MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể bóc ngắn, cắn dài

13-12-2013 - 09:50 AM |

Chưa có cơ quan nào xác nhận thông tin TQ triển khai trồng 20.000ha thanh long như đồn đoán. Nhưng theo các chuyên gia, thanh long VN dần mất sự độc tôn khi TQ và nhiều quốc gia khác trồng thành công loại cây này.

Với việc Trung Quốc tiêu thụ 71% lượng thanh long VN hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo tới đây xuất khẩu thanh long VN sẽ gặp khó nếu không nhanh chóng tìm thị trường mới, một khi thị trường TQ có được nguồn cung nội địa. Trong khi đó, nhiều nông dân và doanh nghiệp VN vẫn đua nhau mở rộng diện tích do thanh long vẫn đang được giá.

Theo Hiệp hội Rau quả VN, đến nay cả nước có 32 tỉnh thành trồng thanh long với khoảng 25.000ha, sản lượng trên 460.000 tấn/năm, kim ngạch khoảng 150 triệu USD. Hiện Bình Thuận chiếm hơn 80% diện tích thanh long cả nước và từ năm 2006 đến nay, diện tích này tăng trung bình 2.000ha/năm. Chưa kể các tỉnh Tiền Giang, Long An... cũng đang phát triển mạnh cây thanh long.

Theo TS Trương Ngọc Trung Lập - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu cây ăn quả Nam bộ), chưa biết cụ thể TQ trồng bao nhiêu nhưng họ đang mở rộng diện tích thanh long là có thật và chúng ta đang đối diện với thực tế cây thanh long không còn của riêng VN.

“Chỉ cần 33 giờ là thanh long VN sang TQ, và họ dễ dàng chấp nhận chất lượng thanh long VN, nên nhà xuất khẩu thừa thắng xông lên, người dân cũng “chảnh” vì đầu ra tốt nên mặc kệ chất lượng thanh long. Tuy nhiên, để sống dài hơi với cây thanh long, VN không thể tiếp tục phụ thuộc vào TQ” - ông Lập nói.

TS Bùi Xuân Khôi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, cũng cho rằng ngoài TQ, hiện nay Thái Lan, Philippines cũng trồng được thanh long. “VN tự ru ngủ với chất lượng thanh long ngon nhất, nhưng không ai dám chắc tương lai ai hơn ai. Nếu TQ thành công với cây thanh long, khả năng họ tự túc được thanh long có thể xảy ra” - ông Khôi cảnh báo. 

Trong khi đó, ông Lập cho rằng mang tiếng là qua Mỹ, nhưng thực tế thanh long VN chủ yếu quanh quẩn ở bang California, còn các thị trường khác cũng mất thương hiệu nên chuyện quảng bá cho thanh long VN rất khó.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch HĐQT Công ty xuất khẩu trái cây An Phú A.P.P (TP.HCM), khẳng định TQ chưa bao giờ là thị trường ổn định. Không ít lần các xe thanh long VN rồng rắn xếp hàng ở cửa khẩu chờ qua TQ, nếu qua được cũng bán giá bèo bọt, còn không được thì đổ bỏ. 

“Hiện TQ chỉ trồng được thanh long mùa thuận từ tháng 4 đến tháng 9, VN trồng được quanh năm, nên có thể xuất qua thị trường này vào mùa nghịch. Nhưng về lâu dài, chúng ta cần quyết liệt hơn trong vấn đề mở rộng thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Vì nhu cầu thanh long ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn...còn rất lớn, họ sẵn sàng trả giá gấp bốn, năm lần thị trường TQ nhưng chúng ta chỉ đáp ứng lượng rất ít do chưa vượt qua hàng rào kỹ thuật” - ông Thành nói

Theo ông Khôi, hiện giá thanh long cao gấp bốn lần các năm trước, nên nhiều địa phương đổ xô trồng nhưng nếu không tính bài toán đa dạng sản phẩm thì thanh long có thể rớt giá vì không có đầu ra.

“Chúng ta có thể chuyển dần thanh long ruột trắng sang đỏ, vàng vì hiện thị trường rất ưa chuộng hai loại này và Nhật Bản đang cần một lượng lớn thanh long ruột đỏ để dùng chiết xuất cho ngành mỹ phẩm. Bên cạnh đó, cần đa dạng các sản phẩm sau chế biến như sấy khô, làm mứt, nước hoa quả thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu tươi sẽ giúp thị trường thanh long VN rộng hơn” - ông Khôi hiến kế.

Dù là địa phương đi đầu với chủ trương nâng cao diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và chuyển đổi dần sang thanh long ruột đỏ, nhưng Bình Thuận cũng gặp không ít khó khăn. Theo bà Đào Thị Kim Dung - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận, loại thanh long ruột đỏ có hoa tiết dịch ngọt nên dễ bị sâu bệnh tấn công, vì thế nông dân ngán. Thanh long đang được giá, nên thay vì gắn bó với tiêu chuẩn an toàn, nhiều nông dân đổ xô vào sản xuất kiểu truyền thống sao cho đỡ tốn công nhất, thanh long nhanh thu hoạch.

Theo Nguyễn Trí

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên