Nông sản Việt và nỗi lo “tạm nhập, tái xuất”
Năm 2017, trước việc thịt lợn rớt giá mạnh, Bộ NN&PTNT đã phải đề nghị xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, nội tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất. Đầu năm 2018, câu chuyện tượng tự, một lần nữa lại xảy ra với ngành mía đường…
Ngành mía ngậm trái đắng
Theo số liệu Hiệp hội mía đường Việt Nam, hoạt động xuất khẩu đường tiểu ngạch trong nước đã có nhiều biến động từ năm 2012 đến năm 2017. Từ năm 2012 Việt Nam xuất tiểu ngạch được 52.000 tấn đường, tăng dần qua các năm 2013 (174.791tấn), 2014 (182.405 tấn). Nhưng đến năm 2015 đã có chiều hướng sụt giảm và đến năm 2016 thì không hề xuất khẩu được, cho đến năm 2017 vừa qua chỉ xuất được 2.500 tấn đường.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích: Từ năm 2012, phía Trung Quốc đã cho phép Việt Nam xuất đường tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ Bản Vược ở tỉnh Lào Cai. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc xuất khẩu này tương đối suôn sẻ trong giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, đến năm 2016, hầu như không có tấn đường nào được xuất qua đường tiểu ngạch. Năm 2017, một số cửa khẩu phụ của Trung Quốc biên giới với Lào Cai gồm: Mường Khương, Bản Vược, Na Lốc, Lũng Pô và Bản Quẩn đã mở cửa trở lại cho sản phẩm đường đi qua, song các doanh nghiệp (DN) chỉ xuất tiểu ngạch được 2.500 tấn đường. Lý do là đường trong nước bị hàng tạm nhập tái xuất cạnh tranh quyết liệt.
Thực tế hiện nay, khi niên vụ sản xuất 2018/2019 đã vào vụ hơn 2 tháng thì lượng đường tồn kho của niên vụ cũ vẫn còn 270.000 tấn. Hiện giá đường trong nước sụt giảm còn khoảng 12.800 đồng/kg.Trước đó, trong những tháng cuối năm 2017, tiêu thụ đường đã khá chậm vì các đối tác ngừng nhập hàng, trông chờ thời điểm thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu đường khu vực ASEAN xuống 0%. Ở thời điểm hiện tại, tình hình tiêu thụ cũng không có gì khả quan.
Mới đây, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp đến hết ngày 31/12/2019.
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường lên tiếng: “Hiện nay, trong nước còn khoảng 40.000 tấn đường tạm nhập nhưng chưa được các DN kinh doanh tái xuất. Lý do được các DN đưa ra giá đường ở nước thứ ba quá thấp. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, giá đường tại nước thứ ba hiện nay đã khoảng 20.000 đồng/kg nên cố tình gia hạn không tái xuất đường tạm nhập với lý do giá đường tại nước nhập khẩu rẻ là không đúng”.
Không chỉ ngành mía đường mà còn nhiều ngành hàng khác đã từng “ngậm trái đắng” với hàng tạm nhập tái xuất. Theo nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh những tác động tích cực phát triển kinh tế biên giới thì hoạt động tạm nhập tái xuất hàng nông sản thực phẩm đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhiều khi là “bóp nghẹt” sản xuất trong nước.
Theo quy định, hàng hoá thuộc diện tạm nhập, tái xuất được lưu tại Việt Nam không quá 60 ngày (có gia hạn thêm không quá 30 ngày); được giám sát bởi Hải quan và đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm tra bệnh dịch ở khu vực Hải quan cửa khẩu nhập hàng. Hàng tạm nhập phải được lưu kho bãi của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, nếu bán tại Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ thuế bắt buộc.
Thời hạn lưu giữ khá dài, trong khi đó, các doanh nghiệp lại được phép đưa hàng ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan và tự chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa trong thời gian lưu giữ. Đây là khoảng trống để doanh nghiệp lợi dụng vi phạm.
Cần đánh giá tổng thể
Hiện cơ quan hải quan đang quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất về cơ bản tương tự như đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thương mại khác. Do vậy, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện kiểm tra theo chế độ quản lý rủi ro và dựa trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Hiện nay có thực trạng nhiều trường hợp lô hàng tạm nhập tái xuất sau khi được nhập nguyên container về rồi vận chuyển lên biên giới, được dỡ nhỏ ra và tiêu thụ tiểu ngạch. “Việc tiêu thụ như trên cũng không đúng theo quy ước thương mại quốc tế nên việc phát hiện vi phạm sẽ tác động rất xấu đến uy tín nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Nhiều hàng hoá nông, lâm, thủy sản tạm nhập tái xuất thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tiêu thụ trong nước đã được tuồn ra ngoài thị trường, tiêu thụ trót lọt. Do không phải đóng thuế nên giá các mặt hàng này rẻ hơn so với mặt bằng giá chung của thị trường khá nhiều. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thị trường thịt trong nước và tạo cuộc chiến cạnh tranh giá cho hàng Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, giữa năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất sản phẩm thịt và nội tạng động vật. Nhưng về lâu dài, cần có sự đánh giá toàn diện ảnh hưởng của việc tạm nhập, tái xuất mặt hàng thực phẩm đông lạnh tới lợi ích kinh tế, xã hội của quốc gia. Đặc biệt, cần có sự nhìn nhận chính xác sự tác động của hoạt động này tới thị trường, an toàn dịch bệnh với sản xuất và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Kinh doanh tạm nhập tái xuất là hoạt động được pháp luật Việt Nam thừa nhận và cho phép thực hiện. Bộ Công Thương vẫn đang quản lý nhà nước hoạt động này theo đúng các quy định của Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, các văn bản hướng dẫn có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình quản lý, mọi ý kiến góp ý đều sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện hoặc trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định có liên quan.
Chinhphu.vn