MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nuôi tôm nước lợ 2013: Được mùa sau nhiều vụ thất bát

26-11-2013 - 13:09 PM |

2013 là năm phục hồi SX nuôi tôm nước lợ, người nuôi được mùa, được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời xác định được hướng phát triển rõ ràng đối với nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.

Tôm thẻ chân trắng đang chiếm ưu thế

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn gây bất lợi như thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội địa, dịch bệnh diễn biến phức tạp (mặc dù nguyên nhân bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi đã được xác định nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra), giá thức ăn và tôm giống tăng cao…

Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo sở, ngành các địa phương nên đã đạt được những kết quả đáng kể.

XK đạt 2,5 tỷ USD

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013 cả nước có 30 tỉnh, thành nuôi tôm nước lợ. Tính đến thời điểm hiện tại diện tích thả nuôi đạt 652.612 ha (bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2012); trong đó diện tích nuôi tôm sú 588.894 ha, tôm thẻ chân trắng 63.719 ha.

Sản lượng thu hoạch 475.854 tấn, trong đó tôm sú đạt 232.853 tấn, tôm chân trắng là 243.001 tấn. Giá trị XK tôm đạt 2,5 tỷ USD (tăng gần 33% so với cùng kỳ 2012, chiếm 44% tổng giá trị XK thủy sản cả nước).

Vụ nuôi tôm 2013 ở các nước trong khu vực sụt giảm sản lượng đáng kể do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, nhu cầu nguyên liệu tăng kéo theo giá tôm tăng cao. Từ những yếu tố đó, Tổng cục Thủy sản đã có công văn chỉ đạo nuôi tôm để tận dụng cơ hội giá cao, cho phép phát triển nuôi tôm chân trắng vụ 3 ở những khu vực có lợi thế với phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh ở cả quy mô nông hộ và quy mô trang trại.

Hiện có 12/30 tỉnh nuôi tôm trái vụ với diện tích 11.959 ha; sản lượng ước đạt 45.700 tấn, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, với nhiều hình thức nuôi khác nhau. Nuôi trái vụ rủi ro cao, sản lượng không cao, tuy nhiên giá bán cao hơn và người nuôi vẫn thu được lợi nhuận.

Với lợi thế đưa tôm chân trắng vào nuôi vụ 3 đối với các địa phương có đủ điều kiện đã tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, bước đầu đã tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm sau nhiều vụ mùa thất bát.

Dịch bệnh còn tiềm ẩn

Từ đầu năm 2013 đến nay, kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn xảy ra trầm trọng ở nhiều nơi. Phổ biến nhất là các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 68.000 ha tôm nuôi bị bệnh, bằng 84,7% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 10,4% diện tích nuôi tôm.

Đại dịch hoại tử gan tụy từng xóa sổ nhiều vùng nuôi tôm trong các năm 2011 và 2012 nay đã giảm đáng kể, chỉ còn chiếm 1% diện tích nuôi tôm. Trong khi đó, bệnh đốm trắng trên tôm tăng cả diện tích lẫn số lượng địa phương có dịch.

Trên thực tế, nhiều địa phương luôn bị động đối phó với dịch bệnh và hầu như chỉ khi có dịch mới xuất kinh phí dập dịch, bởi vì không có nguồn kinh phí dự phòng để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại...

Ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, môi trường nước trên các sông rạch có dấu hiệu ô nhiễm, dịch bệnh liên tục xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất cao, gây thiệt hại khá lớn. Song địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư thỏa đáng; ý thức phòng chống dịch của người nuôi và năng lực của hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế…

Tăng sản lượng tôm chân trắng

Tổng cục Thủy sản cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Theo đó, đối với tôm sú tiếp tục duy trì ổn định diện tích và sản lượng; đối với tôm chân trắng tăng sản lượng lên từ 20 - 30%, tập trung phát triển nuôi tôm chân trắng ở hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ở quy mô trang trại và quy mô nông hộ ở những nơi có điều kiện đảm bảo.

Giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm nước lợ, phát hiện nhanh dịch bệnh, xử lý kịp thời khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm chân trắng, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch.

Chỉ tiêu về diện tích và sản lượng đưa ra trong năm 2014 là tôm sú đạt 590.000 ha với sản lượng 270.000 tấn; tôm chân trắng 80.000 ha với sản lượng 290.000 tấn.

Tổng cục đề nghị các địa phương làm tốt các nhiệm vụ như quy hoạch, quản lý giống, thức ăn, môi trường dịch bệnh; đầu tư cơ sở hạ tầng, KHCN... để vụ tôm 2014 đạt được kết quả thắng lợi.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT; Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản, đầu tư trong lĩnh vực giống thủy sản, quan trắc cảnh báo môi trường...

Các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, xây dựng quy hoạc nuôi trồng thủy sản phù hợp với thực tiễn SX và xu hướng phát triển. Sở NN-PTNT xây dựng và triển khai kế hoạch nuôi, đặc biệt là khung mùa vụ SX và chương trình giám sát dịch bệnh...

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh:

Trong bối cảnh nhiều nước nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề trong năm qua, nhưng sản lượng và kim ngạch XK tôm của VN vẫn tăng khi diện tích nuôi không thay đổi. Điều này cho thấy một năm nuôi tôm được mùa, được giá. Đáng chú ý là tôm thẻ chân trắng đạt sản lượng và kim ngạch XK vượt tôm sú.

Tôm thẻ chân trắng là một hướng đi cần quan tâm, song các địa phương cần phải khuyến cáo người nuôi thận trọng, tránh nuôi tự phát mà phải quy hoạch định hướng vùng nuôi, số lượng phù hợp...

Theo Hoàng Hạnh

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên