MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những trăn trở từ một làng hoa

13-12-2014 - 18:36 PM |

Làng hoa Tây Tựu thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nổi tiếng là vùng cung cấp hoa tươi chính cho thủ đô và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

 Gần 20 năm làm nghề, người dân nơi đây vẫn sử dụng các biện pháp canh tác, chăm bón thủ công; khó khăn nhất hiện nay là việc tìm đầu ra cho sản phẩm và nguồn đầu tư để phát triển. Những điều này khiến cho Tây Tựu chưa có được bước đột phá phát triển mới.

Có lẽ bất kỳ ai khi đặt chân đến vùng đất hoa Tây Tựu đều cảm nhận được sự yên bình, nét chân chất của vùng quê ngoại thành với muôn màu khoe sắc của các loài hoa. Mặc dù không được ưu ái về thời tiết, nhưng hoa Tây Tựu vẫn thu hút bởi sự đa dạng về chủng loại. Tốc độ đô thị hóa nhanh, khiến các vùng hoa nổi tiếng như Xuân Đỉnh, Xuân La, Nhật Tân… bị mất dần.

Riêng có làng hoa Tây Tựu vẫn ngày càng lớn mạnh nhờ lợi thế là địa bàn ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp còn lớn. Ngoài diện tích canh tác hiện có, người dân Tây Tựu còn thuê thêm ruộng ở các phường lân cận như Liên Mạc, Minh Khai, Tân Lập để chuyên canh hoa. Khác với trước đây, người trồng hoa phải tự mang sản phẩm của mình đi rao bán, thì bây giờ, hoa còn ở ngoài ruộng đã có rất nhiều lái buôn cũng như khách lẻ đến tận vườn để chọn mua hoa

Hoa Tây Tựu được đánh giá là có dáng đẹp, màu sắc rực rỡ, bông nở to. Nhớ lại những ngày đầu chuyển từ trồng rau màu sang trồng hoa, người dân còn rụt rè, hoa chỉ mang lên chợ Quảng Bá tiêu thụ, mà giờ đây, hoa Tây Tựu đã đi khắp đất nước và cả nước ngoài.

Vào những ngày tháng cuối năm này, trên những cánh đồng hoa của Tây Tựu, bà con đang chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Cạnh những ruộng hoa đã đến kỳ thu hoạch, là những luống đất đã được đánh kỹ để chuẩn bị gieo vụ hoa mới. Hoa được trồng chủ yếu là cúc và ly. Bông cúc ở đây có dáng thẳng, đóa lớn, màu vàng óng nên rất được ưa chuộng.

Ông Đinh Duy Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã số 1, cho biết: Ở đây, nhà nhà đều trồng hoa, người lớn tuổi truyền kinh nghiệm cho người ít tuổi. Người dân hỗ trợ lẫn nhau về vốn, vầ giống, liên kết cùng nhau phát triển kinh tế. Nghề trồng hoa cũng là nghề nông, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nào mưa thuận gió hòa, tiết trời ấm áp thì người trồng cũng nhàn hơn, còn ngược lại thời tiết khắc nghiệt thì tốn nhiều công sức trong việc chăm sóc.

Việc lựa chọn giống hoa ảnh hưởng quyết định tới chất lượng hoa, chăm sóc hoa cũng phải kỹ lưỡng. Hoa cúc ở Tây Tựu có khoảng 5- 7 loài, trồng rất nhàn bởi là loại cây trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt. Hoa hồng thì lại dễ gặp sâu bệnh, nên đòi hỏi người trồng phải thường xuyên chăm tưới. 

Người dân ở đây ví trồng ly như là “canh bạc” bởi nó mặc dù rất được ưa chuộng những năm gần đây, nhưng khi trồng lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Được chăm chút, nâng niu, hoa cũng không phụ công người. Hằng năm, làng hoa cung cấp cho thị trường tiêu dùng hơn 250 triệu bông hoa. Vùng ngoại thành này đã có nhiều thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng đã ngày một nhiều lên, bắt nhịp với sự phát triển của Thủ đô.

Hầu hết người dân Tây Tựu đều gắn bó với nghiệp trồng hoa. Thế nhưng, chứng kiến những người dân dậy từ sáng sớm, cần mẫn cầm cuốc xới từng thước đất, bón phân cho hoa, chúng tôi tự hỏi vì sao với một làng hoa dày kinh nghiệm như thế này, mà ít thấy áp dụng khoa học- kỹ thuật vào canh tác, để bà con vừa đỡ vất vả, năng suất lại cao hơn? Quanh mấy ruộng hoa, chỉ thấy mỗi đường ống dẫn nước và hệ thống đèn chiếu sáng cho hoa.

Chủ nhiệm Hợp tác xã số 1 Đinh Duy Hòa cho hay: “Hợp tác xã chỉ chịu trách nhiệm cung ứng điện, nước và tổ chức các đợt tập huấn kỹ thuật cho xã viên hằng năm. Còn về vật tư và hỗ trợ đầu ra, thì quá sức của Hợp tác xã”. Mỗi năm một lần, Hợp tác xã đều phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ thuật cho người trồng hoa. Tuy nhiên, người dân quen nếp cũ, vẫn theo chủ nghĩa kinh nghiệm, nên vẫn “ngại” tiếp thu những kiến thức khoa học mới. Rồi diện tích đất trồng hoa rộng, bà con cứ dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ liều lượng cao để “đánh nhanh thắng nhanh”, làm cho đất cũng mau bị bạc màu.

Còn về hỗ trợ vốn, cô Nguyễn Thị Hường, trồng hoa đã 20 năm cho biết: “Người trồng hoa chẳng được hỗ trợ, đã vậy còn phải trả tiền thuê đất trồng. Vùng đất Tây Tựu trũng, cứ mưa lớn là hoa ngập hết, nên phải đi thuê ruộng ở tận Đan Phượng, Hoài Đức”. Cái nghề phụ thuộc hầu hết vào thời tiết, nên người dân chẳng lúc nào ngơi lo lắng. 

Vào các mùa mưa bão, nhất là sau các trận mưa lớn, hợp tác xã và bà con xã viên rất vất vả khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước chống ngập úng cho cây hoa. Bởi, chỉ ngâm trong nước một, hai ngày là cây hoa sẽ bị chết, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Đã từng có kinh nghiệm trồng và kinh doanh hoa lâu năm, ông Hòa cho biết nếu Hợp tác xã cung ứng vật tư, thì không biết đến khi nào mới lấy lại số tiền gốc. Còn hỗ trợ tiêu thụ thì rất dễ bị lỗ. Bởi lẽ nếu giá hoa cao, người dân sẽ đổ xô ra bán ngoài thị trường, nếu giá thấp lại bán cho Hợp tác xã. Phần lỗ ấy ai sẽ gánh.

Vần đề hỗ trợ khoa học kỹ thuật vào canh tác hoa và lo tìm đầu ra cho sản phẩm, là hai bài toán khó đặt ra cho làng hoa Tây Tựu. Chỉ khi tìm được lời giải thì sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập của người trồng hoa, vì nếu vẫn giữ cách làm truyền thống và không tích cực thay đổi, đầu tư, thì làng hoa Tây Tựu khó mà phát triển được.



Theo Q. Anh - K.Chung

thamht

Công an nhân dân

Trở lên trên