MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp: Bao giờ hết trôi nổi?

30-12-2013 - 08:14 AM |

Hiện nay, chỉ có một lượng nhỏ sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình an toàn có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng; còn lại hầu hết đều bán trôi nổi trên thị trường.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã bắt được một xe tải đang vận chuyển khoảng 600kg nội tạng động vật (đang trong quá trình phân hủy) không rõ nguồn gốc vào địa bàn Hà Nội. Đây chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm", tình trạng thực phẩm hiện nay. Việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm bẩn này vẫn còn bỏ ngỏ, thậm chí ngay cả chất lượng thực phẩm cũng chưa được chính người tiêu dùng quan tâm thỏa đáng.

Gian nan truy tìm nguồn gốc

Hiện nay, chỉ có một lượng nhỏ sản phẩm nông nghiệp như: Thịt, cá, trứng, rau, củ, quả... được sản xuất theo quy trình an toàn có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng; còn lại hầu hết đều bán trôi nổi trên thị trường, gây khó khăn cho việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm.

Nông dân không quan tâm tới việc ghi chép sổ sách, nhật ký sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, dẫn tới nhiều sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… vượt giới hạn cho phép; thương lái tìm mọi cách đưa các chất cấm vào bảo quản; người tiêu dùng thì lúng túng, có phần thờ ơ trong việc lựa chọn thực phẩm.

Những con số đáng ngại

Trong tháng 11, triển khai chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Bắc cho thấy, 4/54 mẫu thịt gà phát hiện Campylobacter spp, 2/40 mẫu và 4/40 mẫu dương tính lần đầu với Chloramphenicol và Furazolidon (2 loại chất cấm); 4 mẫu phát hiện tetracyline vượt giới hạn cho phép.

Từ đầu năm đến nay, cả nước nhập khẩu khoảng 689.000 tấn của 90 mặt hàng có nguồn gốc thực vật. Kết quả kiểm tra 96 mẫu rau quả cho thấy có 8 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định cho phép, trong đó có 1 mẫu củ cải trắng, 5 mẫu quýt, 2 mẫu cà rốt. 

Tại Hà Nội, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm cũng không kém phần phức tạp. Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN&PTNT TP Hà Nội Vũ Minh Đức cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở đã lấy 416 mẫu rau, 100 mẫu quả, 140 mẫu chè, 140 mẫu thịt, 80 mẫu thuốc thú y, 234 mẫu thuốc bảo vệ thực vật; 638 mẫu thủy sản, 10 mẫu sữa, 45 mẫu nước mắm, 10 mẫu đậu đỗ…

Kết quả phát hiện 4 mẫu chè vượt giới hạn cho phép; 10 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; 12 mẫu nước mắm có hàm lượng Histamine vượt quá ngưỡng (chiếm 26,67%); 54 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng (chiếm 23,1%); 3 mẫu thủy sản có hàm lượng kháng sinh vượt giới hạn…

Còn theo Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Hằng, trong năm qua Thanh tra Sở đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy 10kg thịt bò, 18kg thịt không còn nhãn mác, 17kg sườn lợn, 5kg cá bốc mùi và 270 hộp bánh đã bị mốc. Ngoài ra, còn tịch thu hơn 200kg ruột lợn, 23kg gà tươi, 393kg nội tạng động vật gồm sách bò, lòng bò, tim, phổi và 6 thùng xốp chứa ba ba (mỗi thùng có 26 con); 70 con cá trắm giòn đã bị chết; 2kg nầm bò; nấm hương; mọc nhĩ… không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.

Theo bà Hằng, càng gần Tết Nguyên đán, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trôi nổi trên thị trường nên cơ quan chức năng càng phải kiểm tra sát sao và người tiêu dùng càng nên thận trọng. 

Người dân thờ ơ với nguồn gốc

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho rằng, hiện nay vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất nan giải bởi người dân vẫn tự sản xuất mà chưa có sự giám sát của cơ quan chuyên môn.

Thực tế hiện nay, với đồng ruộng manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, thói quen canh tác cố hữu, bảo thủ từ bao đời nay, người nông dân không quan tâm tới việc ghi chép, sổ sách nhật ký sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả và thuốc kháng sinh trong chăn nuôi nên việc quản lý khó khăn. Không chỉ kém an toàn vệ sinh thực phẩm từ nơi sản xuất, thực phẩm qua tay thương lái cũng khó giữ "sạch".

Vì lợi nhuận, thương lái sẵn sàng đưa những chất cấm vào bảo quản, chế biến sản phẩm, gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, bản thân người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm nên chưa gắn kết được mối quan hệ giữa người dân và chính quyền địa phương trong việc giám sát tuân thủ an toàn thực phẩm (ATTP) và truy xuất nguồn gốc tại nơi sản xuất và tiêu thụ.

Trao đổi về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, việc các cơ sở sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sử dụng chất cấm mà không bị phát hiện, xử lý là chính quyền các địa phương chưa làm tròn trách nhiệm. Cuối năm, lượng rau quả, thịt nhập khẩu rất lớn.

 Nguồn gốc thực phẩm và việc sử dụng chất bảo quản của thương lái đều chưa kiểm soát được nên thực phẩm "bẩn" càng có điều kiện trôi nổi trên thị trường... Vì vậy, các đơn vị của Bộ cần phối hợp với các ngành công thương, hải quan, công an… tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP trong năm 2013, các đơn vị của ngành nông nghiệp đã kiểm tra bảo đảm ATTP ở 8.715 vùng, chợ, kinh doanh rau, củ, quả, chè… đã phát hiện 894 cơ sở vi phạm. Trong lĩnh vực kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, vận chuyển sản phẩm động vật đã kiểm tra và tiêu hủy 27 con lợn; 2.811kg sản phẩm gia cầm sống và 8.908 con gia cầm sống; 25.501 sản phẩm động vật các loại; 96.890 quả trứng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không bảo đảm vệ sinh ATTP.

Trong nuôi trồng, sơ chế, chế biến kinh doanh thủy sản đã kiểm dịch được 4 triệu con cá bột; 9,54 triệu con cá giống; 12,4 tấn cá bố mẹ; 242,5 tấn cá thương phẩm. Tuy nhiên, số lượng giống được kiểm dịch chỉ chiếm khoảng 1,3% lượng giống sản xuất ra.

Theo Quỳnh Dung

khanhnt

Hà Nội mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên