MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương nhân Trung Quốc mua tôm nguyên liệu: Mừng ít, lo nhiều

20-09-2013 - 08:21 AM |

Nếu trước đây, các thương lái chỉ mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ nhỏ chỉ 150 con/kg cũng được mua gom với giá cao hơn trước 20 – 30% và hầu như họ ít quan tâm đến chất lượng tôm.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết khoảng một tháng trở lại đây, tại các vùng nuôi tôm ở miền Trung và ĐBSCL lại xảy ra tình trạng thương nhân Trung Quốc vào mua gom giá cao sau đó ướp đá vận chuyển về Trung Quốc. Thống kê sơ bộ mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Giá tôm nguyên liệu tăng lúc này giúp người nuôi tôm gỡ lại phần nào lỗ lã liên tục hai năm qua do tôm chết liên tục thành dịch. Ông Đặng Văn Bo, người nuôi tôm ở xã Định Trung (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) vui mừng khoe: “Nuôi tôm năm nay kiếm ăn khá nhờ được mùa nuôi mà giá cũng có lý… Chỉ cần điện thoại là lái tôm tới làm giá, cân liền chứ không kỳ kèo như lái xí nghiệp (cung ứng cho nhà máy).” 

Chính vì vậy, các lái buôn Trung Quốc gần như làm chủ thị trường tôm ở các xã Bình Thới, Định Trung, Lộc Thuận… (huyện Bình Đại). Ông Lê Hoàng Vũ ở xã Bình Thới còn cho biết: “Mua bán dễ chịu thì ai cũng thích, bởi vậy lái Trung Quốc hốt hết tôm trên tay các lái mua cho nhà máy mà họ cũng phải chịu thôi nếu họ hổng tăng giá mua”.

Ông Trần Văn Đức, phó chủ tịch hội Nông dân xã Định Trung lo lắng: “Trước mắt, đa số người nuôi hoan nghênh cách mua bán nhanh chóng có lợi hơn cho người nuôi nhưng về lâu dài chưa biết hậu quả ra sao, có giống khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long hay không?”

Ở Bến Tre, sức hút của con tôm thẻ chân trắng một thời (khoảng cuối năm 2010) đã khiến nhiều vườn dừa trong vùng ngọt hoá thuộc xã Định Trung, Lộc Thuận, Phú Vang… bị triệt hạ để nhường chỗ cho những ao nuôi tôm, khoan giếng lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm, tỷ lệ tôm chân trắng được phép nuôi là bao nhiêu theo quy hoạch các địa phương gần như vô hiệu, lợi ích kinh tế cho nông hộ đã khiến tất cả đều đã vượt quá tầm quản lý của chính quyền cơ sở. 

Điều các nhà kinh tế lo ngại là khi lợi ích nhất thời của mô hình này đã triệt tiêu mô hình kia với nhiều yếu tố bền vững hơn thì liệu rằng có nên đánh đổi?

Vài năm gần đây, Việt Nam trở thành “sân sau” của các thương nhân Trung Quốc sang mua gom nguyên liệu mỗi khi sản xuất trong nước của họ gặp trục trặc. Không chỉ tôm nguyên liệu mà các mặt hàng nông sản, thuỷ sản phục vụ tiêu dùng hàng ngày đều được Trung Quốc quan tâm. 

Thông thường, thương nhân Trung Quốc mua giá cao hơn hẳn mặt bằng giá thị trường trong nước, cao hơn giá mua của doanh nghiệp Việt Nam và ít so đo đến vấn đề chất lượng. Phương thức mua bán quá dễ dàng này, đáp ứng được mong mỏi của nông dân là bán nhanh sản phẩm với giá cao.

Hoàn cảnh mà doanh nghiệp chế biến tôm đang gặp phải lúc này không khác mấy so với doanh nghiệp cá tra. Cả hai đều gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, đến nước phải đóng cửa nhà máy. Nguyên nhân chung là họ không chịu bỏ vốn đầu tư nuôi trồng mà ỷ lại người dân, sau đó tung tiền mua giá thấp và có tâm lý mua nợ chiếm dụng vốn. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là thói quen kinh doanh theo kiểu ăn xổi, thiếu bền vững cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam, rất đáng lên án. Lẽ dĩ nhiên một khi anh không đầu tư vùng nguyên liệu, cộng với tâm lý mua thấp, bán thấp nên anh phải gánh hậu quả mỗi khi có sự cạnh tranh của các thương nhân nước ngoài vào mua gom.

Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty thuỷ sản Hùng Vương cho rằng, nếu thương nhân nước ngoài vào mua gom nông sản và trả giá cao để nông dân có lời thì phải khuyến khích họ chứ tại sao lại cấm cản, kêu ca. Theo ông Minh, thay vì kêu ca, doanh nghiệp nên tìm cách khắc phục bằng cách bỏ tiền ra tự nuôi hoặc liên kết với dân để hai bên cùng có lợi.

Theo Ngọc Tùng – Hoàng Bảy

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên