MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân túc trực ngưỡng nghèo

18-11-2013 - 07:58 AM |

Lúa khô các loại hiện tại đang ở mức 5.300 – 5.900 đồng/kg, mức giá hấp dẫn nhất tính từ đầu năm, khiến nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) càng buồn hơn bởi không còn lúa để bán kiếm chút lời.

Trong khi đó, mới hồi đầu tháng 10, đa phần nông dân đã phải thu hoạch lúa chạy lũ và bán tháo với mức giá thấp thê thảm: 3.000 – 4.200 đồng/kg lúa tươi. Cuộc sống của họ cho tới vụ tới sẽ ra sao là nỗi lo chung của hàng vạn hộ nông dân khu vực.

Mất tiền tỉ

Theo cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – NN&PTNT), vụ lúa đông xuân 2012 – 2013, toàn khu vực Nam bộ đã gieo trồng hơn 1,72 triệu ha. So với vụ đông xuân trước, diện tích gieo trồng tăng thêm 12.865ha đã kéo sản lượng tăng 47.163 tấn để đạt hơn 11,589 triệu tấn. Tuy nhiên, đó chỉ là con số thành công dành cho ngành nông nghiệp cả nước. Còn đối với nông dân, những người trực tiếp làm ra những thành tích chung đó thì ngược lại.

Ở vụ đông xuân, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân trồng các loại lúa thơm, nhưng khi thu hoạch hoạt động thu mua hạn chế đã kéo giá thu mua lúa tươi (jasmine, OM 4900…) xuống mức 4.500 – 5.000 đồng/kg, thấp hơn gần 3.000 đồng/kg so với vụ đông xuân trước. Nông dân Nguyễn Minh Phước ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cho biết: “Chi phí sản xuất lúa thơm gần gấp đôi lúa thường”. Trong khi đó, công bố của bộ NN&PTNT, bình quân giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân ở mức 3.616 đồng/kg, tăng 239 đồng so với cùng kỳ, “tính ra nông dân phải bán lúa thơm dưới 80% giá thành sản xuất”, ông Phước nói.

Ông Nguyễn Văn Hà, xã viên hợp tác xã Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng ngậm ngùi với giá thu mua lúa thơm của thương lái ở mức 4.500 đồng/kg. Ông Hà nhẩm tính: “Nếu sản lượng lúa thơm toàn vùng chỉ chiếm khoảng 20% diện tích xuống giống thì sản lượng cũng đạt trên 2,3 triệu tấn. Như vậy, so với vụ đông xuân năm trước, nông dân trong vùng đã mất đứt khoảng 7 tỉ đồng do giá lúa giảm”.

Ám ảnh lúa thơm đang còn dư âm trên những cánh đồng lúa vụ hè thu kế tiếp thì mưa bão đã nhận chìm giá thu mua lúa tươi thu hoạch chạy lũ trong vụ này xuống mức 3.000 – 3.700 đồng/kg. Trong khi đó, theo bộ NN&PTNT, giá thành sản xuất lúa hè thu khoảng 4.142 đồng/kg, tăng 149 đồng so với cùng kỳ năm trước. Với sản lượng khoảng 9,3 triệu tấn trong vụ này, trong đó có khoảng phân nửa phải thu hoạch trong mưa bão, ngập lũ… nông dân Nam bộ tiếp tục mất thêm hơn 2 tỉ đồng do phải bán lúa dưới giá thành. Theo ông Hà, những khoản thâm hụt từng năm như vậy sẽ “ăn mòn” khả năng trả nợ ngân hàng của đa số nông dân, tương lai của con cái họ, thậm chí cảnh nghèo khó, trắng tay luôn đe doạ nông dân.

 

Nông dân góp sức làm nên kỳ tích xuất khẩu gạo nhưng họ vẫn là thành phần nghèo nhất.

Nông dân còn gì?

Tại hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2013 do bộ NN&PTNT tổ chức tại Trà Vinh hồi cuối tháng 9, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tin mừng: thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn rộng mở, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thâm nhập được những thị trường nhập khẩu gạo từ Thái Lan. Bên cạnh đó, tỷ trọng gạo thơm xuất khẩu tăng gấp đôi so với 7% của năm 2012. Tuy nhiên, ông Phong cũng đưa ra một dự báo buồn cho nông dân: “Yêu cầu giá cao như những năm trước khó có thể xảy ra”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa ĐBSCL cho rằng, sản lượng lúa từng vụ sản xuất đã ổn định và sản lượng tăng hàng năm cũng đã tính được, vậy thì ngay từ đầu năm cần có kế hoạch chuẩn bị tạm trữ. “Cứ để rơi vào tình cảnh lúa thu hoạch rộ, giá giảm mới lục tục triển khai tạm trữ, thì ít nhiều gì nông dân cũng bị thiệt”, ông Bảnh lo ngại.

Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Long An, ông Lê Minh Đức, nhận định: “Định giá mua lúa cho nông dân có lãi 30% lạc hậu ngay từ khi các doanh nghiệp tính giá mua theo kiểu giải “bài toán ngược”. Nếu doanh nghiệp cầm chắc phần lợi cho dù có xuất khẩu gạo giá thấp thì đương nhiên phần lợi của nông dân sẽ không còn, thậm chí lợi nhuận âm (-)”. 

Theo ông Đức, vụ hè thu nông dân các tỉnh ĐBSCL nhẩm tính định mức đầu tư sản xuất lúa khoảng 24 – 27 triệu đồng/ha, để đảm bảo nông dân có lời 30%, mức lợi nhuận tối thiểu phải đạt khoảng 7,2 triệu đồng/ha (tương ứng với giả định năng suất 6 tấn/ha và giá lúa ở mức 5.100 đồng/kg). Tất cả đều là “không tưởng”, nhưng nếu thoả mãn các điều kiện trên, bình quân hộ bốn nhân khẩu, canh tác 1ha đất, vụ lúa ba tháng, thu nhập đầu người ước tính cũng mới chỉ khoảng 600.000 đồng/tháng, vừa vượt ngưỡng nghèo.

Cũng với bài toán này, ông Phạm Văn Tới, phó chủ tịch hội Nông dân huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) lo ngại: “Nếu năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 5,1 tấn/ha như vụ hè thu năm trước, giá thu mua ở mức 5.900 đồng/kg lúa khô như hiện tại thì tính ra tổng mức lãi tối đa cũng chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/ha của vụ lúa kéo dài ba tháng, tương đương nguồn thu nông hộ bình quân mới hơn 458.000 đồng/người/tháng, thấp hơn ngưỡng thu nhập tối thiểu của hộ nghèo!”

Theo Ngọc Tùng

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên