MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quýt hồng Lai Vung “2 trong 1” đón tết

24-12-2012 - 09:27 AM |

Tết năm nay, người tiêu dùng sẽ được nếm thử sản phẩm quýt hồng 2 trong 1: đặc sản quýt hồng – sạch”, nhà vườn Đặng Thành Lâm ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, Lai Vung nói vui.

Phải mất bốn năm, với quy trình canh tác tuân thủ đầy đủ các tiêu chí và qua kiểm tra nhiều lần, đến tháng 8.2012, 4,57ha vườn quýt hồng của 13 nhà vườn ở ấp Long Hưng 1 mới được cơ quan chức năng công nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Như vậy, trong tổng sản lượng cả năm khoảng 45.000 tấn quýt hồng của Lai Vung, lượng quýt sạch phục vụ tết Quý Tỵ chỉ khoảng 200 – 250 tấn.

Mô tả về sản phẩm quýt hồng sạch, nhà vườn Lưu Văn Tín, tổ trưởng tổ liên kết sản xuất quýt hồng theo VietGAP, nói rằng: “Quy trình canh tác phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện ràng buộc. Thông thường, nhà vườn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 25 – 30 lần/vụ quýt, nhưng theo ghi nhận sau bốn năm thực hành sản xuất sạch, số lần phun xịt thuốc không quá 20 lần. Bên cạnh đó, phải ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ...Chưa hết, vườn quýt còn phải sạch, đẹp để có thể đón khách du lịch”.

Theo tổ trưởng Lưu Văn Tín, khoảng đầu tháng chạp ta (âm lịch), có thể thu hoạch đợt quýt sạch đầu tiên. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần thiết có thêm sự hỗ trợ bằng cách đưa sản phẩm sạch có dán nhãn (logo) đi giới thiệu nhiều nơi để tìm được mức giá phù hợp với giá trị của nó. Các chủ vườn quýt canh tác theo chuẩn VietGAP đang tính tới chuyện mời các cơ quan chuyên môn phối hợp, tổ chức đưa sản phẩm sạch của mô hình này đến chào hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị… ở các đô thị lớn, với hy vọng tìm gặp những người kinh doanh có trách nhiệm với khách hàng và được sự ủng hộ của những người tiêu dùng “thông minh” trong chọn lựa sản phẩm an toàn.

Ở thời điểm này, liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức thực hiện một chuyên đề giới thiệu sản phẩm quýt hồng sạch dưới dạng phim truyền hình để hỗ trợ việc quảng bá, tìm đầu ra… “Mình tổ chức cho nông dân sản xuất theo quy chuẩn, theo khoa học nhưng lâu nay khi có sản phẩm thì đầu ra cứ thả nổi. Thực tế này vừa gây lãng phí tiền của, công sức lại vừa vô tình làm giảm lòng tin đối với nông dân”, ông Bùi Hữu Soi, phó chủ tịch liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp còn chút băn khoăn như vậy.

Theo Ngọc Tùng

SGTT

hangnt

Trở lên trên