MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân châu Âu: 'Chẳng thấy mưa đâu'

08-09-2022 - 12:33 PM | Tài chính quốc tế

Nắng nóng và hạn hán đỉnh điểm phá vỡ các chu kỳ nông nghiệp, kéo giảm sản lượng và đẩy giá lương thực tại châu Âu. Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp nhận định thời tiết khắc nghiệt không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất lương thực mà còn cả chăn nuôi gia súc.

Rodger Hobson luôn nhớ rằng gia đình anh có thể thu về khoảng 35.000 tấn cà rốt trên cánh đồng rộng 880 mẫu (tương đương 356 ha) ở Yorkshire, miền Bắc nước Anh. Nhưng năm nay, mọi thứ đã đảo lộn.

Nắng nóng và hạn hán đỉnh điểm phá vỡ các chu kỳ nông nghiệp. Phần lớn cây trên đồng bị thiêu cháy, chết dần chết mòn. Hobson ước tính sản lượng sụt giảm khoảng 30%.

“Tôi đã làm nông nghiệp được 30 năm và đây là đợt nắng nóng tồi tệ nhất mà tôi từng thấy”, anh chia sẻ với CNBC.

"Cách đây 4 năm, chúng tôi trải qua một đợt hạn hán vô cùng tồi tệ", anh tâm sự. Ở thời điểm hiện tại, nhiệt độ thậm chí cao hơn 5 độ C so với mùa hè năm đó, khiến tình hình trở nên khó lường hơn. “Chúng tôi từng nghĩ hạn hán 2018 là một hiện tượng hiếm gặp, nhưng 'cơn ác mộng' đó quay trở lại chỉ sau bốn năm”.

Năm nay, tình trạng khô, nóng là mối đe dọa mới nhất trong một loạt những thách thức gây bất lợi cho người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đó là lý do các chuyên gia phân tích thị trường đưa ra cảnh báo năng suất sẽ sụt giảm, kéo giá thực phẩm tăng cao và tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Nông dân châu Âu: Chẳng thấy mưa đâu - Ảnh 1.

Năng suất mùa vụ tại Anh và nhiều quốc gia châu Âu được dự báo giảm trước nắng nóng đỉnh điểm. Ảnh: Getty.

Mùa hè nóng nực tại Anh

Sau khi hoành hành trên khắp miền nam, miền trung và miền đông nước Anh, nắng nóng đã lan tới Yorkshire vào đầu tháng 8.

Trong tháng 7, nhiệt độ có thời điểm lên tới 40,3 độ C, cao nhất kể từ năm 1935. Điều này làm trầm trọng hóa các vấn đề mà ngành nông nghiệp của Anh phải đối mặt, vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá phân bón tăng cao và tình trạng thiếu hụt lao động.

Hạn hán khiến rủi ro mất mùa gia tăng. Nguồn nước tưới tiêu sụt giảm gây khó khăn cho hoạt động canh tác cây ăn quả, rau củ và các loại ngũ cốc.

“Chẳng có hạt mưa nào cả”, Hobson chia sẻ. Kể từ tuần thứ ba của tháng 8, Yorkshire chỉ ghi nhận lượng mưa 6 mm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 70mm hàng tháng.

“Cà rốt sinh trưởng tốt trong khí hậu ôn hòa của Anh… Nếu như nhiệt độ tăng cao hơn 30 độ C, chúng sẽ chết”, Hobson chia sẻ.

Điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy không thường xuyên xảy ra tại Anh. Nông sản của Anh chủ yếu được canh tác trong các trang trại mở, tiếp xúc trực tiếp với khí hậu ôn đới, độ ẩm cao của quốc đảo này.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang tạo ra những tác động lan truyền. Theo báo cáo từ Cơ quan môi trường Anh, năng suất các loại cây trồng khác như hành tây, củ cải đường, táo và hoa bia được dự báo giảm từ 10% đến 50%. Điều này có thể khiến người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn tại các siêu thị, Alice Witchalls, Chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Mintec, chia sẻ.

“Thời kỳ phát triển quan trọng nhất của cây khoai tây rơi vào tháng 8, và loại cây trồng này rất ưa nước. Chúng tôi dự đoán sản lượng khoai tây sẽ giảm, có thể lên tới 40%. Sản lượng giảm chắc chắn ảnh hưởng đến giá cả”, Witchalls chia sẻ với CNBC.

Người phát ngôn của Tesco, một trong những siêu thị hàng đầu của Anh, cho biết họ vẫn chưa gặp bất cứ vấn đề nào liên quan tới nguồn cung các mặt hàng rau củ quả nhưng đang hợp tác với các đơn vị cung cấp để “làm rõ những tác động hiện tượng thời tiết ấm lên”.

Nông dân châu Âu: Chẳng thấy mưa đâu - Ảnh 2.

2022 là mùa hè nóng nhất tại Anh từ năm 1935. Ảnh: Getty.

Hạn hán hiếm gặp trong nửa thiên niên kỷ

Nước Anh có thể tìm tới các quốc gia khác trong khu vực để bù đắp nguồn cung nông sản thiếu hụt. Nhưng châu Âu cũng đang chịu tổn thất nặng nề bởi cùng một lý do: nắng nóng. Khô hạn kéo dài làm bùng phát các đám cháy rừng, gây ra hiện tượng hạn hán trên khắp châu lục.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu cho biết châu lục này hiện đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua, với 47% diện tích trong tình trạng "báo động". Thêm vào đó, tình hình ngày một diễn biến xấu tại 15 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp và Anh. Hạn hán được dự báo kéo dài ít nhất đến tháng 11 tại khu vực ven Địa Trung Hải.

Liên minh châu Âu (EU) dự báo năng suất ngô trong năm nay giảm 16%, đậu tương giảm 15% và hạt hướng dương giảm 12% so với mức trung bình 5 năm gần đây.

Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp nhận định thời tiết khắc nghiệt không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất lương thực mà còn tới quá trình chăn nuôi gia súc.

Paul Hughes, Chuyên gia kinh tế nông nghiệp cao cấp kiêm Giám đốc nghiên cứu nông nghiệp tại S&P Global Commodity Insights cho biết: “Nếu các loài vật nuôi và đồng cỏ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng, sản lượng các sản phẩm bơ, sữa cũng sẽ sụt giảm”.

Tình hình cấp bách

Karl Franklin, một nông dân nuôi cừu tại Oxfordshire, miền Đông Nam nước Anh, cho biết tình hình đang rất cấp bách.

Khoảng 90 cừu cái trong đàn của anh chuẩn bị đến thời gian sinh sản cần được tăng cường chất dinh dưỡng nhưng không thể kiếm đủ cỏ để ăn.

“Thông thường, tỷ lệ sinh sản của cừu cái rơi vào khoảng 180-200% (trung bình một cừu mẹ sinh ra được khoảng hai cừu con). “Nếu đàn cừu không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tỷ lệ sinh có thể giảm xuống 120%”, Franklin chia sẻ. Anh có thể phải sử dụng đến các sản phẩm thức ăn thô đắt tiền trong trường hợp cần thiết.

Nông dân châu Âu: Chẳng thấy mưa đâu - Ảnh 3.

Nắng nóng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động chăn nuôi gia súc. Ảnh: Getty.

Các tổ chức nông nghiệp kêu gọi nhiều hơn hỗ trợ đối với người nông dân. Điều này phải gắn liền với các giải pháp của chính phủ thực hiện nhằm đối phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo an ninh lương thực.

“Tình hình hiện tại là thách thức lớn đối với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Người nông dân phải đối mặt với tác động nghiêm trọng từ tình trạng cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu đến sự thiếu hụt thức ăn chăn nuôi”, Tom Bradshaw, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh, nhận định.

“Tình trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững an ninh lương thực. Chính phủ phải lên kế hoạch quản lý và sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên nước, ưu tiên nước cho sản xuất lương thực đồng thời bảo vệ môi trường”, ông chia sẻ.

"Ngồi trên đống lửa"

Các nhà khoa học khí hậu liên tục cảnh báo trong nhiều năm qua rằng những đợt nắng nóng và hạn hán sẽ trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ trái đất tăng khoảng 1,1 độ C kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp. Các nhà khoa học hàng đầu kết luận rằng một đợt nắng nóng như hiện tại có thể "không bao giờ xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây nên.

Điều đó buộc người nông dân phải suy nghĩ nhiều hơn về triển vọng dài hạn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của bản thân và rộng hơn là cả ngành nông nghiệp.

“Làm nông nghiệp không còn quá hấp dẫn như trước kia”, Hobson nhận định. “Điều này đang khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng đã, đang và sẽ làm".

Đối với vụ thu hoạch sắp đến, các chuyên gia phân tích nhận định: một vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian 'sống còn' đối với các chuỗi cung ứng thực phẩm và sau cùng là giá cả hàng hóa.

Thời tiết ẩm ướt có thể giúp phục hồi một số cây trồng nhất định, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động canh tác vào năm sau. “Nếu có nhiều mưa, năng suất sẽ được cải thiện”, Witchalls tới từ Mintec nhận định.

Còn đối với người nông dân, họ như đang "ngồi trên đống lửa".

“Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong một vài tháng tới”, Franklin nói.

Theo Nguyên Mai

Người đồng hành

Trở lên trên