MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi sợ chứng khoán

“Bóng ma” 2007 trở thành nỗi ám ảnh với nhà đầu tư, khiến rào cản tâm lý trở thành lý do lớn nhất cho đợt bán tháo trong tuần qua.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (9/2), VN-Index tiếp tục trụ vững ở mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên nếu bỏ qua con số mong manh ấy thì đà giảm ghi nhận trong tuần vừa qua lên tới hơn 100 điểm, từ ngưỡng 1.110 điểm xuống chỉ còn 1.003 điểm. Chỉ trong một tuần giao dịch, toàn bộ thành quả của thị trường trong hơn một tháng đầu năm đã bị xóa bỏ.

"Có nhiều lý do để lý giải cho đợt giảm đầu tuần, nhưng phần lớn vẫn là tâm lý, nỗi sợ về kịch bản cách đây 10 năm lặp lại", nhận định của một chuyên gia sau một tuần giao dịch đầy biến động của thị trường chứng khoán.

Gần nhất, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.130 điểm, cách mức đỉnh cao nhất của năm 2007 hơn 40 điểm, tương đương từ 2 đến 3 phiên giao dịch trong trường hợp thị trường tăng điểm "bình thường". Nhưng sự không bình thường chính là nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường sẽ phải điều chỉnh sâu trước Tết và họ chờ đợi một cơ hội "được bán".  

Diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán Mỹ là lý do hợp lý để hợp thức hóa điều này. Đợt lao dốc của thị trường thế giới như "giọt nước tràn ly" đối với thị trường Việt Nam. Dù thông tin thực sự khiến nỗi sợ hãi lan tỏa có thể chưa ngay lập tức tác động đến một thị trường có quy mô vốn hóa chỉ bằng 1/3 của cổ phiếu Amazon.

"Tâm lý chốt lời thường trực khi thị trường đã tăng khá mạnh từ đầu năm 2018 đến nay, khiến chỉ một biến động nhỏ của thị trường có thể tạo ra hiệu ứng domino trên diện rộng", ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trả lời báo chí trước đó.

Nhiều chuyên gia lý giải xu hướng giao dịch tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam, vốn là một trong những trụ cột đưa VN-Index liên tục phá đỉnh.

Còn nhà đầu tư, liệu thông tin mang tính vĩ mô ấy có phải là nguyên nhân chính. Thực ra sự lưỡng lự trong việc ra quyết định mới là điều khiến hiệu ứng "domino" xuất hiện. Trong bối cảnh hiện tại, đa phần những thành viên trên thị trường sẽ rơi vào cảnh vừa lo sợ thành quả đầu tư sẽ "tan vào mây khói", nhưng cũng sợ "hớ" nếu chốt lời xong thị trường vẫn tăng mạnh.

Ở thời điểm mà cán cân tâm lý được giữ một cách mong manh, chỉ cần có tác động khiến cán cân lệch nhẹ về một hướng, hoàn toàn có thể xảy ra sự đổ vỡ. Nếu thị trường đều chờ đợi một cơ hội để bán, hành động sẽ diễn ra giống nhau. Nhưng không phải số đông luôn luôn đúng.

Ở lý do đầu tiên, thực tế đã chứng minh yếu tố dòng vốn không quá ảnh hưởng như mọi người vẫn lầm tưởng. Khối ngoại đã có một tuần giao dịch đầy sôi động. Khi mà nhà đầu tư nội còn đang phân vân về thị trường, thì bộ phận nhà đầu tư này đã tích cực chọn cổ phiếu tốt để gia tăng danh mục đầu tư.

Theo ước tính, khối ngoại đã mua vào hơn 250 triệu cổ phiếu, trị giá 11.800 tỷ đồng, trong khi bán ra gần 137 triệu cổ phiếu, trị giá trên 7.400 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 114 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 4.400 tỷ đồng. Nếu bỏ qua giao dịch đột biến tại cổ phiếu Vincom Retail, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 26 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy, lo ngại về dòng vốn có vẻ đã "thừa thãi".

Thời điểm hiện tại cũng không phải lần đầu dự báo VN-Index vượt qua mức đỉnh 2007 được đưa ra, và cũng không phải lần đầu các chuyên gia, những người đứng đầu CTCK hay quỹ đầu tư lên tiếng rằng thị trường đã rất khác so với 10 năm trước. Từ chất lượng hàng hóa, nội tại thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô cho tới chính những nhà đầu tư trên thị trường đều đã thay đổi.

"Năm 2007 là thời điểm mà thị trường vận động chỉ ở một bên của bảng điện tử, hoặc xanh hoặc đỏ và bên kia trống trơn. Nhưng ở năm 2017 thì hoàn toàn khác, thị trường có lên có xuống, những mã cổ phiếu tốt tăng mạnh, nhưng những công ty yếu kém phải rời bỏ thị trường cũng không thiếu", ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc của Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) chia sẻ tại sự kiện gần đây.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) thì ví thị trường hiện tại như một giấc mơ với những người xưa cũ. "Cách đây 5 năm nếu muốn nói huy động 1 tỷ USD từ thị trường chứng khoán thì nhiều người sẽ nói đó là chuyện hoang đường, nhưng nay việc huy động nhiều tỷ USD là điều có thể thực hiện. Thị trường giờ có thể còn nhiều điểm để nghi ngờ, nhưng lùi lại cách đây 5 năm liệu ai dám mơ về một thị trường như hiện tại".

Đúng là thị trường đã tăng nóng, index sắp tiến tới đỉnh 2007, nhưng cũng phải thừa nhận nội tại thị trường giờ đã khác, nhà đầu tư cũng đã khác. Nhiều nhà đầu tư đặt lệnh bán vào đầu tuần vừa qua đã phải đặt lệnh mua vào cuối tuần trong những đợt thị trường hồi lại. "Dù không ai tin kịch bản năm 2007 lặp lại, dù biết sẽ phải mua lại giá cao, họ vẫn đặt lệnh bán. Và sự thật là nhiều nhà đầu tư đã đặt lệnh mua lại giá cao hơn vào cuối tuần, khi thị trường hồi lại".

Bảo Bối

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên