Nông dân ở các tỉnh phía Bắc ít theo xu hướng thương mại hơn các tỉnh phía Nam
Đây là một nội dung trong báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2016 tại 12 tỉnh” được công bố ngày 07/11.
GS. Finn Tarp, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, báo cáo đã cho thấy nhiều sự thay đổi trong 2 năm qua ở các tỉnh được khảo sát: Tỷ lệ nghèo đói gia tăng do thay đổi về cách phân loại (từ 12,9% lên 16,2%.); Có sự khác biệt tương đối lớn về kết quả giáo dục và y tế giữa các vùng; sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc còn tồn tại dai dẳng.
Mặc dù vậy, đã có những cải thiện về điều kiện sống: chất lượng nhà vệ sinh được nâng lên; việc thu gom rác thải được cải thiện và việc sử dụng chất đốt chuyển từ củi sang gas .
Báo cáo phân tích kỹ cho việc sử dụng đất, nhóm nghiên cứu nhận định, có sự khác biệt rõ ràng giữa miền Bắc và miền Nam. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như chất lượng quản lý đất đai có tác động tích cực đến việc lựa chọn cây trồng và đầu tư trên đất. Tình trạng bất lợi của phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm. Tuy nhiên, nghèo đói không có mối tương quan chặt chẽ đối với tình trạng không có ruộng đất.
Nhiều hộ gia đình đã có cơ sở sản xuất riêng, nhưng đa phần vẫn mang tính nhỏ lẻ và thường chỉ sử dụng lao động trong phạm vi gia đình thay vì thuê ngoài. So với báo cáo năm 2014, tỷ lệ hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh đã tăng từ 23,7% lên tới 29,5% và sản xuất tại hộ gia đình đã giảm từ 58,9% vào năm 2014 xuống còn 56,2% vào năm 2016. Hơn 58% số thửa đất dành cho sản xuất lúa và trung bình các hộ bán đi khoảng 30% sản lượng lúa gạo họ sản xuất ra.
Nông dân ở các tỉnh phía Bắc ít theo xu hướng thương mại hơn các tỉnh phía Nam. các hộ gia đình ở miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu vẫn tiếp tục lạc hậu ở một số chỉ tiêu về phúc lợi. Nguồn tài nguyên chung, đặc biệt là rừng, vẫn có vai trò quan trọng đối với một số hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, các hộ gia đình nông thôn Việt Nam vẫn phải đối diện với mức độ rủi ro cao. Tuy tỷ lệ tham gia bảo hiểm cao, nhưng phương thức và mức chi trả hiện nay chưa phải là cơ chế quan trọng thích ứng với rủi ro.
GS.Finn Tarp cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phúc lợi và tiếp cận nguồn lực giữa các nhóm dân tộc. Điều này nhằm bảo đảm những thành tựu về kinh tế được phân bổ đồng đều, nhóm hộ nghèo và dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau.
TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá tiếp cận về vốn và chính sách vẫn là vấn đề khó khăn với nông dân. Kết quả điều tra cho thấy khoảng 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay và hơn 71% hộ gia đình không có khoản vay nào. Theo ông Cung, các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Hợp tác xã, Hội Phụ nữ phải đến những hộ nghèo để nắm bắt mong muốn và nhu cầu của họ. Đồng thời, phải “bắc cầu giữa nhà tín dụng với hộ dân nghèo và tổ chức tín dung” – ông Cung nói.
Kể từ 2002 đến nay, các cuộc điều tra cuộc điều tra đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam đều được tiến hành theo chu kỳ 2 năm một lần. Việc này nhằm thu thập chuỗi số liệu hữu ích cho hoạch định chính sách phát triển. Các tỉnh trong phạm vi điều tra thuộc tất cả 7 vùng trong cả nước (Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long).