MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý: Xoài được mùa, mất giá, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu

04-06-2014 - 20:46 PM |

Mỗi khi các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào vụ thu hoạch trái cây đặc sản thì đều bị thương lái ép giá trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lại than thiếu nguyên liệu.

Đây chính là nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm qua, đặc biệt là đối với loại trái cây chủ lực như xoài.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, hiện toàn vùng trồng khoảng 41.000 héc-ta xoài các loại với sản lượng tương đương 420.000 tấn. Trong đó, xoài cát Chu, cát Hòa Lộc chiếm gần 40% diện tích và được trồng chủ yếu ở 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang.

Nông dân được mùa, mất giá

Chủ một nhà vườn ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay từ đầu vụ, thương lái đến tận vườn mua xoài cát Hòa Lộc với giá dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg; xoài cát Chu cũng đứng ở mức từ 13.000 - 14.000 đồng/kg. Nhiều chủ vựa còn thu mua cả xoài non với cùng mức giá như xoài già để bán lại cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Tuy nhiên, khi phía Trung Quốc ngừng mua thì giá xoài “rơi tự do” xuống còn 4.000 đồng/kg xoài cát Chu và 8.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc có bao trái... 

Theo thương lái, có nhiều nguyên nhân tác động khiến giá xoài giảm. Thứ nhất là do vào chính vụ thu hoạch, xoài từ miền Tây và các tỉnh, thành khác đưa về khá nhiều, nhiều vùng được mùa xoài nên nguồn cung nhiều. Thứ hai, hiện nay xoài ba mùa xuất khẩu sang Trung Quốc rất chậm, đầu ra tương đối khó khăn. Thứ ba, do giá cước vận chuyển tăng cao nên thương lái đã hạ giá thu mua để bù chi phí vận chuyển. Vụ xoài năm nay giá giảm mạnh khiến nhiều nhà vườn miền Tây Nam Bộ thất thu nặng. 

“Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên xoài ra hoa và đậu trái thấp. Trong khi đó, dịch bệnh trên xoài diễn ra nhiều nên nông dân gánh nặng chi phí sản xuất. Nếu giá xoài ổn định ở mức 20.000 đồng/kg thì nhà vườn mới hy vọng có lãi” - một chủ vựa ở Đồng Tháp cho biết. Tại Tịnh Biên, An Giang, nhiều nhà vườn bỏ trái chín vàng cây, rụng đầy dưới đất do thương lái không mua. Thậm chí, tình trạng thương lái ép giá nông dân mỗi khi vào chính vụ đã trở thành một thông lệ.

Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 9 chủ vựa lớn và 7 công ty chuyên xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu. Điều nghịch lý là trong lúc xoài rớt giá và khó tìm nơi tiêu thụ thì các DN lại lo thiếu nguyên liệu chế biến. 

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải cho biết, các DN đang phân khúc thị trường để tiêu thụ hết lượng xoài tại các vườn ở cả 3 vụ/năm. Cụ thể, xoài được thu hoạch trong mùa nghịch có lượng đường thấp thì DN xuất sang châu Âu, ngược lại thì chuyển sang Nhật. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng với tập quán ủ trái như hiện nay của nông dân thì không bảo đảm về mẫu mã cũng như chất lượng để xuất khẩu. 

“Hiện thị trường tiêu thụ trên thế giới còn rất lớn nhưng chúng tôi không có đủ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Do đó giữa nông dân và DN phải có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ nhằm tránh tình trạng có cầu mà lại thiếu cung” - ông Liêm chia sẻ. 

Các thương lái chuyên thu mua xoài xuất khẩu cũng cho rằng, sản lượng xoài hiện nay vẫn chưa đủ so với nhu cầu xuất khẩu do khâu bảo quản và ý thức của bà con còn yếu. Ngay cả việc nhà vườn hái hết cả xoài già lẫn xoài non bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc như thời gian qua cũng sẽ làm nhiều DN lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng. 

Thậm chí có nhiều DN, chủ vựa đã giải thích thiệt hơn mà người trồng vẫn hái xoài non để bán. Trong đó, trái xoài cát Chu đang được thị trường ưa chuộng và có thể vượt qua cả xoài Thái Lan nhưng cũng nằm trong tình trạng chung này.

Các nhà quản lý cho rằng, để việc tiêu thụ được thuận lợi thì DN và nông dân phải được gắn kết nhau trong chuỗi giá trị gia tăng. Các DN nên tìm giải pháp trực tiếp ký hợp đồng với người trồng xoài để giảm bớt chi phí ở các khâu trung gian. Nếu làm được việc này thì nhà vườn không phải chịu cảnh thương lái ép giá giống như lúa gạo. 

PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cũng cho rằng việc sản xuất và tiêu thụ xoài hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những mục tiêu đặt ra là phải giảm lệ thuộc vào Trung Quốc vì thị trường này hiện chiếm hơn 34% sản lượng xoài xuất khẩu. Do đó, cần khai thác tối đa thị trường nội địa, nhất là tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như xoài sấy dẻo và nước ép xoài.

 

Theo Hương Giang

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên