MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm vui của người trồng vải ở Thanh Hà

23-06-2013 - 13:22 PM |

Tuy đã vào thời điểm cuối vụ thu hoạch vải thiều, nhưng không khí tại các khu vực chuyên canh cây vải ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) vẫn rất sôi động.

 Năm 2013 được xem là năm thành công của người trồng vải trong huyện khi vải được mùa, giá bán cao và ổn định.

Đi dọc tỉnh lộ 390 từ thị trấn Thanh Hà đến các xã như: Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Sơn, chúng tôi gặp cảnh mua bán tấp nập diễn ra trên các trục đường chính; nhiều xe ô tô của các thương lái đã về đây để tìm mua vải.

Chị Nguyễn Thị Vĩnh - một chủ địa điểm thu mua vải tại xã Thanh Thủy cho biết: “Sản lượng vải năm nay tuy không nhiều như các năm, nhưng chất lượng thì cao hơn hẳn. Vải có mẫu mã đẹp lại không bị sâu đầu nên người thu mua như chúng tôi rất yên tâm”. Qua tìm hiểu, giá vải tại chợ Lại (Thanh Thủy) trong buổi sáng ngày 21-6 giao động từ 13.000 đến 15.000đồng/kg, vải đẹp mua tại vườn là 17.000đồng/kg. Chị Vĩnh cho biết thêm: “Do là thời điểm cuối vụ nên chúng tôi thu mua được không nhiều, buổi sáng nay mới chỉ mua được khoảng 5 tấn vải quả. Trong ngày, chúng tôi phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau để gom cho đủ hàng”.

Thương lái đến thu mua vải ngay tại vườn.

Đến thăm xã Thanh Sơn - nơi có cây vải tổ của huyện. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Loản - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương hiện có 170ha trồng vải, trong đó vải thiều là 140ha, đến nay người dân trong xã đã thu hoạch được khoảng 95% diện tích, sản lượng toàn xã ước đạt 1.000 tấn, thấp hơn 700 tấn so với vụ vải năm 2012”.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được xác định là do những năm trước đây, giá vải liên tục xuống thấp, nên một số diện tích trồng vải đã bị người dân chặt bỏ để trồng những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng hai năm trở lại đây, khi huyện Thanh Hà đưa nhiều chính sách hỗ trợ đến với người trồng vải, đã giúp sản lượng và chất lượng của quả vải không ngừng tăng, giá vải lại cao và ổn định, khiến người nông dân quay trở lại chăm sóc cho cây vải truyền thống.

Tới thăm gia đình bà Vũ Thị Ly ở Đội 15, thôn Tráng Liệt khi cả gia đình đang tập trung nhân lực thu hoạch vải. Bà Ly phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi hiện có hơn 1 mẫu trồng vải, sản lượng năm nay ước đạt khoảng trên 3 tấn, giá bán bình quân từ 9000 đến 12.000đồng/kg, cao hơn trung bình nhiều năm từ 3000 đến 4000đồng/kg. Do nhà tôi còn kinh doanh hàng tạp hóa, nên việc thu hoạch vải đôi khi phải thuê người làm. Nếu giá cao như năm nay thì còn có lãi, chứ như mọi năm thì tiền bán vải cũng không đủ tiền thuê nhân công. Vì thế mà những năm trước đây, người dân trong xã đã bỏ vườn, bỏ đất để đi làm ở các công ty, xí nghiệp. Nhưng nếu giá cả cứ ổn định như năm nay, thì tôi nghĩ nhiều người sẽ lại quay về quê hương để thâm canh cây vải truyền thống”.


Gia đình bà Vũ Thị Lytập trung nhân lực để thu hoạch vải.

Trong thời gian qua, huyện Thanh Hà đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để giúp người dân thêm gắn bó với cây vải. Một trong những chính sách hỗ trợ đó là đưa vào thí điểm mô hình sản xuất vải theo quy trình VietGAP. Hiện nay, Thanh Hà có gần 40ha vải được sản xuất theo quy trình này tại xã Thanh Sơn và Thanh Khê với 361 hộ tham gia. Năm 2012, sản lượng vải thiều VietGAP đạt 230 đến 260 tấn và đã có 36 hộ được cấp giấy chứng nhận có sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Những hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, có sổ ghi chép quy trình chăm sóc một cách tỉ mỉ, rõ ràng, nhằm tạo ra một sản phẩm sạch và có mẫu mã, chất lượng tốt.

Vừa qua, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I, đã chứng nhận 100/361 hộ tham gia dự án: “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP” đạt tiêu chuẩn VietGap năm 2013, với quy mô 13,2ha ở 2 xã Thanh Sơn và Thanh Khê. Qua đánh giá, vải quả trong vùng dự án được thực hiện theo đúng quy trình, ít sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng quả tốt hơn so với vải được chăm sóc theo phương pháp truyền thống, giá bán cũng cao hơn từ 25 đến 30% so với mức giá bình quân chung trên thị trường.

Xã Thanh Sơn là xã đầu tiên của huyện được thí điểm thực hiện sản xuất vải theo quy trình VietGAP. Qua 2 năm triển khai, người dân trong xã đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất vải theo quy trình này. Năm nay, địa phương có 16,7ha vải đăng ký tham gia, và đã có 6,7ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Đức Loản - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Sản lượng của vụ vải năm 2013 so với những năm trước thì thấp hơn, nhưng giá cả lại cao hơn nên thu nhập của người trồng vải đã được nâng lên. Đối với những hộ tham gia dự án VietGAP, người dân đã nâng cao được ý thức về sản xuất hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá vải trồng theo quy trình VietGAP cao hơn giá vải thông thường”. Ông Loản cũng trăn trở: “Tuy vải Thanh Hà thơm ngon và ngọt hơn vải ở các vùng khác. Nhưng quả vải được trồng theo quy trình VietGAP hiện nay có mẫu mã cũng chưa thật sự nổi trội để có đủ sức cạnh tranh. Vì thế mà người tiêu dùng hiện nay còn bối rối, chưa nhận thức được đâu là vải VietGAP và đâu không phải là vải VietGAP…”.

Vải trồng theo quy trình VietGAP có mẫu mã và sản lượng cao hơn hẳn vải thông thường.

Gia đình ông Trần Văn Bé ở xóm 4 thôn An Lão xã Thanh Khê là một hộ tham gia dự án sản xuất vải theo quy trình VietGAP và ông cũng là một trong những hộ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2013. Chúng tôi gặp ông Bé giữa lúc ông đang cùng vợ xếp vải vào sọt để mang đi bán. Ông hiện có 7 sào trồng vải, toàn bộ diện tích này đều được trồng theo quy trình VietGAP, vì thế sản lượng năm nay có thể đạt trên 2,5 tấn. Giá bán bình quân cũng đạt từ 14.000 đến 15.000đồng/kg. Những năm trước đây, khi cây vải mất dần giá trị, ông cũng là người đã tự tay phá bỏ đi 7 sào trồng vải của gia đình. Nhưng năm nay, với mức giá cao và ổn định như vậy, cùng với những lợi ích của sản xuất vải theo quy trình VietGap mang lại, thì việc ông Bé mong muốn khôi phục lại những diện tích vải đã phá bỏ trước đây là điều chắc chắn.

Ông Bé tâm sự: “Từ trước tới nay, chúng tôi đều trồng vải theo quy cách cũ, nên năng suất và chất lượng của quả vải không cao. Từ khi được tham gia dự án sản xuất vải theo quy trình VietGAP, chúng tôi đã được trang bị thêm rất nhiều kiến thức trong việc làm ra một sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Vì thế chúng tôi quyết định làm theo mô hình này đến cùng. Trước đây sản lượng vải chỉ đạt khoảng 3 tạ/sào, nhưng năm nay chúng tôi có thể được đến 5 tạ/sào”.

Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện hiện có gần 4000ha vải, trong đó vải thiều là 2930ha, còn lại là vải sớm, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt từ 17.000 đến 18.000 tấn. Trong những năm tới, để cây vải truyền thống của huyện trở thành một cây trồng chủ lực và có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường. Huyện Thanh Hà cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm vải thiều; đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông; nâng cấp, xây mới các chợ đầu mối để thu mua và tiêu thụ vải quả; tăng cường các hoạt động chuyển giao KHKT, mở rộng vùng sản xuất vải theo quy trình VietGAP, hỗ trợ kinh phí cho người nông dân để họ có thể gắn bó và làm giàu từ cây vải.

Theo Trần Đức Anh

hangnt

Quân đội nhân dân

Trở lên trên