MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất thường trong xử lý tôm tạp chất

29-04-2013 - 07:09 AM |

Mỗi năm tỉnh Cà Mau xử lý hàng chục tấn tôm tạp chất nhưng có dấu hiệu cho thấy nhiều trường hợp xử lý sai quy định.

Hiện nay các đơn vị bắt và tịch thu tôm tạp chất ở Cà Mau đang có những cách xử lý rất khác nhau, trái với quy định hiện hành.

Tranh nhau mua tôm tạp chất

Từ nhiều năm qua, giới kinh doanh tôm sú tại Cà Mau râm ran về chuyện tranh mua tôm sú tạp chất bị tịch thu. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh tôm sú ở TP Cà Mau cho biết: “Công ty nào được cơ quan chức năng đem tôm tạp chất bị tịch thu đến bán thì lời khẳm. Giá các lô tôm bị tịch thu mà các cơ quan chức năng bán sung công chỉ bằng 1/3 giá trị thực của lô hàng nên các công ty đang tranh nhau lôi kéo các đơn vị bắt tôm sú tạp chất đem về công ty mình xử lý”.

Ông C., một người vừa bị bắt lô tôm tạp chất hồi tháng 3-2013, khẳng định: “Trong khoảng bảy năm qua tôi bị bắt và tịch thu hơn chục lô tôm tạp chất. Lần nào cũng vậy, cơ quan chức năng chỉ thu về cho Nhà nước được 50.000 đồng/kg. Nếu bán lại cho tôi, tôi sẽ mua giá 120.000 đồng/kg và cam đoan sẽ xử lý tạp chất trong tôm đạt chuẩn xuất khẩu. Vì lời như thế nên các công ty đang thưởng chìm, thưởng nổi các đơn vị bắt tôm tạp chất mang đến công ty họ xử lý” - ông C. nói.

Về chuyện thưởng nổi, ông C. nói: “Trong dịp tết Nguyên đán 2013, một công ty được chọn xử lý tôm tạp chất đã công khai thưởng cho một đơn vị công an 500 triệu đồng vì “có nhiều thành tích trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn”. Giới kinh doanh tôm sú cho rằng công ty “thưởng” cho công an vì trong năm đã mang đến công ty năm tấn tôm tạp chất để xử lý. Năm 2011, công ty này cũng thưởng cho công an 100 triệu đồng. Năm đó, công ty này được xử lý hơn một tấn tôm”…

Xử lý không theo quy định

Theo quy định, việc xử lý tôm sú tạp chất bị tịch thu phải có sự giám sát của các đơn vị: Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (tạm gọi Chi cục QLCL); Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh và các cơ quan chức năng tại địa phương. Địa điểm xử lý hàng tịch thu cũng được quy định cụ thể, do UBND tỉnh chỉ định.

Cà Mau cũng đã chọn hai công ty để xử lý tôm tạp chất bị tịch thu mà không phải tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị có chức năng thu giữ tôm tạp chất tại địa bàn tỉnh Cà Mau đều thực hiện không đúng quy định này (trừ Thanh tra Sở NN&PTNT).

Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, thừa nhận: “Chúng tôi không thực hiện được nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc xử lý tôm tạp chất sau tịch thu. Lý do là vì các đơn vị khác tự thu giữ và xử lý, không thông báo nên chúng tôi không biết mà giám sát”.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, Công an kinh tế tỉnh Cà Mau, Công an TP Cà Mau, quản lý thị trường và tám đơn vị công an huyện trong tỉnh đều không mời đủ thành phần giám sát theo quy định.

Riêng tại Công an huyện Cái Nước (Cà Mau), việc xử lý tôm tạp chất sau tịch thu ngoài việc không mời Thanh tra Sở NN&PTNT, không mời Chi cục QLCL giám sát còn có việc mang tôm đi xử lý không đúng nơi quy định (không phải hai công ty mà tỉnh Cà Mau đã chọn). Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Thanh Tòng, Trưởng Công an huyện Cái Nước, nói: Việc xử lý tôm tạp chất sau khi thu giữ được tiến hành ở nhiều công ty khác nhau, không mời giám sát thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh cũng như Chi cục QLCL là do… chưa được biết các quy định đó!

Cùng với việc khi bị phát hiện, thu giữ tôm tạp chất, các chủ lô hàng thường bỏ trốn để né phạt hành chính thì việc xử lý các lô tôm tạp chất đang bị méo mó khiến ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, Phó ban Chỉ đạo Chống tôm tạp chất tỉnh này, phải lên tiếng. “Có những dấu hiệu bất thường trong việc xử lý hàng tôm sú tạp chất bị tịch thu; có hiện tượng thưởng tiền bất thường cho các đơn vị bắt tôm tạp chất… Vì vậy, chúng tôi đã lên kế hoạch để kiểm tra quy trình xử lý tôm tạp chất tại tất cả đơn vị có chức năng thu giữ tôm tạp chất và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có tiêu cực” - ông Bằng nói.

Trước đây, Công an huyện Cái Nước có điện thoại báo là đã tịch thu một lô tôm tạp chất, đã chở vào Công ty Đại Dương, nhờ chúng tôi đến tham gia việc xử lý. Chúng tôi yêu cầu phải mang lô hàng vi phạm về đúng nơi đã được chỉ định. Sau đó, Công an huyện Cái Nước không thông báo gì thêm, tự xử lý tại các công ty và phần lớn là sai quy định.

Ông LÊ SONG HÙNG, Chi cục phó Chi cục QLCL tỉnh Cà Mau

Tôm bị bơm tạp chất thường là loại tôm lớn, kích cỡ luôn dưới 40 con/kg. Nhưng không biết xử lý cách nào, các lô tôm này sau khi bị bắt đã sụt kích cỡ xuống 50, 60 con/kg. Chưa kể việc cân đong lỏng lẻo, không có giám sát của chủ hàng vì chủ hàng luôn bỏ trốn để né phạt.

Ông P., một doanh nghiệp mua tôm sú tại Cà Mau

Trường hợp lô tôm có chứa tạp chất (không thuộc diện tiêu hủy, chuyển mục đích sử dụng) thì xử lý loại bỏ tạp chất và xử lý nhiệt tại cơ sở chế biến được Cục QLCL chấp thuận.

Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, TP phối hợp với thanh tra Sở NN&PTNT, các cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc xử lý lô tôm có chứa tạp chất.

(Theo Quyết định 5212 ngày 20-9-2010 của Bộ NN&PTNT)



Theo Trần Vũ

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên