MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người miền Trung vẫn khát khao làm giàu từ “vàng trắng”

15-12-2013 - 09:00 AM |

Bão quật đổ cao su rồi, người dân quyết tâm trồng lại. Còn nhà quản lý thì nói “trồng được”.

Vỡ quy hoạch cây cao su ở khu vực Bắc Trung Bộ để lại hậu quả nghiêm trọng với hàng ngàn héc ta cao su bị gãy đổ. Người nông dân với tài sản hàng tỷ đồng, qua hai cơn bão, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Một vấn đề cấp bách được đặt ra là: nên hay không nên tiếp tục trồng cây cao su ở vùng thường xuyên bị bão?

Bão cuốn đi bạc tỷ

Đứng giữa rừng cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhìn vườn cao su ngã đổ ngổn ngang, những dòng nhựa trắng ứa ra, khô dần, rồi sậm màu, ông Nguyễn Hữu Phương, đỏ hoe đôi mắt. “Chừ cây cao su gãy hết rồi, buộc phải dọn dẹp để trồng lại. Gia đình rất khó khăn. Hiện thiệt hại tính ra cũng phải 3 tỷ bạc. Mong muốn nhất của người dân ở đây là Nhà nước khoanh nợ, đồng thời tiếp tục cho vay vốn để khôi phục lại.”

Ông Phương cho biết, gia đình đã dốc toàn bộ vốn liếng, công sức trồng hơn 15 ha cây cao su, mới khai thác được 3 năm, giờ bị mất trắng. Ông Phương nhẩm tính, mỗi ha cao su, từ khai hoang, trồng mới đến kỳ thu hoạch mất đứt cả trăm triệu đồng. Vậy là, cơn bão số 10 đã cuốn phăng hơn 3 tỷ đồng của gia đình ông.

Còn chị Dương Thị Mai Hương, có 6 ha cây cao su bị gãy đổ ở Nông Trường Việt Trung cho hay, gia đình chị và hầu hết các hộ trồng cao su ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn còn nợ ngân hàng. Hộ nợ ít cũng trên dưới 500 triệu đồng, hộ nhiều lên đến bạc tỷ.

“Được bao nhiêu vốn, gia đình tôi đổ xô vào trồng cây cao su. Bây giờ hư hại hết, không biết lấy vốn đâu để trả tiền ngân hàng. Gia đình tôi có 5 đến 6 héc ta gãy đổ hoàn toàn, không có khả năng khắc phục được nữa. Bây giờ, đầu tư lại cây cao su phải 6 đến 7 năm mới khai thác được.”- chị Dương Thị Mai Hương than vãn.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tới 22.000 ha cao su bị thiệt hại trong hai cơn bão số 10 và 11, trong đó, khoảng 14.000 ha không thể phục hồi.

Cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm gia đình ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đành cầm cố, thế chấp ruộng, vườn, nhà cửa,… dồn vào cây “vàng trắng” với kỳ vọng thoát nghèo và có thể làm giàu bỗng chốc bị khánh kiệt.

Xem thêm: 'Vàng trắng' trôi theo bão

Nước mắt 'vàng trắng'

Tiếp tục trồng cao su ở miền Trung?

Những mất mát quá lớn do thiên tai làm nảy sinh sự hoang mang, dao động về mục tiêu giảm nghèo và làm giàu từ cây cao su. Có ý kiến cho rằng, chủ trương phát triển cây cao su ở khu vực Bắc Trung Bộ cần phải được xem xét lại. Một số vùng cần chuyển đổi diện tích cây cao su sang trồng cây khác an toàn hơn. 

Lý do được chỉ ra là: Vùng này thường xuyên phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn. Đặc biệt trong những năm gần đây, thiên tai xuất hiện với tần suất dày hơn, sức tàn phá khủng khiếp hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khi đó, cây cao su phải mất khoảng 6-7 năm chăm sóc mới có thể đưa vào khai thác. Vì vậy, nếu gặp rủi ro như những cơn bão vừa qua, người trồng cao su sẽ bị đẩy vào cảnh trắng tay, nợ nần.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng nêu ý kiến, từ xưa nay, cha ông ta không trồng cao su ở vùng này: “Khi đem cây cao su từ Brazil sang Việt Nam, người Pháp hết sức thận trọng, trồng khắp nơi, sau đó, đủ thời gian, người ta xem về hiệu quả của nó, về mủ, người ta mới làm ồ ạt. Tôi nghĩ nước mình đã thoát khỏi nước nghèo đói rồi. Giờ chúng ta không thể làm kinh tế bằng bất cứ giá nào. 

Viện Cao su đã làm các quy trình, quy phạm rất tốt. Ví dụ Thông tư 127 về đặc điểm sinh thái của vùng trồng cao su có nói rằng, không được trồng ở khu vực có khả năng có bão cấp 8. Tôi không biết các tỉnh có quan tâm đến các yếu tố này không?”

Phía Tây miền Trung, chúng ta tìm đủ cây đưa vào trồng, từ công nghiệp cho đến cây ăn quả nhưng đều không thành công. Chúng ta đã qui hoạch, trồng vùng cây mía đường và xây dựng 3 nhà máy đường tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh nhưng cây trồng này phá sản, tất cả 3 nhà máy phải đóng cửa, chuyển đi nơi khác.

Cây cà phê, dự kiến, phát triển 10.000 ha, nhưng đến nay, chỉ trồng đạt được một nửa. Cây chè quy hoạch 11.000 ha, cũng mới phát triển 8.000 ha. Cây hồ tiêu được đánh giá là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng chỉ  phát triển ở vùng Tân Lâm, Quảng Trị.

“Trong khi đó, cây cao su đã đứng được ở vùng đất này, tạo thành vùng hàng hoá đúng theo chỉ đạo và mục tiêu của Chính phủ, đáp ứng mong muốn và khát vọng của người làm công tác qui hoạch, chính quyền địa phương và người dân.”- Ông Nguyễn Văn Chinh, khẳng định chắc nịch

Không trồng cao su thì chẳng biết trồng cây gì?

Còn nông dân, các nhà quản lý ở địa phương, cơ sở, những người gắn chặt với cây cao su mấy chục năm qua, nói gì?

Ông Dương Đình Phương, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trồng 8 ha cao su, cho biết: Cơn bão số 10 vừa qua, 90% diện tích cao su nhà ông bị gãy đổ, cướp đi cơ nghiệp hàng chục năm dày công gây dựng. 

Thế nhưng, ông Phương vẫn khẳng định sẽ trồng lại cây cao su: “Gãy đổ rồi, nhân dân nguyện vọng vẫn trồng cao su, không trồng cao su thì trên vùng đất gò đồi không trồng cây gì có hiệu quả. Trồng bạch đàn và trồng sắn được 1 vụ, cằn đất. Tôi là người có diện tích cây cao su bị đổ gãy nhưng rồi hào hứng trồng lại vì 30 năm, bão mới trở lại 1 lần. Năm  1983 bị một lần, năm nay, bị lần nữa. 30 năm đó, thu lợi nhuận biết bao nhiêu.”

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, qua tính toán hiệu quả các cây trồng khác trên vùng đất gò đồi như ngô, lạc, sắn, khoai môn, khoai từ,…, thấy rằng, cây cao su có nhiều lợi thế hơn hẳn như đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế hơn, tạo nguồn thu ổn định và việc làm quanh năm.

Đặc biệt, cây cao su, có thể trồng xen canh các cây ngắn ngày ngay từ năm thứ nhất, qua đó tạo thêm nguồn thu, giảm bớt chi phí đầu tư. Đặc biệt, sau 6 năm xây dựng cơ bản, cây cao su cho khai thác liên tục 20 năm, với thu nhập bình quân mỗi năm từ 60-80 triệu đồng/ha. Chỉ sau 3 năm thu hoạch, người trồng cao su có thể lấy lại vốn đầu tư.

Cũng vì lý do này nên ông Nguyễn Bá Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở đã tham mưu cho tỉnh tiếp tục phát triển cây cao su: “Qua 16 năm đưa vào trồng, Hà Tĩnh đã trồng được 10.700 ha, trong đó, chủ yếu đại điền, mỗi năm thu lợi nhuận từ 15 đến 50 tỷ đồng. Như vậy, trên đất nông nghiệp và lâm nghiệp của Hà Tĩnh, chưa có cây nào có hiệu quả kinh tế như cây cao su.

Sau bão số 10, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người dân và các nhà quản lý. Tỉnh có thể xem xét lại 18% diện tích của 4 huyện gần bờ biển, cách bờ biển 30 km. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho tỉnh phát triển cây cao su. Nếu không  trồng cao su nữa, rõ ràng, không có cây gì có thể  thay thế, bảo đảm kinh tế nông nghiệp phát triển ở vùng đất này.”

Liệu quyết tâm tiếp tục trồng cây cao su của người miền Trung có quá mạo hiểm không?

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thống kê từ năm 1970 đến nay, ở khu vực này, có 9 cơn bão lớn, làm gãy, đổ khoảng 15-20% diện tích cây cao su.

Phải chăng con số thiệt hại này là có thể chấp nhận được nên ông Phạm Hồng Sơn, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã khẳng định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay mới của người trồng cao su?

“Trong 223 tỷ của miền Trung cho vay trồng cây cao su thì chỉ có 0,7 tỷ là nợ xấu. Trả nợ của người dân ở miền Trung rất tốt. Sau cơn bão này, những  hộ có nhu cầu vay mới để sản xuất hoặc chuyển đổi cây trồng, chúng tôi vẫn sẵn sàng cho vay.”- ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.

Bây giờ, người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn bền bỉ theo đuổi khát vọng làm giàu từ cây “vàng trắng”. Vậy, có nên mở rộng hơn nữa diện tích cây cao su? Và ở vùng tâm bão, làm thế nào để cây trồng này có thể hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất?/.

Theo nhóm phóng viên

khanhnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên