MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội xuất khẩu đường sang EU

04-06-2013 - 15:02 PM |

Thông tin từ việc một số mặt hàng đường công nghiệp nhập khẩu vào EU sẽ không phải chịu thuế trong thời gian gần 1 năm, có thể sẽ mở ra cơ hội cho ngành mía đường Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, Ủy ban châu Âu (EC) vừa ban hành quyết định số 470/2013 về việc quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường công nghiệp. Theo đó, từ ngày 1/10/2013 đến hết ngày 30/9/2014, EC sẽ ngừng áp dụng thuế nhập khẩu vào EU đối với 400.000 tấn đường công nghiệp thuộc mã 1701 (chủ yếu là đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn) và có số đơn hàng 09.4390.

Đây là một tin vui đối với ngành đường, nhất là trong bối cảnh lượng đường tồn kho vẫn còn rất lớn. Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến ngày 24/5, các nhà máy đã ép được 16.241.197 tấn mía, sản xuất 1.491.402 tấn đường (không bao gồm đường thô nhập khẩu và đường thô trong nước cung cấp cho các nhà máy luyện). Tồn kho tại các nhà máy đường đến 24/5 là 526.215 tấn (kể cả đường thô), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 21.243 tấn. Lượng tồn kho này đã giảm nhiều so với mức trên 600 ngàn tấn hồi giữa tháng 5, nhưng vẫn là mức tồn kho quá lớn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP Đường Biên Hòa, cho hay, đường nhập lậu từ Thái Lan đang tràn vào rất nhiều, chỗ nào cũng thấy đường lậu. Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, giá đường nhập lậu đang rẻ hơn khá nhiều so với giá đường bán buôn trong nước. Ngày 27/5, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội từ 14.900 - 15.200 đ/kg, ở miền Trung từ 14.400 - 14.700 đ/kg, ở TP.HCM từ 14.600 - 14.900 đ/kg, và ở Cần Thơ từ 14.800 - 15.100 đ/kg. Trong khi đó, giá đường Thái Lan nhập lậu tại Lao Bảo là 13.700 đ/kg, tại Đông Hà 14.000 đ/kg, tại biên giới Tây Nam từ 13.200 - 13.300 đ/kg, tại TP.HCM 13.700 đ/kg.

Giá đường lậu cũng thấp hơn nhiều so với giá bán buôn đường kính trắng tại các nhà máy: Giá bán tại Cty CP Mía đường Sơn La hiện 14.320 đ/kg, Cty TNHH Mía đường Nghệ An Tate & Lyle 14.800 đ/kg, Cty CP Mía đường Sông Lam 14.700 đ/kg, Nhà máy đường Phổ Phong 14.850 đ/kg, Cty CP Mía đường Tuy Hòa 14.200 đ/kg, Cty CP đường Ninh Hòa 14.700 đ/kg, Cty CP đường Nước Trong Tây Ninh 14.500 đ/kg, Cty CP Mía đường Cần Thơ 15.010 đ/kg. 

Vì thế, ông Lộc cho biết, các nhà máy vẫn đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ đường tồn kho. Nếu không tìm được lối ra, các nhà máy khó mà giải quyết được lượng đường tồn kho hiện nay cho đến khi bước vào niên vụ mới.

Việc XK đường qua đường tiểu ngạch, vốn từng được coi là một lối ra cho tiêu thụ đường Việt Nam, nhưng chưa mang lại hiệu quả mong muốn bởi giá đường ở bên kia biên giới cũng đang ở mức thấp. Mặt khác, nhiều DN đang được cấp phép tạm nhập để tái xuất đường sang Trung Quốc lại đang lợi dụng ngay chính cái cửa khẩu duy nhất mà ngành đường Việt Nam đang xuất tiểu ngạch, để đưa hàng sang bên kia biên giới. Thành ra, vốn đã bị thất thế trên thị trường nội địa, đường nội cũng đang bị lấn lướt, bị chiếm chỗ ngay cả trên đường xuất tiểu ngạch, trước sự bất lực của các nhà máy đường.

Chính vì thế, Bộ Công thương cho rằng, quyết định nói trên của EU sẽ là cơ hội tốt để ngành mía đường đẩy mạnh tiêu thụ lượng đường tồn kho hiện nay bằng cách chủ động lập kế hoạch, tiếp cận, bán đường vào EU. Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường cũng cho rằng, việc EU bỏ thuế đối với 400 ngàn tấn đường nhập khẩu trong quãng thời gian như trên, sẽ là một tín hiệu tốt đối với ngành đường Việt Nam vốn đang rất cần tiêu thụ lượng đường tồn kho hiện nay.

Tuy nhiên, ngành đường Việt Nam có tiếp cận và XK được đường vào EU hay không thì chưa ai dám chắc. Trước đây, Việt Nam mới XK đường sang EU ở dạng lẻ tẻ, khối lượng rất nhỏ, do một số DN thực hiện. Nhưng ông Hải không cho đó là trở ngại chính, mà nhấn mạnh vào vấn đề giá cả cùng với những vấn đề phức tạp khác như tình hình thương mại đường trên thị trường thế giới, những dự báo cung - cầu trong thời gian tới... Vì thế, ông Hải cho rằng đây chưa hẳn đã là một cơ hội thuận lợi, nhưng biết đâu các DN Việt Nam vẫn có thể tiếp cận và XK được đường sang EU.

Theo Sơn Trang

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên