Nỗi niềm chưa kể của Gen Y Trung Quốc: Thế hệ một thân một mình "cõng cha, gánh mẹ" vì khủng hoảng tuổi tác mà không thể than trách hay chia sẻ
Từ cuối thập niên 1970, Trung Quốc thực hiện chính sách 1 con. Nó tất yếu dẫn đến việc mỗi Gen Y là một "tiểu công chúa" hoặc "tiểu hoàng tử" được cưng chiều hết mực.
- 01-07-2021Làm việc với Gen Y - kinh nghiệm xương máu từ Gojek
- 30-06-2021Tại sao Gen Y ngại đầu tư? Chủ yếu là do cha mẹ họ đã dạy họ tiết kiệm tiền ngay từ khi còn nhỏ!
- 14-08-2020Chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng lo ngại, Bộ Y tế đang khẩn trương giải mã gen virus gây bệnh
Không ai ngờ đến một ngày, thế hệ này phải đối mặt với việc phải một mình chăm lo cho cả mẹ lẫn cha già.
Nỗi lo sợ lớn nhất của Millennials Trung Quốc là cha mẹ đột ngột đổ bệnh
"Tôi chưa từng nghĩ cha mẹ lại phụ thuộc vào mình"
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Theo ước tính của chính phủ quốc gia này, đến năm 2050, 1/3 tổng dân số (khoảng 500 triệu người) sẽ là người từ 60 tuổi trở lên.
Văn hóa lối sống Trung Hoa trọng đạo hiếu, con cháu có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ, ông bà. Người Trung Quốc xưa kia vốn khao khát con đàn cháu đống. Trước thập niên 1970, hầu hết các gia đình Trung Quốc đều rất đông con. Bắt đầu từ cuối những năm 1970, Trung Quốc thực hiện kế hoạch hóa dân số, chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có 1 con. Chính sách này kéo dài đến năm 2015, tất yếu dẫn đến việc Millennials (Gen Y: 1981 – 1996) là những "con một'.
Người già Trung Quốc tăng nhanh qua các năm
Trong vai trò là con một, cháu đích tôn, lẽ dĩ nhiên các Gen Y Trung Quốc được nuông chiều, yêu thương hết mực. Từ ông bà đến cha mẹ đều coi họ như những "tiểu hoàng đế" mà độc sủng. "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến một ngày, mình lại trở thành người phải chăm lo cho cả cha lẫn mẹ," - Shen Feifei (32 tuổi) bàng hoàng.
2 năm trước, phụ mẫu của Shen bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. "Họ cần tôi đưa đi bệnh viện, gặp bác sĩ, quyết định kế hoạch điều trị, an ủi… thậm chí là cả đưa đi thăm viếng các nghĩa trang," – Shen kể. Vì phải dành quá nhiều thời gian cho cha mẹ, Shen liên tục trễ giờ giấc và bị đuổi việc 2 lần. Chị cũng đã lập gia đình, nên còn phải chăm lo cho chồng con. Áp lực đè nặng lên vai Shen, khiến chị quá tải đến căng thẳng, mất ngủ, bạc tóc.
Chưa hết, Shen còn vấp khó khăn tài chính. Chị phải bán 1 căn hộ ở Thượng Hải, lấy 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 14 tỷ đồng), lấy tiền trang trải chi phí chữa bệnh ung thư cho cha mẹ.
Không thể chia sẻ với ai hay dựa dẫm vào đâu
Ngoài cha mẹ, Millennials Trung Quốc còn phải chăm lo cho cả ông bà. Đây không chỉ là đạo hiếu, mà còn là pháp luật. Trung Quốc quy định, con cháu trưởng thành có trách nhiệm hỗ trợ kinh tế và quan tâm đời sống tinh thần của cha mẹ, ông bà.
"Nếu ai đó nghĩ rằng, họ có thể dựa vào an sinh xã hội hoặc viện dưỡng lão thì thật ngây thơ," - Yi Fuxian, chuyên gia nhân khẩu học Trung Quốc tuyên bố. Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; nhưng chỉ mới gần đây và không có vẻ gì sẽ bắt kịp tốc độ già hóa dân số.
Lấy ví dụ Thượng Hải, chính quyền hứa đến năm 2022 sẽ cấp thêm 175.000 giường trong viện dưỡng lão. Trong khi đó, số lượng người cao tuổi của thành phố này là những 5,8 triệu người. Các Gen Y buộc phải lựa chọn viện dưỡng lão hoặc căn hộ hưu trí tư nhân, nhưng giá thuê lại cao tận 20.000 tệ/tháng (khoảng 71 triệu đồng), gấp đôi thu nhập bình quân hàng tháng.
Chi phí ăn ở và chăm sóc người già trong các viện dưỡng lão tư Trung Quốc lên đến 20.000 tệ/tháng (khoảng 71 triệu đồng)
Trung Quốc có chính sách công hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi, nhưng giới hạn ở những đối tượng mất khả năng tự chủ. Vì cha mẹ Shen không thuộc nhóm này, chị không thể đăng ký xin y tá hoặc các dịch vụ chăm sóc tận nhà. Cuối cùng, Shen đành chuyển chỗ ở đến gần nhà cha mẹ và thuê người giúp việc.
"Mẹ tôi ghét điều đó, tự ý đuổi nhiều người giúp việc" – Shen cho biết. "Bà nói thẳng chỉ muốn được tôi hầu hạ và nhấn mạnh đó là trách nhiệm của tôi. Mỗi ngày, bà gọi điện cho tôi cả chục lần. Bất kể tôi trả lời chậm vì lý do gì, bà cũng nổi giận".
Bất an thường trực
Cuối năm 2019, trang mạng xã hội Douban ở Trung Quốc xuất hiện nhóm "Trao đổi dành riêng cho những ai có cha mẹ về hưu". Lập tức, nhóm này thu hút 72.000 người tham gia. Hầu hết các thành viên là Millennials và có chung một nỗi lo "phải làm gì nếu lỡ cha mẹ gặp vấn đề về sức khỏe".
"Đang nửa đêm mà nghĩ đến cảnh cha mẹ đau ốm, van nài mình về nâng đỡ, tôi đau lòng phát khóc," – một thành viên sống ở nước ngoài viết dòng tâm sự. "Tôi cảm thấy vô cùng bất lực sau vụ tai nạn xe hơi của cha," – một người khác tham gia. "Tôi đã luôn sống dưới sự bảo bọc của cha mẹ. Nếu có chuyện gì xảy ra cho cha… tôi lo sợ đến mức không dám nghĩ tiếp".
Nhiều Gen Y. Trung Quốc không dám rời nhà vì quá lo lắng cho cha mẹ
Nếu vài thập kỷ gần đây, giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới thành phố hoặc ra nước ngoài lập nghiệp thì hiện tại, ngày càng nhiều người buông bỏ ước mơ. Họ không nỡ và cảm thấy có trách nhiệm phải ở lại nhà. Leona Cheng (38 tuổi) đã cùng chồng từ Thượng Hải chuyển tới Đài Loan sống từ năm 2012, nhưng luôn thấp thỏm vì cha vẫn ở lại và ngày càng già yếu. "Trước đây, tôi thấy làm con một thật hạnh phúc nhưng bây giờ, nó lại thành gánh nặng. Giá như có anh chị em, tôi đã không phải nơm nớp như bây giờ".
Wen Wen (32 tuổi) thì không phải lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ, nhưng lại sợ nếu lỡ có chuyện xấu xảy ra cho mình. Cô quyết định mua bảo hiểm cá nhân cấp cao trọn gói, chi phí 30.000 tệ/năm (khoảng 106 triệu đồng), hy vọng nó đảm bảo tài chính cho cha mẹ già trong trường hợp cô bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc tử vong.
Tham khảo Sixthtone
Pháp luật và bạn đọc