Nông nghiệp đang đứng trước "2 cái nhất"
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận rằng, với đặc điểm gần 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, việc đi lên nền nông nghiệp hiện đại cần khoảng thời gian nhất định.
- 25-05-2018Giá vải ở Phương Nam giảm thê thảm, nguy cơ mỗi hộ mất cả trăm triệu
- 25-05-2018Lạ lùng vú sữa vỏ vàng đắt gấp 10 lần vú sữa Việt gây "sốt" thị trường
- 25-05-2018Cục Trồng trọt 'lên tiếng' việc nông dân đào rễ tiêu bán
Phát biểu thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường ngày 25/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp đang đứng trước "2 cái nhất".
Đầu tiên là giai đoạn thách thức nhất. Bộ trưởng chỉ ra 3 thách thức lớn là nông nghiệp phải đi lên từ mô hình hộ phân tán nhỏ lẻ, thách thức từ biến đổi khí hậu và thách thức từ việc hội nhập kinh tế.
Cái nhất thứ 2 được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra là nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiều nhất từ cả hệ thống chính trị. Toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các thành phần kinh tế, toàn dân đều quan tâm đến vấn đề nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay cả khi đàm phán với các nước cũng đề cập đến nông sản. Quốc hội sau hơn 2 năm thông qua 5 luật về nông nghiệp, 3 nghị quyết chuyên đề. Thủ tướng sau khi kiện toàn Chính phủ đã trực tiếp 17 lần chỉ đạo ngành nông nghiệp, từ vấn đề lúa gạo, tôm… Tại các địa phương, kể cả đồng chí bí thư, chủ tịch đều vào cuộc, làm xúc tiến thương mại, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành".
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt 4,05% - mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu nông sản liên tục tăng cả về nhóm nông sản và thị trường xuất khẩu. Hàng hóa nông nghiệp Việt Nam đã đến 180 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường rất khó tính.
Giá trị tuyệt đối xuất khẩu nông sản rất cao, đến nay có thể dự báo vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2018. Xuất khẩu tăng cả về lượng và chất. Số thặng dự năm 2018 cũng dự đoán vượt 19 tỷ đồng. Giá trị thặng dư tăng sẽ tác động trở lại cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, góp phần cân đối ngoại tệ cho quá trình phát triển kinh tế thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận với đặc điểm gần 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, việc đi lên nền nông nghiệp hiện đại cần khoảng thời gian nhất định. Các tồn tại mà các đại biểu quốc hội đưa ra hoàn toàn đúng, vì tính liên kết trong các nhóm sản phẩm còn yếu, kể trong các trục sản phẩm trung ương, tỉnh và ở địa phương.
Bên cạnh đó, chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất của nông nghiệp, kể cả những mặt hàng có lợi thế như cá basa, tôm. Do chế biến yếu nên xảy ra dư thừa sản phẩm khi vào thời vụ, có biến động từ thị trường tiêu thụ. Quản lý trong nước nhiều mặt còn bất cập, kể cả từ vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng. Khâu này còn yếu kể cả bộ chuyên ngành và quản lý từ trung ương, địa phương.
Về thị trường, hiện có tình trạng xuất khẩu nhiều, nhưng thị trường bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu. Mẫu mã, loại hàng hóa chưa tương xứng với tầm vóc của mở rộng thị trường hiện nay. Một đất nước chuyển đổi sang 30% là đô thị nhưng các thiết chế hạ tầng hiện đại để phục vụ cho thị trường trong nước chưa phát triển. Nói cách khác, thị trường vẫn là khâu yếu, kể cả trong nước và nước ngoài.
Để huy động nhiều lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì đất đai vẫn còn là nút thắt. Nêu lại hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần cố gắng tháo gỡ để tích tụ đất đai, thu hút nhiều doanh nghiệp vào, trở thành nòng cốt phát triển của ngành.