt của vị "bác sĩ 91". Có đôi lúc, BS. Linh tự cảm thấy mình chưa thể trọn vẹn với gia đình, nhất là 2 lần sinh nhật của đứa con trai 6 tuổi, bác sĩ đều thất hứa với con…
"Tôi luôn mong đến ngày được nắm tay dẫn con vào lớp 1"
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi gặp lại BS.CK2 Trần Thanh Linh – Trưởng khoa ICU, BV Chợ Rẫy, người được mọi người gọi với cái tên thân thương "bác sĩ 91" tại BV Hồi sức Covid-19, nơi BS. Linh đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc, chữa trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi gặp lại BS.CK2 Trần Thanh Linh – Trưởng khoa ICU, BV Chợ Rẫy, người được mọi người gọi với cái tên thân thương "bác sĩ 91" tại BV Hồi sức Covid-19, nơi BS. Linh đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc, chữa trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Bác sĩ Trần Thanh Linh - "bác sĩ 91" luôn túc trực tại BV Hồi sức Covid-19
Qua 4 đợt bùng phát dịch, BS. Linh có mặt ở hầu hết các điểm nóng cam go nhất như Đà Nẵng, Gia Lai, Bắc Giang và giờ là TP.HCM, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết của các bệnh nhân vô cùng mong manh.
19h tối, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, BS. Linh đi từng phòng bệnh ở khoa ICU 2A, tận tay kiểm tra, điều chỉnh thông số cho các bệnh nhân nguy kịch.
Mỗi ngày, bác sĩ Linh phải ra vào các khoa, phòng điều trị để kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân
Tiếng máy thở, tiếng những bước chân cứ dồn dập. Hơn 2 tháng có mặt tại BV Hồi sức Covid-19, bác sĩ Linh cùng đồng đội chưa có khái niệm về mặt thời gian, bất kể là đêm hay ngày. 24 giờ mỗi ngày là một cuộc chiến mới xung quanh các ca bệnh, những hạnh phúc riêng tư nhất cũng tạm thời được các bác sĩ gác lại để cùng nhau nỗ lực từng khoảnh khắc, giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân.
Đã 4 tháng trôi qua, kể từ ngày rời TP.HCM để ra Bắc Giang tham gia hỗ trợ chống dịch, bác sĩ Linh vẫn chưa thể về nhà. Trong tâm thức của một người chồng, người cha, có đôi lúc bác sĩ Linh cảm thấy chưa thể trọn vẹn với gia đình.
"Tôi nhớ cái ngày mình đi Bắc Giang là 26/5, 21 ngày sau tôi quay về để làm nhiệm vụ của một người con Sài Gòn, triển khai đơn vị hồi sức tại BV Chợ Rẫy rồi ra đây luôn.
Tôi đã từng nói với thằng bé nhỏ cách đây 1 năm, thời điểm tháng 9 này khi tôi đang cách ly sau chiến dịch ở Đà Nẵng. Cái mong muốn lớn nhất của một người cha xa nhà thường xuyên là được nắm tay con đi vào lớp 1.
Tôi luôn mong đến ngày đó của con mình, tôi sẽ được nắm tay dẫn con đi. Nhưng rồi dịch lại bùng phát, tôi vẫn chưa thể nào thực hiện được điều đó.
2 cái sinh nhật của con rồi, tôi đều thất hứa với nó. Từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 7 năm nay, người cha chưa tổ chức được sinh nhật cho con mình", bác sĩ Linh tâm sự.
Đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện luôn hết mình trong việc cứu chữa bệnh nhân
Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong suy nghĩ của BS. Linh, bởi hơn ai hết, bác hiểu được một khi người làm nghề y đã ra trận, nhất là lúc dịch bệnh căng thẳng, việc hi sinh là điều không thể tránh khỏi.
"Nếu tôi không hi sinh thì đàn em của tôi sao tiếp bước, vững tin cùng tôi để vào trận địa được. Đó là lý do tại sao mỗi ngày tôi phải liên tục vào buồng bệnh khám, sự có mặt của tôi phần nào đó là động lực, giúp đàn em của tôi tự tin, xông pha, cùng nhau chiến đấu", BS. Linh nói.
Anh em luôn căng thẳng, bất lực khi thấy bệnh nhân "đói khí"
Những ngày đầu có mặt tại BV Hồi sức Covid-19, đội ngũ y bác sĩ đều trong tình trạng căng thẳng, quá tải khi đối diện với bài toán chia lửa, giải phóng bệnh nhân nặng cho các bệnh viện tầng dưới.
Cuộc chiến đầy cam go, giành giật từng hơi thở cho các ca bệnh nặng
Đó là những con số tử vong, số ca nguy kịch, hàng trăm cuộc gọi điện thoại cầu cứu mỗi ngày từ khắp nơi trong khi nhân lực, trang thiết bị của bệnh viện chưa thể nào đáp ứng được hết.
"Có những lúc tôi cảm thấy bất lực, cảm thấy cánh tay mình không đủ dài để ôm được nhiều hơn nữa. Khi vào đây bệnh nhân nguy kịch, nhìn thấy bệnh nhân "đói khí" rồi nhiều bệnh nhân tử vong trong cảnh cô đơn, không có người thân bên cạnh… đến khi đi hỏa táng xong mới báo cho gia đình đem tro cốt về, những khoảnh khắc như vậy khiến mọi người rớt nước mắt.
Những tiếc nuối khi cánh tay không đủ dài, đủ sức để cứu sống nhiều người hơn nữa
Thật sự có nhiều đêm về tôi không ngủ được, gần như thức tới sáng để vào lại buồng bệnh. Bao nhiêu bệnh nhân nặng vẫn còn đó, bao nhiêu mất mát tang thương còn đó. Nó bắt buộc tôi phải quyết tâm để làm, không cho phép tôi từ bỏ cái gì nữa. Dù có vất vả, đối diện với nhiều nguy cơ nhưng mọi người đều quyết tâm trụ vững để làm sao cố gắng cứu được nhiều bệnh nhân nhất, đó là trách nhiệm của người làm y tế", BS. Linh xúc động.
Mặc dù các y bác sĩ ở BV Hồi sức Covid-19 đa phần là lực lượng trẻ, không phải ai cũng thuộc chuyên khoa hồi sức nhưng với một sự quyết tâm cao độ, không quản ngại ngày đêm giúp cho rất nhiều bệnh nhân hồi sinh trước lưỡi hái của tử thần.
Các bệnh nhân khỏe mạnh, hồi phục để xuất viện về nhà là niềm an ủi, động viên lớn nhất đối với các y bác sĩ
"Khi mà chúng tôi cứu được những người bệnh nặng, nguy kịch, giúp họ tỉnh táo, người ta khóc, chắp tay lạy chúng tôi. Rồi khi nhìn thấy những cụ già lớn tuổi, những người mẹ mang thai khi chiến thắng được bệnh tật, xuất viện về nhà…, đó là niềm vui, động lực to lớn để chúng tôi lao vào làm việc mỗi ngày.
Tôi chỉ mong là có thể cứu được nhiều bệnh nhân hơn nữa để bù đắp lại cái khoảnh khắc mà tôi cảm thấy yếu đuối nhất, muốn gục ngã nhất. Phải làm sao sớm dập được dịch một cách nhanh nhất", Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 tâm sự.
Thời gian đầu khi triển khai BV Hồi sức Covid-19, có những đêm 11h - 12h, BS. Linh cùng đồng nghiệp đến các BV Trưng Vương, Củ Chi để làm ECMO, cái không khí vắng lặng, đường phố chỉ còn vài ba chiếc xe công vụ khiến BS. Linh đau đớn. Mấy chục năm gắn bó, chưa bao giờ BS. Linh lại thấy Sài Gòn tang thương đến vậy. Điều đó càng thôi thúc đội ngũ y bác sĩ cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa để chữa trị, giúp các bệnh nhân hồi phục.
Mong sớm đóng cửa, giải phóng bệnh viện
Sau 2 tháng đi vào hoạt động, BV Hồi sức Covid-19 đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân nặng, nguy kịch tại TP.HCM. Hiện đã có khoảng 50% được cho xuất viện và chuyển giảm độ bệnh xuống tầng dưới.
Những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi số lượng bệnh nặng đã giảm hơn 1/3 so với trước đây
Đặc biệt, theo BS. Trần Thanh Linh, trong vòng 10 ngày qua thì số lượng bệnh nặng đến bệnh viện đã giảm, con số tử vong cũng vậy. Tuy nhiên, áp lực vẫn còn đó khi mà bệnh viện vẫn có hàng trăm ca đang nguy kịch, phải thở máy, HFNC.
"Chúng tôi nhìn nhận 1 điều là tình hình quá tải vẫn còn đó, rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, nặng, thở máy, cần kỹ thuật cao trong khi lực lượng làm chuyên môn về mặt hồi sức chỉ quanh quẩn chiếm 20-25%. Do đó mặt hoàn chỉnh về chuyên môn như ở thời điểm ít bệnh nhân thì không có. May mắn là các y bác sĩ trong quá trình làm việc đã học hỏi, trưởng thành lên từng ngày. Hầu hết các bác sĩ phụ trách một khoa đều tình nguyện không về khách sạn, bám trụ lại bệnh viện để xử lý các tình huống đột xuất", BS. Trần Thanh Linh cho biết.
BS. Phạm Minh Huy - phụ trách khoa 7A trò chuyện với một bệnh nhân người nước ngoài sau khi giúp ca bệnh vượt ải thành công
Theo BS. Linh, con số tử vong ở bệnh viện lúc đỉnh điểm lên đến 16, 17 bệnh nhân/ngày, đến thời điểm hiện tại đã giảm xuống còn 9-10 bệnh nhân. Mặc dù số F0 ở bên ngoài vẫn cao nhưng số ca nặng, nguy kịch giảm đi 1/3 cho thấy tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có những tín hiệu lạc quan.
Việc cần làm lúc này là phải nhanh chóng phủ vắc-xin, đặc biệt khi trẻ em bắt đầu đi học, cần có đề án, văn bản từ Bộ Y tế xem xét cho trẻ em trên 12 tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng dịch.
"Chúng ta tiêm vắc-xin không có nghĩa là sẽ không nhiễm, không có con số tử vong. Trên thế giới người ta cũng thống kê cho thấy khi bạn đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, vẫn có 1 tỷ lệ thấp trở nặng và tử vong. Vì vậy khi đã phủ vắc-xin vẫn tuân thủ 5K, có ý thức thì mới ngăn chặn được dịch bệnh.
Chúng ta sống trong cuộc sống bình thường mới nhưng vẫn phải đối mặt với việc dịch bệnh có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào, cần phải có sự dự trù, tránh bị động", BS. Linh chia sẻ.
Công việc của các y bác sĩ tại BV luôn liên tục diễn ra, chưa một ngày ngừng nghỉ...
Gần 2 năm dịch bệnh bùng phát, cuộc chiến của các y bác sĩ tuyến đầu chưa bao giờ ngưng nghỉ, hết mặt trận này đến địa phương kia, tất cả đều phải nỗ lực từng phút, từng giây để giành sự sống cho bệnh nhân.
Sự hi sinh của các y bác sĩ là điều ai cũng nhìn thấy, bệnh nhân đến bệnh viện chiến đấu để trở về nhà. Nhưng các y bác sĩ lại không. Dịch bệnh vẫn còn bùng phát, họ phải tạm quên đi gia đình, người thân để dốc hết sức lực vào cuộc chiến cứu người.
Câu nói của BS Linh: "Chúng tôi mong muốn sớm nhất có thể để giải phóng bệnh viện, nhưng chắc phải mất ít nhất vài tháng nữa…", khiến chúng tôi xót xa.
Tự hỏi rằng đã bao lâu rồi, những màu áo trắng kia chưa có được cho mình một giấc ngủ trọn vẹn? Đã bao lâu rồi họ chưa được về nhà? Họ vẫn ở lại đây để cùng nhau chiến đấu, nơi mà trách nhiệm không của riêng ai, tất cả chỉ có một lòng quyết tâm giúp bệnh nhân hồi sinh trước lưỡi hái tử thần.
Bệnh nhân cần trở về nhà và y bác sĩ cũng thế!
Em cảm ơn bác sĩ đã cứu mẹ con em!
Theo chân BS. Linh, chúng tôi gặp sản phụ B.N (SN 1993), hiện đang mang thai 27 tuần tuổi. Sau những ngày nguy kịch, phải cấp cứu tại khoa ICU 2B, sức khỏe của B.N đã tiến triển rất tốt và được chuyển lên 7B để tập cai máy thở.
Vừa thấy BS. Linh đến thăm, B.N đã bật khóc vì xúc động: "Em cảm ơn bác sĩ đã cứu mẹ con em".
"Thôi không có khóc, khỏe là vui rồi. Qua cái lần này rồi là phải cố gắng quý mạng sống của mình, không có xúc động để ảnh hưởng đến em bé, nghen!", BS. Linh nhẹ nhàng.
Chị B.N xúc động khi gặp lại "bác sĩ 91", người đã cứu 2 mẹ con chị thoát khỏi cánh cửa tử thần
Trong số các bệnh nhân nặng được điều trị tại BV Hồi cức Covid-19, có nhiều sản phụ đang mang thai hoặc đã được giải quyết thai nhi, đây là một trong những áp lực rất lớn đối với đội ngũ y bác sĩ tại khoa ICU 2B của BV.
Đối với bệnh nhân đang mang thai, ngoài việc bảo vệ mẹ còn phải duy trì sự sống của thai nhi. Theo BS Linh, đó là một cuộc đấu trí trong quá trình sử dụng tất cả các thuốc, phải chỉnh liều, chỉnh oxy làm sao đảm bảo lượng oxy nuôi mẹ và con.
Lực lượng nhân viên y tế tại khoa 2B không phải bác sĩ chuyên về sản khoa nên việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 gặp khó khăn. Khi phát hiện những bất thường của thai nhi, các bác sĩ tại BV sẽ phối hợp với các bệnh viện chuyên về sản khoa như Từ Dũ, Hùng Vương để hội chẩn, đưa ra phương án xử trí kịp thời.
Doanh nghiệp và tiếp thị