Nông dân Trung Quốc livestream, bán hết 1.000 tấn cam trong 13 ngày
Nông dân thời đại công nghiệp mới là phải thế, không những làm giàu thành công mà còn có thể thành người nổi tiếng.
Khi nhắc đến cuộc sống ở nông thôn, nhiều người trong số chúng ta thường hình dung ra cảnh nông dân cày ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm cùng nhiều công việc tay chân vất vả khác. Thế nhưng giờ đây, ngành nông nghiệp Trung Quốc đang chứng kiến một loại hình mới đang ngày càng trở nên phổ biến: Livestream.
Trong thời gian gần đây, những người nông dân livestream đã trở thành một chủ đề rất được quan tâm tại đất nước tỷ dân. Trào lưu này rầm rộ đến nỗi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba thông báo rằng họ có kế hoạch giúp nông dân trong nước thoát nghèo, đặc biệt là những người bán hàng trên Taobao ở vùng nông thôn. Ngoài ra, tập đoàn này còn dự định đào tạo livestream cho khoảng 1.000 người nông dân.
Năm 2016, phát trực tiếp đã được bổ sung vào ứng dụng Taobao và kể từ đó, nó đã trở thành một trong những tính năng được ưa chuộng nhất. Người bán hàng trên Taobao có thể bán mọi thứ, từ quần áo tới ẩm thực và nhiều sản phẩm khác. Nông dân ở các vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng. Chỉ trong vòng ba năm, đã có khoảng 100.000 người tiến hành livestream để quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên Taobao.
Theo số liệu của Taobao, một livestream gần đây đã bán được 1.000 tấn cam trong chưa đầy hai tuần, con số thực sự ấn tượng so với cách bán hàng thông thường. Chủ nhân của livestream này và cũng là một trong những nông dân nổi tiếng nhất trên Taobao là cô Chen Jiubei, hay còn được biết đến với tên tài khoản Xiangxi Jiumei. Cô thường xuyên livestream hình ảnh làm việc của mình ở trang trại, chia sẻ cách chăm sóc gia cầm hay đơn giản chỉ là nấu ăn tại nhà.
Ngoài Taobao, một số nền tảng khác nhận thấy tiềm năng của xu hướng livetream này đã bắt đầu khai thác cuộc sống của người dân vùng nông thôn. Người theo dõi có thể biết được nguồn gốc sản phẩm nhờ vào livestream của những người nông dân. Hình thức trên rất khác so với Mỹ hay châu Âu, nơi livestream và các nền tảng thương mại vẫn hoạt động độc lập với nhau.
Vậy điều gì thu hút mọi người xem nhiều livestream về làng quê đến vậy? Nhiều người cho biết họ theo dõi để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Hiện có không ít những thương nhân trấn an khách hàng rằng nông sản của mình được trồng theo phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất trong môi trường không bị ô nhiễm. Điều đó đã đánh trúng vào nhu cầu mua thực phẩm sạch ngày càng tăng của người Trung Quốc.
Một số người khác nói rằng họ xem để giải trí hoặc đơn thuần chỉ vì họ nhớ cuộc sống nông thôn. Dù là lý do gì đi chăng nữa thì nông dân chính là những người hưởng lợi về mặt doanh số. Không những vậy, họ còn có thể thành người nổi tiếng.
Hai anh em nông dân nuôi dúi (một loài động vật gặm nhấm được coi là đặc sản ở phía nam Trung Quốc) đã được nhiều người biết đến sau khi một vlog trên nền tảng Watermelon Video của họ trở nên phổ biến.
Hai anh em nuôi dúi hưởng lợi lớn từ livestream chọn dúi.
Trong mỗi video tự sản xuất, hai người đều đưa ra lý do hài hước tại sao lại nên làm thịt một con dúi nào đó. Nó có thể bị ốm, quá béo, quá gầy hoặc thậm chí là quá "đẹp". Và một khi đã được chọn, không một con nào có thể chạy thoát khỏi bàn tay của hai anh em vui tính.
Tiêu chí lựa chọn của họ đã nổi tiếng đến mức có hẳn một trò chơi chọn dúi trên điện thoại. Tất nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thu nhập cao hơn trước đây. Sự tăng vọt trong kinh doanh của họ đã trở thành cảm hứng để nhiều nông dân khác thử vận may với hình thức livestream.
Trí Thức Trẻ/Abacus