MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ tết “sốt” giá, người sản xuất “rét run”!

23-01-2014 - 08:56 AM |

Cận tết âm lịch, giá các mặt hàng tươi sống tại các chợ đều có xu hướng tăng, nhưng mức chênh lệch lại khá lớn so với giá người sản xuất bán ra.

Do vậy, khi nhịp độ mua sắm tại các phiên chợ càng xôn xao về cuối năm thì người sản xuất lại bôn ba đủ cách để tìm đầu ra hoặc “ôm” lấy sản phẩm để... chờ tới ra giêng.

Người trồng hàng bông… không ăn tết

Cùng kỳ này năm ngoái giá cải xà lách xoong tại rẫy trên 20.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại chợ khoảng 25.000 đồng/kg. Tết năm nay, giá mua tại rẫy có nơi chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại các chợ vẫn không dưới 12.000 đồng/kg. Người dân vùng chuyên canh xàlách xoong ở thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) đã chọn giải pháp thu hoạch dần, bán lẻ bên lề đường với giá 6.000 đồng/kg.

Cũng tại Vĩnh Long, vùng chuyên canh rau màu huyện Bình Tân năm nay eo xèo vì nhiều loại rau, củ, quả giảm giá bất ngờ ngoài dự đoán. Giá ớt tươi hồi đầu tháng 11.2013 ở mức trên 35.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn trên dưới 15.000 đồng/kg; giá hành lá trong năm 2013 có lúc lên tới 15.000 đồng/kg, nhưng mùa tết này có nơi chỉ còn 2.000 đồng/kg… Giá giảm thấp, nhưng nông dân trồng màu buộc phải bán vì rau màu với sản lượng lớn đã tới kỳ thu hoạch. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng màu ở xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) nói buồn: “Giá cả kiểu này thì nông dân trồng màu năm nay khỏi tính tới chuyện ăn tết”. Hành tím đặc sản vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa mới ở mức giá vô cùng hấp dẫn 25.000 – 27.000 đồng/kg hồi giữa tháng 11.2013, đã giảm dần tới rằm tháng chạp và nay rớt xuống còn dao động quanh mức 15.000 đồng/kg. Nhiều thương lái đã nắm lấy cơ hội giá rẻ này gom hàng, đưa đi các tỉnh lân cận bán với giá phổ biến 20.000 đồng/kg.

Trong khi giá nhiều loại hàng bông bán tại rẫy ở Chợ Mới (An Giang) đa phần đều đã giảm 10 – 20% so hồi tháng 12.2013, giá phân phối tại các chợ đã tăng tương ứng chỉ trong vòng một tuần gần đây. Ông Đinh Công Thượng, nông dân huyện Chợ Mới cho rằng, khâu lưu thông, phân phối đã “bắt bí” nông dân, vét túi người tiêu dùng để vun đắp cho lợi ích của riêng họ.

Tuy nhiên, về phía thương lái thì cho rằng, mùa tết tất cả chi phí: vận chuyển, bốc xếp… đều tăng nên lợi nhuận của họ chỉ ở mức dưới 10%.

Người chăn nuôi vỡ mộng

Giá heo hơi đang dao động quanh mức 50.000 đồng/kg, đã bất ngờ giảm xuống 45.000 – 46.000 đồng/kg trong vòng mười ngày nay. Trong khi đó, giá thịt heo tại các chợ không hề giảm mà có nơi còn tăng nhẹ. Mặc dù người tiêu dùng có thể chấp nhận được nhưng nhiều người chăn nuôi đã vỡ mộng với những dự đoán riêng. Ông Trần Văn Mười, người nuôi heo ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho rằng: “Thông thường, giá heo sẽ chỉ giảm hoặc sốt sau ngày 25 tết”. 

Theo ông Mười, tới thời điểm đó các lái buôn heo đã dự trữ đủ sản lượng heo tết nên lượng heo hơi thừa sẽ bị đánh rớt giá, ngược lại nếu nhu cầu thị trường lớn sẽ gây sốt giá vào giờ cuối. Tuy nhiên, giá heo vừa mới tăng trước đó và đang ở mức khá cao lại giảm ngay sau rằm tháng chạp là một diễn biến khá lạ của thị trường heo tết.

Cùng lúc này, giá tôm càng xanh cũng đang trên đà giảm, trong khi giá tôm trứng sinh sản ở mức bình quân 500.000 đồng/kg, thì giá tôm trứng sô chỉ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg. Tôm thịt mua sô (tôm sống) cũng giảm còn khoảng 200.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so cách nay hơn một tháng khiến người nuôi tôm thất vọng. Còn người nuôi cá lóc ở Trà Cú (Trà Vinh) – nơi có phong trào nuôi cá lóc theo mô hình công nghiệp phát triển mạnh cũng dở sống dở chết khi giá cá thương phẩm đã giảm gần 10.000 đồng/kg so với hồi tháng 11.2013. 

Ông Tăng Văn Nhường, người nuôi cá lóc ở ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Cú, Trà Vinh) cho biết: Tết năm ngoái cá lóc luôn ở mức 33.000 – 36.000 đồng/kg, người nuôi cá lóc ở Trà Cú trúng đậm thì tết Giáp Ngọ này giá cá đang trên đà giảm và hiện ở mức 26.000 – 27.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 3.000 – 4.000 đồng/kg. 

Chính vì vậy nhiều người nuôi cá lóc như ông Nhường đã sớm tính tới phương án chào bán cá cho các cơ sở sản xuất khô, nhưng vẫn không cải thiện được giá so với giá thu mua của lái phân phối cá tươi bán tại các chợ. Cùng đường, ông Nhường đã phải tiếp tục giữ cá trong ao, chạy thêm tiền thức ăn nuôi để chờ giá cá qua tết. 

Tuy nhiên, theo ông Nhường, hy vọng này cũng khá mong manh vì nhiều người khác cũng giữ lại cá để nuôi tiếp và vừa sau tết Nguyên đán đã là rằm tháng giêng, mùa có rất nhiều người ăn chay nên giá cá còn trông chờ vào sự may rủi.

Theo Ngọc Tùng

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên