MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nomura và thương vụ thua lỗ 2 tỷ USD do "margin call"

Nomura và thương vụ thua lỗ 2 tỷ USD do "margin call"

Ngày thứ hai (29/3) vừa qua, cả thế giới lại một lần nữa rúng động vì một thương vụ lùm xùm liên quan đến giới tài chính. Ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản, Nomura, đã thông báo rằng họ có thể sẽ phải đối mặt với một thương vụ thua lỗ lên tới 2 tỷ USD liên quan đến các giao dịch của một quỹ đầu tư mang tên Archegos. Thương vụ này được so sánh với sự sụp đổ của Quỹ đầu tư LTCM cách đây nhiều năm, với khoản thua lỗ khổng lồ từ việc đầu tư quá nhiều vào những cổ phiếu không có thanh khoản tốt dẫn đến việc bị các ngân hàng bán tháo cổ phiếu nhằm đáp ứng được số tiền ký quỹ tối thiểu.

Với những nhà đầu tư lớn, Nomura không phải là cái tên xa lạ. Được thành lập từ năm 1925, ngân hàng này dần vươn lên trở thành một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới: Năm 2008, sau khi Lehmann Brother phá sản, Nomura này đã bỏ ra 225 triệu USD để mua lại đơn vị tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng này và kết hợp nó với các đơn vị tại châu Âu. Tại thời điểm này, ngân hàng sở hữu lượng tài sản quản lý lên tới 20.300 tỷ yên (184 tỷ USD theo tỷ giá ngày nay), qua đó sánh vai cùng các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới.

Mặc dù là một ngân hàng lâu đời và có uy tín như vậy, nhưng thật khó hiểu khi họ lại hợp tác làm ăn với quỹ Archegos được điều hành bởi Bill Hwang. Có tiền thân là quỹ đầu tư Tiger Asia Management vốn đã thừa nhận có thực hiện nhiều giao dịch nội gián (insider trading) và thu lợi bất chính từ các cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc (cụ thể là China Construction Bank Corp và Bank of China Ltd), và buộc phải trả tới 44 triệu USD để dàn xếp.

Nhưng đến cuối năm 2020 – tức 7 năm sau khi được thành lập, quỹ này có lượng tài sản quản lý đạt tới 10 tỷ USD, một con số không hề nhỏ. Archegos được cho là một trong những khách hàng môi giới quan trọng nhất của Nomura, mặc dù bị Goldman Sachs từ chối thiết lập quan hệ do những bê bối trong quá khứ.

Nomura và thương vụ thua lỗ 2 tỷ USD do margin call - Ảnh 1.

Tỷ phú Bill Hwang - người đứng đầu Archegos ( Ảnh: Bloomberg)


Chính vì lẽ đó mà khi Archegos bị yêu cầu phải bổ sung thêm tài sản thế chấp trước việc các cổ phiếu mà họ đầu tư bằng tiền đi vay giảm giá mạnh. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này đã không thể làm được việc đó và bị buộc phải bán (margin call) số cổ phiếu trị giá tới hơn 20 tỷ USD. Khởi nguồn của việc này đến từ Viacom CBS, công ty đã thực hiện đợt chào bán cổ phiếu trị giá 3 tỷ USD thông qua Morgan Stanley và JPMorgan vào đầu tuần nhưng thất bại.

Bên cạnh Viacom còn có Discovery và rất nhiều cổ phiếu khác của các công ty Trung Quốc như Tencent, Baidu... mà Archegos đã đánh cược nhưng thất bại, dẫn đến việc các ngân hàng bán tháo với một tốc độ nhanh chưa từng có.

Nomura và thương vụ thua lỗ 2 tỷ USD do margin call - Ảnh 2.

Giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ thuộc danh mục của Archegos giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua (Ảnh: Bloomberg)


Kết quả, giá cổ phiếu Viacom, GSX Techedu và Discovery – được ước tính chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ giảm chóng mặt (tới 35%) làm cho giá trị các hợp đồng hoán đổi (swap contract) cũng theo đó mà mất giá trị trầm trọng. Những ngân hàng cung cấp đòn bẩy cho Archegos như Nomura và Credit Suisse rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề. Nomura được dự kiến sẽ mất khoảng 2 tỷ USD và thậm chí còn nhiều hơn nữa nếu giá các cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm bảo tiếp tục giảm. Nomura buộc phải tạm hoãn đợt phát hành trái phiếu; giá cổ phiếu của họ thậm chí còn có mức giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ, lên tới 16% - tương đương 3 tỷ USD giá trị thị trường mất đi. Credit Suisse cũng mất khoảng hơn 5 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Nomura và thương vụ thua lỗ 2 tỷ USD do margin call - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu Viacom CBS giảm mạnh là khởi nguồn của việc Archegos bị call margin (Ảnh: Google finance)

Điều đáng nói là Hwang đăng ký Archegos dưới dạng công ty gia đình (family office), do đó không phải điền vào form 13F mà mọi nhà quản lý đầu tư nắm giữ hơn 100 triệu USD cổ phiếu tại Mỹ phải hoàn thành vào cuối mỗi quý cho SEC. Archegos cũng cấu trúc các giao dịch với ngân hàng thông qua các hợp đồng hoán đổi tổng lợi tức (total return swap).

Đây là hợp đồng mà các ngân hàng tại Hoa Kỳ cho phép quỹ đầu tư này nhận lãi và lỗ của danh mục cổ phiếu hoặc các tài sản khác để đổi lấy một khoản phí. Giao dịch hoán đổi cho phép các nhà môi giới chính như Archegos nắm giữ các vị thế khổng lồ với một số tiền nhỏ hơn rất nhiều - có thể coi việc này như quỹ vay tiền của ngân hàng để đầu tư. Việc vừa không phải công bố thông tin, vừa được sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đã khiến cho quỹ đầu tư của Bill Hwang trở nên liều mạng, đặt cược vào những cổ phiếu của Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ và cuối cùng không thể xử lý được những khoản margin call. Rất có thể trong vài ngày tới đây, quỹ này sẽ tuyên bố phá sản.

Mặc dù được dự kiến mất tới 2 tỷ USD, tuy nhiên Nomura vẫn đưa ra thông báo kết quả kinh doanh của họ năm 2020 là tương đối lạc quan. Thêm vào đó, tỷ lệ vốn sở hữu chung cấp 1 (Common Equity Capital Tier 1) của Nomura là khoảng 17%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu của Basel III (4.5%), do đó không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên danh tiếng của ngân hàng này chắc chắn sẽ bị tổn hại; mặc dù "danh tiếng" của Archegos và Bill Hwang trong quá khứ là không hề tốt đẹp, tuy nhiên Nomura vẫn cho ký các hợp đồng hoán đổi với quỹ này và cung cấp cho họ một khoản vay. Điều này cho thấy rằng vì mục tiêu lợi nhuận, những người đứng đầu ngân hàng sẵn sàng làm ăn với một đối tác có tai tiếng trong quá khứ; và khi vụ việc vỡ lở, ngân hàng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Phạm Tiến Đạt

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên