MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nói 'người thường đua chạy 100m với Usain Bolt' không sai, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vẫn đi sau 3-4 thế hệ so với công nghệ bán dẫn hàng đầu hiện nay

20-01-2022 - 14:30 PM | Thị trường

Các nhà phân tích của IDC cho rằng công nghệ bán dẫn của Trung Quốc cần cả thập kỷ nữa để đuổi kịp các công nghệ tiên tiến nhất của Đài Loan hay Hàn Quốc.

Mặc dù đã đổ hàng tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, vẫn còn một khoảng cách rất xa để Trung Quốc có thể sản xuất những dòng chip hàng đầu thị trường, theo các nhà phân tích.

Chất bán dẫn được sử dụng trong mọi thứ, từ smartphone, máy tính đến các thiết bị gia dụng.

"Tôi tin rằng Trung Quốc có thể đi sau 3-4 thế hệ so với thứ được gọi là công nghệ hàng đầu hiện nay", Mario Morales, Phó chủ tịch mảng công nghệ và bán dẫn của International Data Corporation (IDC) nói với CNBC.

"Nếu bạn nói đến công nghệ hàng đầu, đó phải là các dòng chip 16 nm, 14 nm hoặc nhỏ hơn. Hầu hết trong số chúng đều đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, một số từ Intel của Mỹ", Morales nói thêm.

Chip được tạo ra bằng cách sử dụng một quy trình được gọi là in thạch bản, ở đó các loại máy móc phức tạp và đắt tiền sẽ chiếu chùm sáng rất hẹp lên các tấm silicon đã được xử lý bằng hoá chất cản quang để tạo ra các hoa văn phức tạp.

Quá trình này dẫn đến sự hình thành của các bóng bán dẫn quan trọng. Càng nhiều bóng bán dẫn được trang bị trên một con chip đồng nghĩa một bộ vi xử lý mạnh hơn và hiệu quả hơn. Vì vậy, về cơ bản, số nanomet cho biết kích thước của các bóng bán dẫn. Con số nhỏ có nghĩa là người ta có thể đóng gói nhiều bóng bán dẫn hơn trên mỗi milimet vuông trên một con chip.

Nói người thường đua chạy 100m với Usain Bolt không sai, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vẫn đi sau 3-4 thế hệ so với công nghệ bán dẫn hàng đầu hiện nay - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất chip của GalaxyCore vào tháng 5/2021 ở Gia Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc.

Rõ ràng, các công ty như Samsung, TSMC đã sản xuất đại trà dòng chip 7 nm và hướng tới sản xuất các dòng chip 3 nm. Đây cũng là 2 nơi thiết lập vị trí dẫn đầu về năng lực sản xuất chip cao cấp.

Trong vài năm nay, Trung Quốc đã nỗ lực, chẳng hạn chi thêm tiền cho nghiên cứu và phát triển, để đạt được tự chủ trong khoa học và công nghệ tiên tiến, bao gồm chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Bắc Kinh càng thể hiện nhiều nỗ lực khi Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và SMIC bằng các lệnh trừng phạt trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia siêu cường này leo thang.

Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu và Meituan đều đã bắt đầu đầu tư phát triển chup.

Morales giải thích rằng bất chấp các khoản đầu tư lớn, Trung Quốc vẫn cần tiếp cận cả phần mềm cũng như thiết bị cần thiết để sản xuất chip cao cấp. Trước đây, các công ty bán dẫn Trung Quốc thường tập trung vào các công nghệ kế thừa, nghĩa là sản xuất các loại chip kém tiên tiến cho các lĩnh vực như quản lý điện năng, vi điều khiển, cảm biến và các phân khúc khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước. Về cơ bản, những con chip này vẫn rất quan trọng với chuỗi cung ứng tổng thể.

"Trung Quốc sẽ mất một thời gian, có thể hơn một thập kỷ để trở nên cạnh tranh hơn, ít nhất là so với các vị trí dẫn đầu thị trường hiện nay", nhà phân tích của IDC nói.

Ông chỉ đích danh SMIC, công ty sản xuất chip lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc. "Họ có khả năng sản xuất chip 28 nm và bắt đầu lấy mẫu 14 nm", Morales nói. "Nhưng thực tế là họ cần khách hàng để có thể mở rộng sản xuất. Rất nhiều thành viên trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc không sử dụng công nghệ đó".

"Vì vậy, họ cần các đối tác và khách hàng Mỹ hoặc khách hàng châu Âu, thậm chí là khách hàng Đài Loan để phát triển công nghệ đó một cách hiệu quả".

https://cafef.vn/noi-nguoi-thuong-dua-chay-100m-voi-usain-bolt-khong-sai-trung-quoc-do-hang-ty-usd-van-di-sau-3-4-the-he-so-voi-cong-nghe-ban-dan-hang-dau-hien-nay-20220120141045913.chn

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên