MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân 'khóc ròng' vì nông sản ùn ứ

25-11-2023 - 07:09 AM | Thị trường

Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) có nhiều nông sản như cam, quýt, bưởi… trở thành thương hiệu của địa phương này. Tuy nhiên hiện nay, các nhà vườn ở Bắc Tân Uyên đang tồn đọng số lượng rất lớn các loại trái cây này, nhất là cam sành, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nông dân.

Nông dân 'khóc ròng' vì nông sản ùn ứ - Ảnh 1.

Nông dân huyện Bắc Tân Uyên thu hoạch cam. Ảnh: H.C

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Phạm Nhật Quang- Giám đốc HTX tổng hợp Hùng Thuận (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) cho biết, hợp tác xã (HTX) có 200ha cam sành, thu hoạch hơn 1.000 tấn.

“Trước đây, cam sành có giá hơn 12.000 đồng/kg, nhưng giờ cam chọn loại 1 giá còn 8.000 đồng/kg vẫn ít người mua. Nông dân nếu không được giải cứu kịp thời sẽ lỗ nặng vì trái cây hư hỏng hết”- ông Quang lo lắng.

Theo ghi nhận, tại nhiều vườn cam sành trên địa bàn các xã Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ, Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên), trái cây đã vào mùa thu hoạch, song chủ vườn chỉ hái số ít, bởi nhu cầu tiêu thụ hiện nay rất thấp.

“Tình hình tiêu thụ trái cây hiện nay khá chậm, công nhân nghỉ việc về quê nhiều. Các chợ truyền thống ế ẩm vì người dân hạn chế chi tiêu. Bên cạnh đó, cam sành chủ yếu dùng để vắt nước uống, thời tiết hiện nay cuối năm mưa nhiều, nhu cầu tiêu thụ cam cũng giảm hẳn. Đơn hàng cố định giảm số lượng, trái cây phải bán lẻ vỉa hè” - ông Quang cho hay.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Huy đã gửi thư tới các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đề nghị chung tay giải cứu nông sản. Theo ông Huy, cam sành Bắc Tân Uyên là một thương hiệu của địa phương, song hiện nay sức tiêu thụ giảm, dẫn đến tồn đọng số lượng lớn, cần được giải cứu, giảm thiệt hại cho nông dân.

Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, nông sản địa phương đã tiếp cận được một số thị trường thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, EU, Trung Quốc, New Zealand. Tuy nhiên, các loại trái cây chủ lực của tỉnh này đa phần tiêu thụ nội địa. Bình Dương hiện có tổng diện tích cây ăn trái hơn 7.300 ha; toàn tỉnh được cấp 24 mã số vùng trồng xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài với tổng diện tích được cấp mã hơn 1.180 ha.

“Để giúp nông dân tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, huyện phối hợp với bưu điện, chi nhánh Viettel hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh”- ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên cho biết.

Theo Hương Chi

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên