MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo vệ hàng nội địa bằng thuế nhập khẩu – tại sao không?

06-05-2013 - 11:01 AM |

Bên cạnh việc chăm lo xây dựng thương hiệu của các DN, thì tự vệ thương mại được xem là giải pháp rất cần thiết để bảo hộ sản xuất trong nước.

Kể từ ngày 7-5-2013, Việt Nam chính thức áp thuế nhập khẩu 5% (thời hạn áp dụng không quá 200 ngày) đối với một số sản phẩm dầu ăn nhập khẩu.

Quyết định này bắt nguồn khi Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) có đơn đề nghị Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng dầu ăn nhập khẩu, với lý do thuế suất nhập khẩu dầu ăn bằng 0 đã đẩy doanh nghiệp (DN) trong nước phải hạ giá thành sản phẩm trong khi chi phí sản xuất tăng cao.
 
Điều này dẫn đến tình trạng DN sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh về giá đối với các DN nước ngoài. Đây cũng là thực trạng diễn ra đối với hầu hết các lĩnh vực sản xuất hàng hóa của nước ta hiện nay. Như vậy, hơn 6 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đây là lần thứ hai cơ quan quản lý nước ta sử dụng biện pháp tự vệ thương mại để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Trước đó, Bộ Công thương cũng đã từng tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mã hàng kính nổi nhập khẩu vào hồi năm 2009.
 
Vấn đề đặt ra ở đây là, trong khi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thường rất hay gặp phải các rào cản kỹ thuật. Từ con tôm đến con cá tra cho đến các loại sản phẩm như giày mũ da, xe đạp, ống thép… của ta đều bị các nước nhập khẩu soi xét và đưa ra hàng loạt điều kiện để áp thuế. Theo các chuyên gia, đó là cách để các nước bảo vệ hàng hóa nội địa. Ngược lại, hàng hóa từ các nước chảy vào Việt Nam lại rất dễ dàng.

Thực trạng này đã và đang khiến DN sản xuất trong nước không những khó cạnh tranh về giá, mà nguy cơ hàng hóa sản xuất của DN Việt "thua trên sân nhà” là điều khó tránh. Nhất là khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và một số đối tác sắp được ký kết trong thời gian tới, nguy cơ này càng hiện rõ hơn.

 Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc chăm lo xây dựng thương hiệu của các DN, thì tự vệ thương mại được xem là giải pháp rất cần thiết để bảo hộ sản xuất trong nước. Đây là một trong những biện pháp được WTO cho phép các nước thành viên áp dụng với những tiêu chí cụ thể khi cần. Nhờ đó, nước nhập khẩu có thể ngăn chặn tạm thời luồng hàng hóa nhập khẩu để giúp ngành sản xuất nội địa tránh được nguy cơ "thua trên sân nhà” cũng như nhiều nguy cơ đổ vỡ khác.

Theo Mai Phương

khanhnt

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên