MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bão' chặt quýt, trồng gừng

07-09-2015 - 12:19 PM |

Diện tích quýt đường tại xã Long Trị (TX Long Mỹ, Hậu Giang) đang bị thu hẹp dần sau nhiều năm dịch bệnh tấn công.

Điều này đặt ra bài toán khó cho ngành chức năng trong việc giữ gìn và phát huy thế mạnh quýt đường của vùng đất tỉnh Hậu Giang.

Từng là loại cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn xã Long Trị, TX Long Mỹ nhiều năm qua, thế nhưng hiện tại các nhà vườn nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng quýt đường bị dịch bệnh tấn công, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, dẫn đến nhiều diện tích quýt bị phá bỏ.

Qua thống kê của ngành chức năng trong tổng số 200 héc ta quýt trên địa bàn xã này thì có khoảng 93 héc ta bị nhiễm bệnh vàng lá, với tỷ lệ từ 5-20%, đặc biệt có khoảng 3 héc ta bị ảnh hưởng nặng trên 50%. Trong số gần 100 ha quýt bị bệnh, hiện gần 10 ha quýt đã bị đốn bỏ để chuyển sang trồng gừng.

Ông Võ Văn Thắt, người dân ở ấp 8 xã Long Trị cho biết vào khoảng năm 2000, gia đình ông từng phải đốn bỏ hàng ngàn gốc quýt vì bệnh vàng lá gân xanh, đến nay ông lại một lần nữa đốn bỏ 3 công quýt tuổi đời từ 3 đến 4 năm vì bị bệnh vàng lá thối rễ.

Ông nói trong xót xa, mấy mươi năm sống với cây quýt đường, vui khi biết đây là 1 trong những loại trái cây đặc sản của tỉnh Hậu Giang, vậy mà giờ đây chính tay ông phải đốn bỏ nó.

Cùng cảnh ngộ như ông Thắt, ông Trần Văn Gọn có 3 công đất trồng quýt đã bị đốn bỏ cho biết, hồi trước thấy người ta trồng quýt có lời ông cũng phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng quýt. Nhưng sau gần 2 năm vườn quýt bị bệnh không có thuốc đặc trị, thu hoạch không được bao nhiêu, vì vậy gia đình ông quyết định chuyển sang trồng gừng.

Được biết, hàng năm vùng quýt đường ở Long Trị cung cấp hơn 3.000 tấn trái quýt cho thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Với vị ngọt thơm ngon vốn có của nó, vào đầu năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” cho HTX quýt đường. Nhưng với tình trạng phá bỏ quýt của nhà vườn hiện nay đang là mối đe dọa cho loại trái cây đặc sản của vùng đất Hậu Giang.

Đốt hẳn 3 công quýt bị bệnh, đây là năm thứ 2 anh Nguyễn Văn Út ở ấp 8 xã Long Trị trồng gừng. Theo anh nghề trồng gừng thích hợp với người ít đất. Thời gian trồng cũng ngắn, sau 8 tháng trồng người dân có thể thu hoạch, trung bình mỗi công gừng cho năng suất từ 3- 4 tấn.

“Để đầu tư cho mỗi công gừng nhà vườn phải bỏ ra chi phí 15 triệu đồng nhưng nếu bán được giá từ 15.000 đồng/kg trở lên thì mỗi ha cũng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng”, anh Út cho biết thêm.

Từ sau Tết đến nay giá gừng không ngừng tăng lên, hiện ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, cao gấp 10-15.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, diện tích quýt bệnh cũng ngày một tăng vì thế việc nông dân phá quýt trồng gừng cũng là điều dễ lý giải.

Theo số liệu thống kê, hiện diện tích gừng tại xã Long Trị là 61 héc ta, tăng hơn 30 héc ta so với năm 2014. Dù giá cả của mặt hàng nông sản này đang đem về khoảng lợi nhuận cao cho nhiều bà con nơi đây, tuy nhiên trồng gừng cũng gặp nhiều rủi ro.

Theo anh Võ Minh Luân, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã Long Trị việc đốn quýt trồng gừng là một việc làm tự phát, không theo quy hoạch. Gừng không chịu được mưa nhiều, dễ sâu bệnh và bị thối củ. Khi phát hiện bệnh này thì đồng nghĩa với việc cả diện tích gừng không được thu hoạch.

“Tình trạng đốn quýt trồng gừng không phải là mới đây. Những năm 2011, 2012 nhiều nông dân trên địa bàn xã cũng đã ồ ạt phá quýt trồng gừng.

Nhưng do giá gừng bấp bênh thậm chí có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg lại bị sâu bệnh tấn công, khi đó nhiều nhà vườn lại quay trở về với cây quýt, việc làm này khiến cho ngành chức năng đau đầu vì bài toán đốn quýt trồng gừng- phá gừng trồng quýt”, anh Luân thông tin thêm.

 

Theo Ngọc Thảo

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên