MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rau sạch loay hoay tìm đầu ra

03-07-2013 - 08:57 AM |

Sau 3 năm triển khai đề án trồng sau sạch an toàn của thành phố Hà Nội, diện tích trồng rau đã được mở rộng nhưng việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập, niềm tin của người tiêu dùng chưa vững chắc.

Rau sạch "thân phận" như rau thường!

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, kết quả sau 3 năm triển khai đề án sản xuất rau an toàn, Hà Nội hiện có khoảng 3.800ha rau được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, phân bố ở 93 xã với sản lượng khoảng 295.000 tấn/năm, tương đương 800 tấn/ngày. Tính đến tháng 3-2013, Hà Nội cũng đã lập 31 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với tổng diện tích hơn 2000ha tại các huyện như: Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Oai, Thanh Trì...

Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện này là mặc dù diện tích trồng rau an toàn ngày càng mở rộng nhưng không mang lại hiệu quả cho người nông dân, bởi vì việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Do không tìm được đầu mối tiêu thụ, bà con nông dân phải tự mang sản phẩm rau an toàn chưa được đóng gói, dán nhãn mác ra chợ bán như rau thông thường.

Bà Nguyễn Thị Hảo (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) - chủ nhân của hơn 2 sào trồng rau an toàn tại Khu quy hoạch trồng rau của Hợp tác xã Yên Mỹ, nói: “Chúng tôi trồng rau sạch với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt nhưng lại phải mang ra chợ bán với giá như rau thông thường. Ở chợ, chúng tôi có nói đây là rau sạch cũng không ai tin. Trong khi đó, các cửa hàng rau sạch thu mua cho bà con với số lượng rất ít. Cả xã có đến hàng chục héc-ta trồng rau, nếu chỉ chờ các cửa hàng, công ty đến hỏi mua thì rau hỏng hết”.

Trên thực tế, tuy thành phố đang từng bước sản xuất rau theo quy hoạch, theo đề án, nhưng vẫn còn manh mún, nhất là chưa tạo được quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; cả chính quyền đến hộ dân trồng rau đều hết sức “lúng túng” vì sản xuất đã khó nhưng tiêu thụ còn khó hơn nhiều. 

Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, Thanh Trì bày tỏ: “Hằng năm, chính quyền xã đã mở lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn, hỗ trợ giống, phân bón, túi đóng gói... cho bà con. Nhưng khi bà con làm ra rau sạch rồi thì "đầu ra" vẫn gặp khó khăn. Việc tiêu thụ tại các cửa hàng chưa được nhiều, số lượng cửa hàng thực sự có nhu cầu kinh doanh bao tiêu sản phẩm còn ít”.

Cần nỗ lực của cả người bán và người mua

Hiện nay, một nghịch lý đang diễn ra: Trong khi các cửa hàng, siêu thị bán rau an toàn khá vắng khách, thì tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn nườm nượp người mua. Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng chưa đủ niềm tin đối với rau an toàn. Đa số người dân Hà Nội quen mua rau ở chợ, vừa tươi, vừa tiện, dù đó là loại rau không rõ nguồn gốc. 

Chị Hà Thị Phương (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Đi làm về muộn, tiện qua chợ mua rau và thức ăn luôn, vừa tươi vừa rẻ. Nếu qua các cửa hàng bán rau sạch thì vừa không thuận tiện, vừa không có rau tươi, mà cũng chưa chắc chắn đó đã là rau an toàn”.

Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, cho biết: "Do việc tuyên truyền quảng bá chưa thực sự tốt nên người mua chưa hiểu và chưa tin vào rau an toàn. Ngoài ra, họ vẫn chưa thay đổi thói quen đi chợ mua rau. Một lý do nữa là các địa điểm bán rau an toàn chưa hợp lý. Có thể thấy, rất ít người ngày nào cũng vào siêu thị chỉ để mua vài mớ rau".

Để giải quyết hài hòa lợi ích người trồng, người bao tiêu (siêu thị, nhà hàng) và người tiêu dùng là điều không hề đơn giản, bởi vì rau là mặt hàng dễ nát, hỏng, vận chuyển từ ngoại thành vào trung tâm khá xa, chi phí cho các khâu trung gian lớn, chính vì vậy giá bán cao hơn các loại rau thông thường. Giá đã cao, việc mua không thuận tiện, lại vẫn bị nghi ngờ là "chưa chắc đã là rau sạch", nên tình trạng rau sạch "ướp máy lạnh" trong siêu thị khó tiêu thụ cũng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ quan, địa phương tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về giải pháp tiêu thụ rau an toàn. Sắp tới, các dự án rau an toàn sẽ được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh rau an toàn sẽ được mời vào cuộc”.

Hiện nay, đã có khoảng 80 điểm bán rau an toàn gần các khu dân cư để vừa bán hàng, vừa tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Nhưng với số điểm bán như vậy trên địa bàn thành phố với hàng triệu người dân là chưa đủ nhu cầu. Vấn đề là làm sao để người dân thuận tiện trong việc mua rau, với một mức giá hợp lý, chất lượng bảo đảm, đáng "đồng tiền bát gạo". Vì vậy, rất cần tạo điều kiện, huy động nhiều hơn nữa sự vào cuộc của doanh nghiệp với những cách làm sáng tạo mới có thể giải quyết những khó khăn, nghịch lý trên.

Theo Vũ Hằng – Vũ Yến

khanhnt

Quân Đội Nhân Dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên