MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường lậu vào Việt Nam như thế nào?

18-05-2013 - 08:40 AM |

Càng ngày càng tăng và càng công khai - Báo cáo mới nhất của VSSA cung cấp lên Ban chỉ đạo 127 T.Ư cung cấp cái nhìn toàn cảnh vì sao đường nội địa bị đường lậu nhấn chìm đến không gượng dậy nổi.

Theo báo cáo về tình hình buôn lậu đường mà Ban chỉ đạo 127 TW (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương) nhận được từ VSSA (Hiệp hội mía đường Việt Nam) vào tháng 4/2013, đường lậu đã xâm nhập vào nước ta từ nhiều năm trước, mức độ tăng dần, nếu kể từ 2010 đến nay thì số lượng ngày càng tăng. Niên vụ 2010/2011 với khoảng 200.000 – 300.000 tấn. Niên vụ 2011/2012 khoảng 300.000 – 400.000 tấn. Niên vụ 2012/2013: khoảng 400.000 – 500.000 tấn. 

Số đường lậu này bao gồm đường trắng và đường luyện xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan, chủ yếu qua ba con đường: Nhập lậu qua biên giới Tây Nam Campuchia, nhập lậu qua biên giới khu vực miền Trung và đường lậu từ nguồn đường tạm nhập tái xuất ở các cảng, cửa khẩu.

Đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam Campuchia chủ yếu là tại các cửa khẩu: Vĩnh Xương, Khánh BÌnh, Tịnh Biên (Châu Đốc, An Giang) và Hồng Ngư (Đồng Tháp), thỉnh thoảng vào cửa biển Bến Tre, Sóc Trăng.

Tại khu vực này, đường tập kết bên kia sông thuộc Campuchia trên các thuyền hay xà lan lớn, sau đó bốc xuống ghe nhỏ hơn chuyển hàng qua kho nhập lậu tại gần các cửa khẩu này rồi sang bao để chuyển đi sâu vào nội địa bằng xe tải lớn hoặc bằng ghe lớn có thể lên đến 80-100 tấn.

Tiếp đó đường được phân phối vận chuyển về các tỉnh ĐBSCL và TPHCM cũng bằng đường thủy hoặc bộ với các xe tải và ghe tải lớn. Số lượng lớn đường này tập kết về các kho của các trùm buôn lậu đường tại các tỉnh ĐBSCL và TPHCM.

Sau khi vận chuyển vào địa bàn, đường được các đầu nậu sang bao, trước đây dùng bao của các thương hiệu trong nước nhưng nay thì không cần dùng bao có nhãn hiệu trong nước mà dùng bao trắng sau khi sang bao kẹp 1 nhãn hiệu nhỏ của cơ sở đóng gói hoạt động tại địa phương, có trường hợp để y nguyên bao bì nhãn mác đường Thái mà bán thẳng ra thị trường. Trong các năm gần đây thỉnh thoảng một số xà lan tiếp nhận đường lậu từ tàu nước ngoài ngoài khơi rồi vào các cửa sông của Sóc Trăng. Mới nhất vụ việc Biên Phòng Sóc Trăng bắt được xà lan chở 300 tấn đường cát vàng vào cửa Trần Đề ngày 7/3/2013.

Đường vận chuyển lậu tại An Giang - Ảnh: Báo PLTP


Ở khu vực miền Trung, đường lậu nhập chủ yếu tại khu vực 2 cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và Cầu Treo (Hà Tĩnh). Tại hai cửa khẩu này đường Thái Lan nhập lậu từ Lào vào bằng cả 2 hình thức: nhập lậu và gian lận thương mại qua tạm nhập tái xuất.

Về nhập lậu thì các chủ hàng chỉ cần “làm luật tại cửa A hoặc B là đường đưa vào nội địa. Về gian lận thương mại thì thông qua các DN hoạt động tại khu kinh tế mở tại Lao Bảo, dưới hình thức các DN trong khu kinh tế mở tại cửa khẩu mua hàng làm nguyên liệu sản xuất miễn thuế để tái xuất.

Một lối vào nữa của đường lậu tại đây, là lợi dụng quy định mua hàng miễn thuế của cư dân biên giới, các thương nhân đã dùng cách thức đăng ký dân địa phương để mua lặp lại nhiều lần với số lượng lớn, kể cả những người đã chết cũng có tên trong danh sách mua đường. 

Thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cho thấy, chỉ nói riêng năm 2012, số lượng đường Thái Lan được nhập vào 33.000 tấn (đến tháng 12/2012 đã tái xuất 12.000 tấn), “kẹt” lại Lao Bảo 21.000 tấn . Số lượng này chia cho số dân Lao Bảo thì ra con số “kinh hãi” là 1,3kg/người/ngày, tức là… mỗi người dân Lao Bảo sẽ ăn đường kính Thái Lan thay… cơm!

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại đường ở khu vực phía Bắc có cách thức hoàn toàn khác, đó là lợi dụng kẽ hở của chính sách tạm nhập tái xuất để đưa hàng nhập khẩu tiêu thụ nội địa thay vì tái xuất.

Sử dụng chiêu bài này, các thương nhân đăng ký tạm nhập đường nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác như sữa, bánh kẹo,… để xuất khẩu; và kể cả tạm nhập đường thô để luyện thành đường luyện để xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội mía đường Việt Nam, phần lớn trong số lượng đường này sẽ không được xuất trở ra. Tình trạng này diễn ra phổ biến như những vụ việc tạm nhập tái xuất ở cảng Hải Phòng về các cửa khẩu ở Lào Cai để xuất sang Trung Quốc, nhưng thực chất là đem tháo niêm phong container và đem đi tiêu thụ nội địa. 

Đáng nói là tuy báo chí và Hiệp hội mía đường phản ánh nhiều, nhưng khái niệm buôn lậu đường qua tạm nhập tái xuất chưa bao giờ được các cơ quan quản lí công thương thừa nhận. Do đó trong các báo cáo hàng năm liên quan đến ngành đường cũng như đến tình hình xuất nhập khẩu nói chung, chưa bao giờ có con số thống kê cụ thể về vấn đề này.

Chỉ có thể dẫn ra một con số mà Đội phòng chống buôn lậu phía bắc từng cung cấp cho báo chí vào giữa năm 2012, đó là trong thời gian kiểm tra hàng tạm nhập tái xuất chỉ trong 2 tháng, kể ngày 22-6-2012 đến tháng 1/9/2012, cơ quan chức năng kiểm soát 35 tờ khai tạm nhập tái xuất 204 container đường của 11 doanh nghiệp, nhưng thực xuất qua các cửa khẩu phía Bắc chỉ có 60 container, nằm tại cảng Hải Phòng là 24 container, tới cửa khẩu để chuẩn bị xuất khẩu là 38 container. Như vậy còn 82 container “bốc hơi” không tăm tích trong nội địa.

Hiệp hội mía đường Việt Nam dự báo: "Hiện nay tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường rất phổ biến và rất lớn, mà thông tin từ thị trường cũng như trong nhân dân ai cũng có thể thấy rất rõ, trong khi đó các cơ quan chức năng thì ít thấy hoặc không thấy, trong khi thực tế các cơ quan truyền thông đã đưa tin rất nhiều về vấn đề này.

Với tình hình này việc nhập lậu số lượng lớn ngày càng tăng và công khai hơn chứ không bí mật nữa, gây thất thu cho nhà nước, lũng đoạn thị trường và có thể làm phá sản ngành sản xuất mía đường VN trong đó chủ yếu ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân trồng mía."



Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên